Ông Sameer Goyal

Ông Sameer Goyal

Đừng biến VAMC thành nơi chứa đầy nợ xấu

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Sameer Goyal, Chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ, nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề mà các nước phát triển đã từng gặp, chủ yếu nằm ở khu vực ngân hàng. 

Trong đó, nợ xấu vẫn là một bài toán khó. Mặc dù nhờ có VAMC, các ngân hàng đã tạm thời loại được một số khoản nợ xấu ra ngoài bảng cân đối, nhưng đừng biến VAMC trở thành nơi chỉ để chứa đầy các khoản nợ xấu. 

Như ông đã biết, hiện các ngân hàng Việt Nam đang trong lộ trình tái cơ cấu. Ông đánh giá thế nào về lộ trình này?

Việt Nam đang khó khăn trong việc nhận diện được các vấn đề tiềm tàng, có khả năng xảy ra trong tương lai và chủ yếu nằm ở khu vực ngân hàng. Họ gặp phải vấn đề khi kinh tế vĩ mô gặp trở ngại và những trở ngại này lại vẫn bắt đầu từ khu vực tài chính.

Nhìn vào tăng trưởng của hệ thống ngân hàng - tài chính, ngày càng có nhiều dòng vốn tư nhân chảy vào đây là một điều tốt. Tuy nhiên, vốn nhà nước vẫn đang là chủ đạo trong hệ thống này, khi các ngân hàng TMCP vốn nhà nước chiếm tới hơn 50% giá trị tổng tài sản và giá trị tiền gửi của hệ thống ngân hàng. Rõ ràng, đây là khu vực có thể có nhiều cải thiện trong thời gian tới với việc hội nhập sâu rộng hơn vào các tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các sản phẩm mới, gắn kết chặt hơn với các ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế, đặc biệt là liên kết với các nhà đầu tư chiến lược.

Chính phủ Việt Nam có kế hoạch củng cố hệ thống ngân hàng và cho phép vốn nước ngoài tiếp cận và đầu tư vào đây để đem tới những ý tưởng về sản phẩm mới, tư duy mới, cách quản lý mới… Tuy nhiên, những chuyển biến thực sự chưa nhiều, một phần vì các nhà đầu tư nước ngoài dường như vẫn đang có nhiều nỗi lo ở các thị trường lớn của họ hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải cải thiện khung khổ pháp lý, đảm bảo rằng các tổ chức tài chính phải được đối xử bình đẳng và các vấn đề của họ cần phải được thẳng thắn xác định và nhìn nhận. Ngoài ra, cần nâng cấp tính ưu việt của các sản phẩm trên thị trường vốn để giảm áp lực vốn cho khối ngân hàng. 

Con số nợ xấu - câu chuyện cũ nhưng vẫn nóng. Ông có bình luận gì?

Không dễ để có được báo cáo tài chính và tính toán được số liệu chính xác về nợ xấu, cũng không thể chỉ nhìn vào báo cáo tài chính của các ngân hàng mà chúng ta phải nhìn vào nhiều số liệu khác để đánh giá về tình hình nợ xấu.

Hiện số liệu về nợ xấu của NHNN vẫn dựa trên báo cáo mà các ngân hàng cung cấp, sử dụng tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam và các văn bản pháp luật hướng dẫn như Quyết định 493 và một số các văn bản cập nhật sau này. Điều này cũng có thể dẫn đến những con số khác nhau về nợ xấu (khi sử dụng các văn bản pháp luật hướng dẫn sau này, hay áp dụng một số chính sách như tái cơ cấu lại khoản nợ, giãn nợ… ).

Trong khi đó, VAMC chưa có được những động thái tích cực trong việc xử lý nợ xấu, họ mới mua vào chứ chưa bán ra được nợ xấu. Mặc dù nhờ có VAMC, các ngân hàng đã tạm thời loại được một số khoản nợ xấu ra ngoài bảng cân đối, nhưng chừng đó đã đủ chưa? Tôi nghe rất nhiều thông tin nói rằng, chừng đó là chưa đủ. Nợ xấu vẫn sẽ là một bài toán khó, để giải quyết, phải tính đến việc tái cơ cấu các DNNN, thị trường bất động sản…

Điều đáng mừng là Chính phủ đã nhận thức rõ ràng hơn về tác động của nợ xấu và đang nghiên cứu thêm các cơ chế giúp VAMC tích cực hoạt động hơn, cùng với đó thúc giục các ngân hàng sử dụng vốn hiệu quả và bán nợ xấu, phối hợp cùng VAMC xử lý nợ. Thực tế đã cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng bị sụt giảm, tăng trưởng tín dụng thấp và ngân hàng phải hoạt động với nhiều khung khổ pháp lý giới hạn hơn. 

Vậy WB sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này như thế nào?

Vấn đề của khu vực tài chính là một vấn đề trong dài hạn. Chúng tôi đã làm việc với NHNN, Bộ Tài chính… để đề xuất những giải pháp nhằm có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh, VAMC chỉ là một phần của giải pháp, chúng ta phải có sự tiếp cận mang tính đồng bộ hơn.

Các ngân hàng phải làm việc với người đi vay, cùng nhau xử lý và tái cơ cấu lại khoản nợ. Thứ hai, đừng biến VAMC trở thành một nơi chỉ để chứa đầy khoản nợ xấu như kiểu một bãi đỗ xe, mà phải có đầu ra cho các khoản nợ. Muốn vậy, cần phải nghiên cứu và ban hành những chính sách để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực sự có năng lực tham gia.

Tin bài liên quan