Được nới room tín dụng, đầu ra của ngân hàng vẫn bị giám sát chặt

Quyết định nới room tín dụng cho hàng loạt ngân hàng, trong đó có 12 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước mà Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối tuần qua nhằm áp chỉ tiêu tín dụng phù hợp với từng đơn vị đã cho thấy, nhiều ngân hàng vẫn đang sống dựa quá nhiều vào tín dụng.

Dù được “nới” chỉ tiêu, song việc cấp tín dụng của các ngân hàng vẫn bị Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ

Dù được “nới” chỉ tiêu, song việc cấp tín dụng của các ngân hàng vẫn bị Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ

Có thể thấy, trong số 12 ngân hàng thương mại cổ phần được nới chỉ tiêu tăng tín dụng ở mức cao, đa số là những ngân hàng nhỏ, chiếm thị phần tín dụng ít. Riêng 4 ngân hàng quốc doanh (chiếm trên 50% thị phần tín dụng cả nước) không nới chỉ tiêu tín dụng hoặc nới rất ít.

Như vậy, dù có tới 12 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước được nới room tín dụng, nhưng mức tăng tổng dư nợ của toàn hệ thống vẫn nằm trong định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Việc điều hành cung tín dụng kiên định và gắn chặt với tăng trưởng kinh tế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước mấy năm gần đây được dư luận đánh giá cao và cho rằng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong điều hành tín dụng, không để lặp lại tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng.

Một vấn đề nữa là dù được “nới” chỉ tiêu, song việc cấp tín dụng của các ngân hàng vẫn bị Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, việc nới chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng cũng như toàn hệ thống sẽ có những tác dụng phụ.

Thứ nhất, tín dụng tăng mạnh sẽ khiến lãi suất cho vay khó giảm. Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, đe dọa mục tiêu giảm lãi vay trung và dài hạn thêm 1-1,5% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay.

Thứ hai, chỉ tiêu tăng tín dụng cao cũng cho thấy, rất nhiều ngân hàng đang sống phụ thuộc vào tín dụng, dẫn tới tăng trưởng thiếu bền vững.

Hiện nhiều ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động trong khi lãi vay khó tăng nhằm cạnh tranh giành khách vay, dẫn đến lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng bị thu hẹp đáng kể, còn khoảng 2,5- 2,7%. Đây cũng là lý do giải thích vì sao, dù dư nợ tín dụng của các ngân hàng tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng lợi nhuận ngân hàng lại không tăng so với năm ngoái.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15%, trong trường hợp cần thiết, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có thể điều chỉnh tăng lên 17%. Mặc dù vậy, ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng khẳng định, việc đề ra mục tiêu tín dụng cho năm nay không chỉ để phấn đấu, mà còn là để hạn chế tín dụng.

Chính “tư lệnh” ngành ngân hàng cũng khuyến cáo, ngân hàng không nên chỉ ‘nhăm nhăm” tăng tín dụng, mà cần phát triển tốt mảng dịch vụ. Ngoài ra, dù tín dụng rất quan trọng, song cũng chỉ nên chiếm một tỷ lệ nhất định, khi đó hoạt động của tổ chức tín dụng mới đảm bảo.

Rõ ràng, việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng thời điểm này là chưa đáng lo, song về lâu về dài, ngân hàng nên bớt sống dựa vào tín dụng. Có như vậy, hệ thống ngân hàng mới phát triển an toàn, bền vững hơn.

Tin bài liên quan