Dự báo lợi nhuận ngân hàng 2017: Bức tranh sáng màu

Dự báo lợi nhuận ngân hàng 2017: Bức tranh sáng màu

(ĐTCK) So với năm 2016, bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2017 được dự báo tươi sáng ngay từ những ngày đầu năm, khi các chỉ số nền tảng vẫn giữ xu hướng cải thiện tốt.

ROA, ROE năm 2016 cao hơn năm 2015

Số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm 2016 cao hơn so với năm 2015. Cụ thể, ROA và ROE 2016 đạt lần lượt là 0,54% và 7,87%, cải thiện đáng kể so với mức 0,46% và 6,42% của 2015.

Thực tế, tỷ suất sinh lời trong báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vừa công bố cũng cho thấy sự cải thiện. Chẳng hạn, kết thúc năm 2016, VietinBank ghi nhận mức lợi nhuận 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, vượt 4% kế hoạch đề ra. ROE và ROA lần lượt đạt 10,9% và 1% (năm 2015 là 10,2% và 1%).

Số liệu từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 2,46% (giảm so với mức 2,55% cuối năm 2015).

Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng 2016 đạt 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% so với 2015, đạt 102,7% kế hoạch năm 2016. Với kết quả này, ROA và ROE của Vietcombank ở mức cao, tương ứng 0,9% và 14,2%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2016 của MB đạt 3.711 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015, vượt 5% so với kế hoạch và ROA, ROE lần lượt là 1,2% và 13,55% (năm 2015 là 1,2% và 13,3%).

Tại TPBank, lợi nhuận trước thuế 2016 cũng vượt kế hoạch đề ra và tăng 12,93% so với 2015, đạt 707 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận trước thuế này, ROE của Ngân hàng đạt 12% cũng là mức khá hiệu quả so với bình quân toàn ngành hiện nay.

“Những con số tăng trưởng lợi nhuận cuối năm 2016 của các ngân hàng cho thấy, tình hình hoạt động không thực sự đáng lo ngại như dự báo hồi đầu năm. Song song với đó, các ngân hàng có cơ hội cải thiện khả năng sinh lời dựa trên sự tăng trưởng tài sản và nguồn vốn cho thấy, họ bắt đầu trở lại nhịp kinh doanh của những năm trước. Xu hướng này sẽ còn được phát huy và là một trong những yếu tố dự báo kết quả kinh doanh năm 2017 của các ngân hàng tiếp tục sáng sủa”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định. 

Xử lý nợ xấu: Bán tài sản đảm bảo là chủ đạo

Số liệu từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 2,46% (giảm so với mức 2,55% cuối năm 2015).

Còn theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cuối tháng 12/2016 cho thấy, trong năm qua, hệ thống TCTD đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6% và bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chiếm 21%.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của ACB, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 1.946 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ 2015. Sau khi trích lập 654 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng (gấp 10 lần cùng kỳ), kết thúc quý cuối năm, tổng lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 422 tỷ đồng, tăng 89%. Tính chung cả năm, ACB ghi nhận 1.667 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 26,8%. Điểm đặc biệt là tổng số nợ xấu của ACB tại thời điểm cuối năm 2016 là 1.419 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ 1,31% về còn 0,87%.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, SCB đã xử lý được khoảng 1.200 tỷ đồng nợ xấu (trong tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC). 6 tháng cuối năm 2016, SCB thu hồi được thêm khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu, qua đó giảm tổng số nợ xấu bán cho VAMC xuống còn 15.000 tỷ đồng.

“Xử lý nợ xấu trong quá khứ được VIB thực hiện quyết liệt, với nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm hỗ trợ khách hàng khôi phục kinh doanh để tự trả nợ, thu hồi phát mại tài sản đảm bảo, được thực hiện bởi đội ngũ chuyên nghiệp, tách biệt khỏi các đơn vị kinh doanh. Trong nhiều năm, VIB dành đáng kể lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro”, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB chia sẻ về hoạt động xử lý nợ xấu của Ngân hàng. 

Dư nợ tín dụng: Vẫn trong đà tăng mạnh

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến cuối tháng 2/2017 ước đạt 2%. Theo chia sẻ của lãnh đạo cao cấp
Vietcombank, con số này không quá bất ngờ nếu so với tăng trưởng tín dụng của Vietcombank là 4%.

“Dư nợ tín dụng vẫn trong đà tăng, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh chung của toàn hệ thống, bởi lợi nhuận chủ yếu đến từ khu vực này”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói.

Kết quả cuộc Điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) vừa hoàn thành cho thấy, các TCTD lạc quan về kết quả đạt được trong năm 2016 và vững tin vào bước phát triển mới trong năm 2017.

Huy động vốn và tín dụng được kỳ vọng tiếp tục đà tăng trưởng bền vững trước những dự báo về một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn năm trước. Đồng tiền ổn định và lạm phát nằm trong ngưỡng an toàn sẽ hỗ trợ thêm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Theo Vụ Dự báo thống kê, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 4,57% trong quý I/2017 (VND: +5,13%; ngoại tệ: +0,75%) và 16,76% cả năm (VND: +18,12%; ngoại tệ: +0,95%).

Đóng góp chính vào kỳ vọng về mức tăng huy động vốn chung là kỳ vọng về tốc độ trưởng huy động vốn bằng VND, trong đó huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ tăng nhẹ (dưới 1%, trong khi năm 2015 tăng gần bằng tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND).

Dư nợ tín dụng của toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng trưởng 4,1% trong quý I/2017 (VND: +4,29%; ngoại tệ: +4,52%) và 19,12% cả năm (VND: +20,19%; ngoại tệ: +10,01%).

Các TCTD nhận định, tình hình kinh doanh tổng thể của ngành ngân hàng liên tục được cải thiện qua các quý của năm 2016 và kỳ vọng tiếp tục được cải thiện trong năm nay. Cụ thể, 63% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện ngay trong quý I/2017 và 85% kỳ vọng cải thiện trong cả năm 2017, trong đó 20% kỳ vọng “cải thiện nhiều” và 65% kỳ vọng “cải thiện ít”.

“Bình quân kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2016 của toàn hệ thống ước tính ở mức 8,27%, đã được điều chỉnh giảm so với mức bình quân kỳ vọng 14,4% cho năm 2016 ghi nhận tại cuộc điều tra cuối năm 2015 và mức dự đoán của các TCTD tại cuộc điều tra quý trước, nhưng cao hơn so với mức lợi nhuận ước tính bình quân của cùng kỳ năm 2015”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Dự báo thống kế nhấn mạnh.

Dự kiến trong năm 2017, 89,5% TCTD kỳ vọng lợi nhuận của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng đạt 13,4%, cao hơn so với mức tăng bình quân ước tính của năm 2016. Trong đó, thu nhập ròng từ lãi kỳ vọng tăng 12,74%, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 16,57%, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng thấp (5,25%).   

Tin bài liên quan