Nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước tham gia Hội thảo

Nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước tham gia Hội thảo

FinTech: Đối thủ hay đối tác của ngân hàng Việt?

(ĐTCK) Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam cuối tuần qua cho biết, đầu tư toàn cầu vào các công ty FinTech năm 2015 là 19,1 tỷ USD, trong đó 13,8 tỷ USD được đầu tư vào các công ty FinTech do các quỹ đầu tư mạo hiểm bảo trợ cho 653 dự án và thúc đẩy khởi nghiệp mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Báo cáo của cộng đồng FinTech Việt Nam thông tin, hiện có 50 dự án Fintech đang triển khai tính đến tháng 6/2016, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, qua đó dần hình thành một hệ sinh thái FinTech của Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ tài chính Ernst & Young Việt Nam cho biết: “Theo tính toán của Ernst & Young đến năm 2020, các công ty FinTech có thể lấy đến 30% tổng doanh số của các ngân hàng hiện nay”.

Số liệu năm 2016 của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, tính đến cuối năm này, tổng số tài khoản cá nhân đã phát hành đạt mức 67,4 triệu tài khoản. Còn Tổ chức Thống kê số liệu Internet quốc tế cho biết, tính đến hết tháng 6/2016, Việt Nam đã có 49,06 triệu người dùng internet, đạt tỷ lệ thâm nhập/dân số là 51,5%.

Cơ hội để các công ty Fintech được cấp phép mở rộng sang các lĩnh vực ngân hàng truyền thống, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với là ngân hàng không có nhiều   

- Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Việt Nam đã trở  thành một thị trường rất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp thực hiện các dự án FinTech. Một viễn cảnh không xa được các chuyên gia nhận định là: “Ngân hàng không còn là nơi khách hàng đến, mà là việc khách hàng làm”.

Ông Sathish N, Phó chủ tịch phụ trách Khối Phát triển sản phẩm SunTec Business Solutions nói: “Khách hàng hiện nay mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ có thể mang đến cho họ một gói giải pháp toàn diện theo thời gian thực và đơn giản hóa cuộc sống thường ngày”.

Một nghiên cứu của Học viện Ngân hàng cho thấy, sự xuất hiện ngày một nhiều của các FinTech đã gây áp lực lớn lên ngành tài chính, ngân hàng truyền thống. Viễn cảnh đó sẽ thành hiện thực khi khách hàng sử dụng các giải pháp FinTech khác nhau để tiếp cận các dịch vụ tài chính, thay vì đến các ngân hàng xếp hàng chờ giao dịch.

Thực tế cho thấy rằng, thời điểm hiện tại, ngân hàng không còn giữ được vị trí độc quyền cung cấp dịch vụ thanh toán, mà đang phải cạnh tranh khốc liệt với các tổ chức trung gian thanh toán trong và ngoài nước.

Với 67,4 triệu tài khoản tính đến cuối năm 2016, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp thực hiện các dự án FinTech  

“Tư duy của khách hàng đã thay đổi. Cần xây dựng một ngôi nhà số hóa, trong đó cung cấp đầy đủ tiện nghi để khách hàng được tận hưởng”, ông Lee Volante, Trưởng Bộ phận Đối tác chiến lược Temenos khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: “FinTech đã trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký, các ngân hàng cần hợp tác để đôi bên cùng có lợi và mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng”.

Về vấn đề này, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, Ngân hàng có quan điểm cởi mở và hợp tác với những công ty FinTech có ý tưởng sáng tạo và đổi mới nhằm mục tiêu phục vụ cho phát triển dịch vụ tài chính hiện đại. Việc phối hợp, được ông Phương cho biết, là sự chủ động từ phía BIDV trên cơ sở những dự án cụ thể, những ý tưởng kinh doanh cụ thể.

“Chúng tôi kêu gọi sự tham gia, chia sẻ, đóng góp ý tưởng của các công ty FinTech nhằm mang đến cho khách hàng những lợi ích, gia tăng trải nghiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch và đặc biệt là sự chính xác mọi nơi, mọi lúc, với độ an toàn, tin cậy cao”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, việc BIDV tăng sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao sẽ giúp tiết giảm chi phí vận hành, tăng năng lực quản lý. Các công ty FinTech có sự phối hợp với đơn vị có khách hàng lớn, sẽ gia tăng kinh nghiệm triển khai, thử nghiệm sản phẩm dịch vụ…

“Việc hợp tác này có ý nghĩa rằng, các bên đều thắng, nên BIDV coi FinTech là đối tác, chứ không phải là đối thủ cạnh tranh”, ông Phương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nêu quan điểm, tại Việt Nam hiện nay, công ty FinTech mới chỉ tham gia vào một số dịch vụ trung gian thanh toán nhỏ lẻ, với giá trị giao dịch hạn chế, khó có thể tham gia vào các dịch vụ huy động vốn hay cấp tín dụng. Do vậy, các công ty này khó có thể thay đổi cục diện, mà chính từng ngân hàng phải ứng dụng công nghệ cho các hoạt động nghiệp vụ, giúp cải tiến và thay đổi phương thức kinh doanh, cách thức tiếp cận khách hàng và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý luôn định hướng nâng cao tính ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng. Bởi vậy, các chuẩn mực về quản trị rủi ro, các quy định pháp luật sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, đồng thời nhà điều hành cũng nói rõ việc hạn chế mở mới, thậm chí rút gọn lại số lượng các nhà băng.

“Do vậy, cơ hội để các công ty Fintech được cấp phép mở rộng sang các lĩnh vực ngân hàng truyền thống, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với là ngân hàng không có nhiều. Về ngắn hạn và trung hạn, tôi cho rằng, FinTech sẽ là đối tác, chứ chưa phải là đối thủ của các ngân hàng”, ông Hưng nói.

Tin bài liên quan