Fed giảm lãi suất, điều hành tỷ giá vẫn lo

Fed giảm lãi suất, điều hành tỷ giá vẫn lo

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có giảm lãi suất tiếp hay không vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi nhân dân tệ (CNY) rớt giá mạnh. Điều hành tỷ giá trong nước cần hết sức thận trọng.

Ít ảnh hưởng, nhưng phải dè chừng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư xung quanh quyết định giảm lãi suất của Fed và ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều nhận định tích cực, nhất là với tỷ giá và lãi suất.

“Lãi suất USD chỉ giảm nhẹ, nên không tác động quá lớn đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Việc Fed giảm lãi suất khiến sức ép với tỷ giá giảm bớt, giúp cho việc điều hành thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định.

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng, Fed giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam ổn định tỷ giá, giảm dần lãi suất. Thực tế, cùng thời điểm Fed họp về giảm lãi suất USD, hàng loạt ngân hàng trong nước đã đón đầu giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-1%/năm.

Có thể thấy, trước mắt, việc Fed giảm lãi suất là yếu tố tích cực tới thị trường Việt Nam. Ngoài hỗ trợ giảm lãi suất tiền đồng, giảm áp lực lên tỷ giá, Fed hạ lãi suất còn mang lại kỳ vọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng, từ đó thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, lãi suất USD hạ cũng có thể sẽ thúc đẩy dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, điều hành tỷ giá rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều biến số như tăng trưởng GDP, cung ngoại tệ (vốn FDI, FII, vốn nước ngoài mua cổ phần…), cán cân thanh toán, cán cân thương mại, sự chu chuyển các dòng vốn, giá vàng, giá dầu… Chưa kể, tỷ giá còn bị tác động bởi chính sách tiền tệ của một loạt quốc gia trên thế giới. Vì vậy, khó có thể kết luận ngay rằng, tỷ giá trong nước sẽ hoàn toàn bình yên.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là giữ ổn định tiền tệ, ổn định tỷ giá để ổn định vĩ mô và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng. Chính vì vậy, ngoại trừ trường hợp thị trường tài chính tiền tệ thế giới biến động lớn, tỷ giá trong nước sẽ khó có biến động lớn. Ngay cả khi biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ can thiệp để tỷ giá không biến động quá sâu. Dự đoán, năm nay, tỷ giá sẽ biến động khoảng 1,5 - 2%.       

Thực tế, ngay sau khi Fed giảm lãi suất, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9. Ngay lập tức, đầu tuần này, đồng CNY mất giá kỷ lục, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, với Việt Nam, CNY giảm giá sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá vì CNY chỉ là một trong 8 loại tiền có trong rổ tiền tệ. Việt Nam cần kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, không bị cuốn vào cuộc đua chiến tranh tiền tệ vì để ổn định vĩ mô, thì ổn định tỷ giá là quan trọng nhất. 

Không loại trừ kịch bản xấu

Trong bối cảnh Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt với Trung Quốc, không loại trừ khả năng nước này sẽ có biện pháp chống trả, trong đó có giải pháp tiền tệ. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, giá CNY đã sụt giảm mạnh, chính thức phá vỡ ngưỡng 7 CNY đổi 1 USD.

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trường đại học Tài chính Marketing cho rằng, trước mắt, Fed giảm lãi suất USD không tác động nhiều đến Việt Nam. Song, nếu Trung Quốc tiếp tục để CNY mất giá và bơm mạnh tiền ra thị trường để đối phó với động thái mới của Mỹ, tỷ giá trong nước sẽ chịu áp lực lớn.

Mặc dù tuyên bố không phá giá tiền tệ, song Trung Quốc đang bị Mỹ “tố” là liên tục bơm tiền vào thị trường để gián tiếp phá giá CNY. Nếu Mỹ - Trung không đạt được thỏa thuận, Trung Quốc phá giá CNY hơn nữa, thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu (trong đó có Việt Nam) sẽ biến động mạnh.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Fed sẽ còn hai cuộc họp quan trọng vào tháng 9 và tháng 12, nếu tình hình thương mại và tăng trưởng toàn cầu xấu đi, vẫn có khả năng Fed sẽ hạ thêm lãi suất.

Khả năng Trung Quốc phá giá CNY là rất thấp, song thời gian qua, không chỉ Trung Quốc, mà hàng loạt quốc gia cũng ồ ạt nới lỏng tiền tệ. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần lường tình huống chiến tranh tiền tệ và đưa ra kịch bản ứng phó. Trong đó, biện pháp quan trọng nhất là có thể tăng mức độ can thiệp vào tỷ giá hối đoái.n

Tin bài liên quan