Giới phân tích nhận định, đây là tín hiệu phía Trung Quốc không định tăng mua nông sản của Mỹ, điều mà Tổng thống Donald Trump cho rằng, là một trong những nội dung then chốt của thỏa thuận thương mại. Chỉ số Dow Jones xuống dưới 27.000, không thể vượt lên đỉnh cao mới. Điều này cho thấy, thương chiến mới là yếu tố chính đang chi phối thị trường cổ phiếu Mỹ, chứ không phải là lãi suất của Fed.
Fed nhận được sự quan tâm lớn của báo chí trong tuần chủ yếu do hai vấn đề.
Thứ nhất, tất nhiên là thay đổi lãi suất vốn ngắn hạn của Fed.
Thứ hai, lãi suất repo của thị trường tiền tệ vọt lên cao, có lúc vượt 6%, khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ, tưởng là có một vụ vỡ nợ Lehman Brothers thứ hai khiến thị trường bị khô kiệt vốn ngắn hạn.
Lãi suất repo là lãi suất ngắn hạn mà các ngân hàng và quỹ đầu tư sử dụng để tài trợ các hoạt động mua bán trái phiếu và cho vay qua môi giới. Giới kinh doanh tiền tệ của ngân hàng ở Việt Nam rất quen thuộc với lãi suất này. Nói cơ bản, những hoạt động mua bán, thanh toán trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh đều được ứng trước hay ký quỹ nhờ những dòng tiền ngắn hạn mà các ngân hàng hay quỹ đầu tư nắm giữ. Khi những tổ chức này thiếu tiền mặt thì họ đi vay trên thị trường tiền tệ theo lãi suất repo. Lãi suất repo tăng, phản ánh Wall Street “hết tiền mặt”.
Wall Street “thiếu tiền” vì nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về yếu tố khách quan, các công ty Mỹ đến hạn trả tiền thuế, cần lấy tiền từ ngân hàng về nộp thuế, giảm lượng tiền mặt ở ngân hàng. Mặt khác, một số nhà đầu tư mua một lượng lớn trái phiếu mới phát hành gần đây cần thanh toán.
Về yếu tố chủ quan, dự trữ của các ngân hàng Mỹ đang thấp nhất kể từ năm 2011, thấp hơn gần 50%. Vì vậy, khi lượng tiền mặt giảm đi vì nguyên nhân khách quan, thì thị trường tài chính Mỹ “hết tiền mặt” để tài trợ cho các nghiệp vụ của ngân hàng và quỹ đầu tư. Giới tài chính Việt Nam cũng rất quen với tình trạng này mấy năm trước khi ngân hàng bị kiệt quệ thanh khoản và Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bơm thanh khoản ra thị trường.
Nói chung, Fed được chú ý trong tuần qua chủ yếu là về vấn đề chi phí vốn cho giao dịch ngắn hạn trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, chi phí vốn chỉ là một phần câu chuyện của doanh nghiệp Mỹ. Phần còn lại là họ vay tiền để làm gì. Trong bối cảnh thương chiến diễn biến bất lợi, tương lai của nền kinh tế ngày càng bất định, doanh nghiệp không có ý định tăng đầu tư, không tăng vay nợ thì lãi suất ngắn hạn giảm xuống 0,25%, hay cho dù 0,5% cũng không khiến họ đẩy mạnh đầu tư.
Thương chiến và nguy cơ suy giảm kinh tế ở châu Âu, Trung Quốc đang áp đảo lợi ích vốn rẻ do Fed đem lại. Phản ứng của thị trường cổ phiếu Mỹ vào cuối tuần qua đã phản ánh rõ cán cân này.
Với nền kinh tế Mỹ, giảm lãi suất đã không còn là một phép màu nữa, khi thị trường việc làm tương đối ổn định và lợi nhuận doanh nghiệp lớn vẫn tăng. Vai trò của chính sách giảm lãi suất ở Mỹ lúc này chỉ giúp ích cho tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu được yên tâm một chút. Điều đó không có nghĩa là cắt lãi suất không quan trọng.
Khi mà phần lớn thị trường đều dự đoán Fed sẽ phải giảm lãi suất 0,25%, nếu Fed không làm vậy, thị trường có thể hoảng loạn và bán tháo. Vì vậy, hành động của Fed vừa rồi có tác động trấn an tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, Fed không thể “nuông chiều” thị trường cổ phiếu mãi. Fed không có trách nhiệm phải trấn an thị trường cổ phiếu hay nghe theo yêu cầu của nhà đầu tư. Trách nhiệm của họ là ổn định giá cả và hỗ trợ thị trường việc làm, chứ không phải nghe lời Tổng thống Donald Trump hay nhà đầu tư lớn nào đó.
Nhiều thành viên trong hội đồng quyết định lãi suất của Fed đã tỏ ý bất đồng với chính sách lãi suất trong tuần vừa rồi. Tỷ lệ đồng thuận trên số bất đồng với việc giảm lãi suất 0,25% là 7:3, một mức bất đồng hiếm thấy.
Theo biên bản của Fed, phần lớn thành viên của hội đồng này vẫn cho rằng, mức lãi suất vốn ngắn hạn trên 2% là phù hợp cho năm 2021. Điều này nghĩa là dư địa cho cắt lãi suất tiếp tục từ đây đến cuối năm 2020 là không nhiều nếu tình hình kinh tế Mỹ không xấu đi đáng kể. Nói cách khác, Fed sẽ vẫn phải quan sát tình hình thương chiến, thị trường việc làm và lạm phát ở nền kinh tế Mỹ mà hành động.
Những yếu tố này lại bị chi phối không nhỏ bởi những nước cờ của chính phủ Mỹ và chính phủ Trung Quốc. Đây là một trạng thái thị trường cực kỳ khó đối với nhà đầu tư, vì không ai có thể chắc chắn được điều gì, bởi hành động của một trong những tay chơi chính của cuộc chơi này, Tổng thống Donald Trump, là vô cùng khó đoán.
Với việc chính sách tiền tệ của Fed chỉ đóng vai trò “kép phụ” ở Mỹ trong tuần qua, dù được chú ý rất nhiều, cho thấy khả năng chính sách này tác động đến Việt Nam sẽ không lớn. Một mặt, động thái giảm lãi suất 0,25% không bất ngờ, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn đã có tính toán đến trong điều hành chính sách lãi suất.
Ngoài ra, biến động của chỉ số sức mạnh USD không lớn sau quyết định của Fed, cho thấy các đồng tiền chính khác cũng không thay đổi nhiều so với USD sau chính sách này. Điều này không tạo ra nhiều sức ép lên tỷ giá VND/USD. Vì vậy, quyết định trong tuần qua của Fed nhiều khả năng không ảnh hưởng đáng kể đến chính sách tiền tệ của Việt Nam.