Dự trữ ngoại hối tăng cao góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Dự trữ ngoại hối tăng cao góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Dự trữ ngoại hối tăng, nhưng không thể chủ quan

(ĐTCK) Dự trữ ngoại hối đã đạt con số kỷ lục trong lịch sử, tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần thận trọng trong điều hành chính sách tỷ giá.

Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục

Thông tin vừa được bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 45 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Con số này cũng cao hơn so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó, là 42,2 tỷ USD.

Nhìn lại 10 năm qua, có thể thấy, dự trữ ngoại hối năm 2017 đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2017, năm Việt Nam gia nhập WTO, cũng là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán, luồng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh mẽ, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 26 tỷ USD (vào tháng 7/2007).

Sau đó, tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước đã khiến thị trường ngoại hối cũng như tỷ giá USD/VND liên tục biến động mạnh. Dự trữ ngoại hối tại thời điểm 19/6/2008 giảm xuống còn 20,7 tỷ USD.

Ðể bình ổn thị trường ngoại hối cũng như tỷ giá USD/VND, bên cạnh những biện pháp chính sách tiền tệ và hành chính, NHNN đã phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường, khiến cho quỹ dự trữ ngoại hối giảm xuống mức đáy là 12,58 tỷ USD vào tháng 1/2011. Sau khi phá giá VND lên tới 9,3% ngày 11/2/2011, NHNN mua lại được ngoại tệ, đến cuối năm 2012, dự trữ ngoại hối ước tính ở mức 25,4 tỷ USD.

ảnh 1

Đến năm 2014, dự trữ ngoại hối tăng lên mức 34,3 tỷ USD và đến cuối tháng 7/2015 đạt khoảng 37 tỷ USD. Nhưng Trung Quốc bất ngờ phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, NHNN đã phải liên tục bán ra lượng lớn ngoại tệ đến tận những ngày cuối cùng của năm 2015, nên nguồn dự trữ giảm mạnh, còn 28,4 tỷ USD.

Từ năm 2016, dự trữ ngoại hối được cải thiện tích cực theo đà ổn định của kinh tế vĩ mô, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng đột biến và tỷ giá ổn định. Theo một số liệu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đầu năm nay, dự trữ ngoại hối ước tính năm 2016 trên 41 tỷ USD.

Theo dự báo của IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt 48,6 tỷ USD trong năm 2018.

Áp lực ngoại tệ giảm

Lượng dự trữ ngoại hối tăng mạnh, theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, sẽ giúp NHNN chủ động hơn trong việc can thiệp thị trường ngoại hối trong trường hợp cần thiết, như bán ra ngoại tệ để hạ nhiệt thị trường khi tỷ giá tăng mạnh. Tỷ giá ổn định là điều kiện rất quan trọng để giữ ổn định nền kinh tế, giúp kiểm soát lạm phát, không gây áp lực lên lãi suất ngân hàng.

“Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được. Việc có một lượng dữ trữ ngoại hối lớn sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc duy trì đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm sau”, TS. Hiếu nói.

Với sự cải thiện tích cực của quỹ dự trữ ngoại hối, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, tỷ giá sẽ duy trì ổn định trong quý IV, nhiều khả năng mức mất giá của VND trong cả năm 2017 chỉ là 1 - 2%.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định: “Tỷ giá có thể tiếp tục ổn định trong tháng 10, sau đó VND sẽ giảm giá ở mức độ vừa phải so với USD trong những tháng còn lại của năm, khi nhu cầu ngoại tệ gia tăng trở lại, cộng hưởng với xu hướng tăng giá USD trên thị trường quốc tế. Theo đó, dự báo tỷ giá USD/VND quý IV dao động trong khoảng 22.725 - 22.900 VND/USD”.

Vị lãnh đạo trên cũng đồng quan điểm áp lực ngoại hối sẽ giảm cuối năm, do dòng tiền từ giải ngân FDI nhiều khả năng tiếp tục duy trì trong quý IV/2017 nhờ Chính phủ đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo đó, FDI giải ngân trong quý IV có thể đạt khoảng 5 tỷ USD, giúp giảm áp lực về nguồn cung ngoại tệ. Đồng thời, nguồn kiều hối dự kiến tăng trưởng trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm 2016, lên mức 2,2 - 2,3 tỷ USD.

Lạc quan trong thận trọng

Đánh giá tích cực về mức tăng dự trữ ngoại hối, nhưng TS. Hiếu nhấn mạnh, cần có cái nhìn về tương quan giữa chỉ số này với kim ngạch nhập khẩu. Quy mô dự trữ ngoại hối phải tương đương với kim ngạch nhập khẩu trong 3 tháng.

“Đây là mức độ an toàn tối thiểu chung trên toàn thế giới đối với một nền kinh tế nhập khẩu, nếu chẳng may gặp khủng hoảng phải có đủ ngoại tệ để thanh toán cho tất cả hàng nhập khẩu ít nhất trong vòng 3 tháng”, TS. Hiếu nói.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2017 (1 - 15/10) đạt hơn 8,24 tỷ USD, giảm 9,9% (tương ứng giảm 902 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2017. Tính đến hết ngày 15/10/2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 162,16 tỷ USD, tăng 21,7% (tương ứng tăng gần 28,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, Nhóm nghiên cứu Khối Nguồn vốn BIDV cho rằng, hiện vẫn tiềm ẩn một số yếu tố làm tăng tỷ giá.

Thứ nhất, NHNN liên tục nâng tỷ giá trung tâm (đã tăng khoảng 1,4% kể từ đầu năm) và dự kiến tăng thêm khoảng 0,4 - 0,6% trong quý IV cho thấy định hướng tăng tỷ giá của nhà điều hành. Bên cạnh đó, NHNN đã nâng tỷ giá mua vào 3 lần kể từ đầu năm và động thái này có thể tiếp diễn trong thời gian tới, nếu điều kiện thị trường thuận lợi.

Thứ hai, cán cân thương mại dự kiến thâm hụt trong quý IV, với mức thâm hụt có thể đạt 500 triệu USD đến 1 tỷ USD để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng vào cuối năm. Hoạt động chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI cũng tạo ra nhu cầu ngoại hối ở mức tương đương năm trước.

Thứ ba, USD có thể tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện việc nâng lãi suất chính sách và giảm nắm giữ trái phiếu trên bảng cân đối kế toán.

“Dự trữ ngoại hối hiện là 45 tỷ USD chia cho 3 tháng được 15 tỷ USD, nhân với 12 tháng là 180 tỷ USD. Nếu nhập khẩu tới mức 180 tỷ USD/năm nghĩa là thị trường ngoại hối ổn định, còn trên mức 180 tỷ USD/năm nghĩa là mức dự trữ ngoại hối sẽ mỏng, thiếu. NHNN là cơ quan quản lý sẽ có con số chính xác về số liệu nhập khẩu cũng như quản lý số dự trữ ngoại hối để cân đối mua vào ngoại tệ nếu số liệu nhập khẩu tăng để bù đắp vào nguồn dự trữ. Tình hình hiện nay, với con số dự trữ ngoại hối 45 tỷ USD, tôi cho rằng, chúng ta lạc quan, nhưng vẫn nên thận trọng”, TS Hiếu nói.

Tin bài liên quan