Các ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn dài cao hơn nhiều so với kỳ hạn ngắn

Các ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn dài cao hơn nhiều so với kỳ hạn ngắn

Fed tăng lãi suất USD, người dân gửi VND kỳ hạn dài

(ĐTCK) Sau động thái tăng lãi suất USD lần hai trong năm 2018 vào ngày 14/6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lên mức 1,75 - 2%/năm và có khả năng sẽ tăng thêm 2 lần nữa, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng, nhưng lãi suất tiền đồng không bị tác động như trước.

Những năm trước, mỗi lần Fed tăng lãi suất USD đều ảnh hưởng đến lãi suất huy động VND, người gửi tiền thường chọn kỳ hạn ngắn ngày để dễ dàng điều chỉnh mỗi lần lãi suất thị trường tăng. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay có phần thay đổi, người dân chuyển sang kỳ hạn gửi dài ngày. Đó cũng là lý do để các ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn dài cao hơn nhiều so với kỳ hạn ngắn.

Bà Thanh Hương (Quận 8, TP.HCM) cho hay, vừa mới đây khi đến làm thủ tục đáo hạn cuốn sổ tiết kiệm ở một ngân hàng có trụ sở chính tại đường Võ Văn Tần, Quận 3, TP.HCM, sau khi tìm hiểu kỹ biểu lãi suất nhà băng này niêm yết, bà quyết định gửi lại kỳ hạn 12 tháng, với lãi suất 7,9%/năm – mức được xem là cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.

Không chỉ bà Hương mà nhiều khách hàng khác cũng đã nhận ra được biên độ chênh lệch lớn giữa lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn và dài ngày đang được các ngân hàng áp dụng hiện nay từ 2 - 3%/năm. Do đó, người có tiền nhàn rỗi muốn gửi dài hạn để được hưởng mức lãi suất 7 - 7,9%/năm.

Lãnh đạo nhà băng cho hay, sở dĩ ngân hàng áp dụng mức lãi suất dài ngày cao hơn, nhằm hút nguồn vốn dài ngày để chủ được kế hoạch kinh doanh tín dụng trung, dài hạn. Hiện hầu hết các nhà băng, điển hình như VietBank, VietA Bank, OCB, Sacombank… đều áp dụng mức lãi suất huy động dài ngày cao hơn nhiều so với kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm ngắn ngày từ 2 - 6 tháng.

Ngoài mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn, các ngân hàng còn tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, nhất là những tháng đầu năm nay, nhiều quà tặng, ưu đãi cho khách hàng gửi tiết kiệm được ngân hàng liên tục triển khai. Vì vậy, tiết kiệm tiền đồng vẫn được nhiều người lựa chọn, dù tỷ giá có tăng.

Nhận định được đưa ra từ các nhà phân tích kinh tế - tài chính cho rằng, trước diễn biến thị trường hiện nay, những người có tiền nhàn rỗi muốn để dành và không thích mạo hiểm thì nên gửi ngân hàng kỳ hạn dài dể hưởng lãi suất cao. Mặt bằng lãi suất năm 2018 nhiều khả năng sẽ ổn định, nếu có tăng cũng chỉ nhích nhẹ và không biến động nhiều.

Gửi tiền đồng, khách hàng được hưởng lợi suất 6 - 7%/năm, thậm chí lên đến 8%/năm đối với kỳ hạn dài. Trong khi đó, các kênh đầu tư có “ấm” lên, nhưng rủi ro tiềm ẩn như vàng, chứng khoán, USD, bất động sản.

Hiện thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng chỉ mới thu hút được khách hàng ở phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp. Vả lại, đầu tư vào bất động sản đòi hỏi vốn lớn. Còn thị trường vàng đang trong vùng “nguy hiểm” khi Fed lên kế hoạch tăng thêm ít nhất hai lần lãi suất trong năm 2018. Vàng đang chịu áp lực giảm giá, nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước còn khá lớn, lên đến 3 - 4 triệu đồng/lượng, khiến cho người mua trong nước chịu thiệt.

Tỷ giá biến động tăng trong thời gian qua, nhưng được các chuyên gia đánh giá chỉ là nhất thời và “cơn gió” này chỉ thoảng qua trên thị trường ngoại hối. Chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục ổn định tỷ giá. Vì thế, việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay chưa thực sự có lợi. Bởi lẽ, lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện đã được kéo về 0%/năm, người gửi tiết kiệm USD không được hưởng lãi suất.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tiền đồng sẽ khó chuyển hướng sang các kênh đầu tư như bất động sản, vàng hay ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, gửi tiết kiệm lúc này người gửi tiền được hưởng lãi suất thực dương, đó là chưa kể ở kỳ hạn tiền gửi dài ngày, mức lãi suất gần 8%/năm. 

Tin bài liên quan