Tại Việt Nam hiện nay, đại đa số ứng dụng Fintech tập trung trong lĩnh vực thanh toán điện tử

Tại Việt Nam hiện nay, đại đa số ứng dụng Fintech tập trung trong lĩnh vực thanh toán điện tử

Fintech: Nhốt trong hộp thì không thể phát triển

(ĐTCK) Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty NextTech Group of Technopreneurs cho rằng, 5 - 10 năm tới sẽ là giai đoạn bùng nổ Fintech, vì đây chính là yếu tố quan trọng để phát triển ngành ngân hàng. 

Ông có bình luận gì về quan điểm cho rằng, hệ thống ngân hàng đối với khách hàng đã là đầy đủ. Nhiều người chưa nhìn thấy sự khác biệt để từ bỏ hệ thống ngân hàng, chuyển qua Fintech?

Năm 1994, Bill Gates có “lời tiên tri” đầy ám ảnh rằng: “Banking is essential, but banks are not”, tạm dịch là “Dịch vụ tài chính là thiết yếu, nhưng không nhất thiết phải qua ngân hàng”.

Lời tiên đoán này đã trở thành hiện thực khi làn sóng Fintech đang khiến hàng loạt ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đang và sẽ tiếp tục cắt giảm đến 30%, thậm chí 40% số chi nhánh và nhân sự, giảm đến 40% doanh thu và 60% lợi nhuận tới năm 2025, theo McKinsey.

Diễn biến này đáng báo động tới mức, trong một lá thư gửi tới các cổ đông hồi giữa năm 2015, CEO của JP Morgan phải cất tiếng rằng: “Thung lũng Sillion đang kéo đến đây”.

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước một cuộc cách mạng điện tử và tự động hoá mạnh mẽ, bất kỳ quốc gia, ngành kinh tế, doanh nghiệp nào… không lướt được trên con sóng này sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi, không ngoại trừ ngành tài chính - ngân hàng.

Trước đây, sự ra đời của Fintech giúp giải quyết những vấn đề ngành ngân hàng không thực hiện được, đặc biệt với đối tượng khách hàng nhỏ, siêu nhỏ, cá nhân.

Cụ thể, ngành ngân hàng triển khai trên cơ sở thực hiện quy trình, nên giá dịch vụ thường đắt đỏ do hệ thống chi nhánh, nhân sự cấu thành chi phí lớn. Minh chứng là tại Mỹ, từ những năm 70 đến nay, margin của ngành ngân hàng chỉ khoảng 5% tổng dư nợ, nhưng đến năm 2000, margin đã lên đến gần 20% tổng dư nợ. Điều này cho thấy, chi phí hoạt động quá cao và toàn bộ chi phí này được tính vào giá thành khách hàng phải chịu.

Ông Nguyễn Hoà Bình 

Do đó, vai trò của Fintech là ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, trong khi chi phí rất thấp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thanh toán, một cửa hàng siêu nhỏ muốn được triển khai thanh toán trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn qua sự phê duyệt của các cấp.

Fintech có thể giải quyết vấn đề này khi mở ra khả năng cung cấp dịch vụ với chi phí thấp. Có thể thấy, đây là hoạt động giúp "cánh tay" ngân hàng vươn rộng tới những khu vực mà hệ thống ngân hàng chưa thể với tới, đồng thời cũng là một trong những phân khúc chính của Fintech với thuật ngữ “Financial Inclusion” đang dần trở nên phổ biến.

"Phí thấp không phải là vấn đề, quan trọng là sự an toàn trong giao dịch”. Về tính an toàn, bảo mật trong Fintech, ông sẽ nói gì?

Fintech không tạo ra điều mới, mà chỉ thuận lợi hóa những cái cũ, dựa trên nền tảng yêu cầu, quy định của ngân hàng. Công ty Fintech vẫn tuân thủ các điều kiện của Ngân hàng Nhà nước nên không có việc mất an ninh, an toàn. Thực tế, bản chất câu chuyện này của Fintech chính là vấn đề bảo mật, an toàn của các ngân hàng, bởi đây là chủ thể đặt ra luật chơi.

Khi hợp tác cung cấp một sản phẩm, dịch vụ, ngân hàng và công ty Fintech đều có sự thống nhất rằng, đây là trách nhiệm của hai bên. Đừng nhìn Fintech hay công nghệ thông tin như một ngành mới, độc lập, thay vào đó, hãy coi đây là một thành phần của tất cả ngành khác.

Doanh nghiệp Fintech là một loại hình đối tác hoàn toàn mới và chuyên sâu hơn, không bán các sản phẩm công nghệ thông tin truyền thống, mà sử dụng nền tảng và năng lực công nghệ thông tin mang lại các cơ hội kinh doanh mới cho các tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống, qua đó hưởng lợi từ các giá trị gia tăng mang lại.

Fintech bản chất là ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng, nghĩa là một trong những thành phần “trong nhà”. Chẳng hạn, tại Việt Nam, Fintech đang phổ biến trong mảng thanh toán điện tử, nên tuân theo chuẩn bảo mật của ngân hàng.

Một trong những phương thức để các ngân hàng cạnh tranh lẫn nhau đó là dịch vụ. Với Fintech sẽ cạnh tranh như thế nào, thưa ông?

Fintech cạnh tranh lẫn nhau trên cơ sở, Fintech nào có độ phủ, dịch vụ tốt hơn, tạo ra giá trị thuận tiện cho khách hàng mà ngân hàng không cung cấp được. Các ứng dụng Fintech trên thế giới khá đa dạng, tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng như tiền gửi, thanh toán, bảo hiểm, tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ, quản trị rủi ro và an toàn bảo mật…

Diễn biến của ngành Fintech 5 - 10 năm nữa cũng giống như sự tiến hóa của ngành viễn thông: sẽ có ánh sáng, bùng nổ và nếu các ngân hàng không biết tận dụng Fintech như là “lối thoát hiểm” thì sẽ không được hưởng giá trị gia tăng

Tại Việt Nam hiện nay, bức tranh còn khá đơn điệu, với đại đa số ứng dụng Fintech tập trung trong lĩnh vực thanh toán điện tử và đặc biệt nở rộ hơn 1 năm gần đây, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 16 công ty Fintech và hàng chục công ty Fintech khác đang chờ cấp phép.

Tuy nhiên, chỉ một số ít trong các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận với một mảng thị trường riêng, trong khi đại đa số còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn, mà theo lời của một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại hội thảo gần đây là “sống bằng tiền của nhà đầu tư”.

Theo đó, những cái tên nổi bật có thể kể tới như: Mobivi, Mạnh Thường Quân trong mảng cho vay tiêu dùng; Trusting Social trong mảng đánh giá tín dụng; Money Lover trong mảng quản lý tài chính cá nhân; Verime trong mảng xác thực khách hàng điện tử qua chụp ảnh selfie… Có thể thấy, số lượng công ty thực sự hoạt động hiệu quả mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước thực trạng này, theo tôi, ngoài yếu tố cung cầu và việc Fintech tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển, thì còn phải kể đến sự chưa cởi mở, hợp tác từ chính các tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống. Các thể chế tài chính này vẫn giữ tâm lý e ngại, hoặc chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ với các ứng dụng Fintech “thân thiện” để chống lại nguy cơ đến từ Fintech “thù địch”, giống như nhà nông phải tương trợ các sinh vật thiên địch với các loài có hại.

Dẫu sao tại Việt Nam, Fintech cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Ông nhận định như thế nào về khu vực này trong tương lai 5 - 10 năm tới?

Theo tôi, cần nhắc lại một chút, Fintech là thuật ngữ chỉ việc cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua các phương tiện là công nghệ thông tin nhằm tăng độ phủ, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động tài chính - ngân hàng, đồng thời cắt giảm chi phí vận hành.

Các công ty Fintech là các doanh nghiệp đưa ra các ứng dụng công nghệ để: hoặc là “phá bĩnh” nhằm thay thế công nghệ cũ, hoặc là hỗ trợ nhằm “chuyển hóa” tối ưu ngành tài chính - ngân hàng truyền thống trong một thế giới đang điện tử hoá. Như vậy, có thể thấy, Fintech không chỉ thuần tuý mang đến các thách thức, mà còn mang đến cơ hội đầy tiềm năng cho các tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống nếu biết nhận diện đúng và tận dụng tốt.

Tôi cho rằng 5 - 10 năm tới sẽ là giai đoạn bùng nổ, vì Fintech giúp phát triển ngành ngân hàng. Nếu sự bùng nổ của ngành viễn thông 10 năm trước đồng nghĩa với sự ra đời của các dịch vụ nghe, gọi và nhắn tin, thì đến nay, việc này đã bão hòa.

Hiện tại, đối tượng hưởng lợi nhất của ngành viễn thông chính là các công ty cung cấp dịch vụ gia tăng. Theo đó, diễn biến của ngành Fintech 5 - 10 năm nữa cũng giống như sự tiến hóa của ngành viễn thông: sẽ có ánh sáng, bùng nổ và nếu các ngân hàng không biết tận dụng Fintech như là “lối thoát hiểm” thì sẽ không được hưởng giá trị gia tăng.

Theo ông, cần chính sách gì từ Nhà nước để hỗ trợ Fintech phát triển?

Với các cơ quan quản lý, tôi xin kiến nghị, cần có quan điểm cởi mở, bao dung, khuyến khích, cho phép thử nghiệm, không ngăn chặn các thành tựu ứng dụng Fintech có lợi trên thế giới tại Việt Nam, vì đây sẽ là cách tốt để thúc đẩy sự năng động của thị trường. Nếu nhốt doanh nghiệp trong hộp thì không thể cạnh tranh, phát triển được.

Bên cạnh đó, cần coi phí giao dịch là một mặt hàng đặc biệt, phải tiến hành kiểm soát giá, vì thanh toán điện tử là mạch máu của nền kinh tế số.

Cuối cùng, Chính phủ có thể tham khảo mô hình chính phủ kiến tạo của Singapore, với phong trào mở các cơ sở dữ liệu hạ tầng quốc gia thông qua các giao diện lập trình API tại địa chỉ developers.data.gov.sg để người dân thoả sức sáng tạo ra các ứng dụng, tiện ích thay đổi cuộc sống. Hay tương tự, thế giới sẽ không thể có Uber nếu Chính phủ Mỹ không mở cơ sở dữ liệu bản đồ ra công chúng.

Tin bài liên quan