DN vàng nhỏ: Đến đâu hay tới đó

DN vàng nhỏ: Đến đâu hay tới đó

(ĐTCK) Nhiều công ty nhỏ đang kinh doanh vàng có thể phải “dẹp tiệm” khi Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5 tới đây.

Ngày 25/5 tới, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hiệu lực. Theo đó, nhiều công ty nhỏ đang kinh doanh vàng có thể phải “dẹp tiệm”, bởi điều kiện được cấp phép kinh doanh vàng miếng rất khắt khe: vốn điều lệ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh mua bán từ 2 năm trở lên, số thuế từ hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp và có mạng lưới chi nhánh từ 3 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trở lên.

 DN vàng nhỏ: Đến đâu hay tới đó ảnh 1

“Chiếu dưới” đau đầu với bài toán thuế

Theo tính toán của các chuyên gia, với các “rào cản” mà Nghị định 24 đặt ra, 12.000 DN, cơ sở đang kinh doanh vàng miếng sẽ khó có thể vượt qua. Đầu tiên là rào cản 100 tỷ đồng vốn điều lệ.

Tham khảo một số DN kinh doanh vàng trên “phố vàng” Trần Nhân Tông hay “chợ ngoại tệ” Hà Trung (Hà Nội), hầu hết công ty chỉ có vốn điều lệ 1 - 2 tỷ đồng, một số công ty quy mô lớn hơn thì vốn điều lệ xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Công Đức, Giám đốc Công ty Vàng bạc Quốc Trinh (27 - 29 Hà Trung) cho hay, “Công ty còn xa mới đáp ứng đủ điều kiện về vốn điều lệ theo Nghị định 24”. Tương tự, các công ty như CTCP Anh Quang (17 Hà Trung), Công ty Vàng Thịnh Quang (28A Trần Nhân Tông), Công ty Bảo Tín Đức Hùng (26 Trần Nhân Tông)… đều cho biết, công ty có vốn rất nhỏ so với quy định tại Nghị định 24.

Xem xét khả năng tăng vốn, ông Đức cho rằng, dù có thể tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng thì Công ty cũng không thể hấp thu hết nguồn vốn này. Đơn giản là vì hiện nay, giao dịch vàng miếng của Quốc Trinh chỉ khoảng 100 - 200 lượng/ngày, tương đương với khoảng 10 tỷ đồng. Nếu có góp vốn cổ phần thì ngay lập tức Công ty cũng không thể có kế hoạch kinh doanh hiệu quả đảm bảo tăng quy mô giao dịch lên 10 lần để sử dụng hết nguồn vốn 100 tỷ đồng. Chưa kể, việc liên kết các công ty nhỏ để hình thành một CTCP lớn còn vấp phải rào cản là khó đảm bảo các ông chủ cũ có thể hợp tác hài hòa và ăn ý trong DN mới. Tuy vậy, rào cản 100 tỷ đồng vốn điều lệ không hẳn không thể vượt qua nếu các DN quyết tâm tìm kiếm cổ đông hoặc liên kết, sáp nhập các công ty.

Rào cản thứ hai khó vượt qua nằm ở điều kiện về thuế: trong 2 năm liên tiếp, công ty phải nộp thuế từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Để “được” nộp thuế 500 triệu đồng/năm, các công ty phải có lợi nhuận tối thiểu là 2 tỷ đồng. Điều này là không tưởng với các công ty có quy mô vốn điều lệ 1 - 2 tỷ đồng.

“Nếu như có thể vay mượn, kêu gọi cổ đông để có được 100 tỷ đồng vốn điều lệ thì số tiền đó vẫn còn nằm lại trong công ty và có khả năng đem lại lợi nhuận. Song 500 triệu đồng tiền thuế thì là ‘tiền tươi, thóc thật’ đi ra khỏi hầu bao của công ty, bởi vậy, nếu không phải là công ty có quy mô lớn, làm ăn hiệu quả, thì không thể đáp ứng điều kiện này được”, ông Đức Hùng, Giám đốc Công ty Bảo Tín Đức Hùng nhận xét.

Trước những rào cản mà Nghị định 24 đặt ra, đại diện một số công ty kinh doanh vàng nhỏ tặc lưỡi: “đến đâu hay đến đó”.

“Trước mắt, còn thời hạn chuyển tiếp đối với các DN đang kinh doanh mua bán vàng miếng, tùy thuộc vào tình hình thực tế và quy định trong Thông tư hướng dẫn, chúng tôi sẽ tính tiếp”, Giám đốc Công ty Vàng bạc Quốc Trinh chia sẻ, hoạt động kinh doanh vàng trang sức thì ít khách, lại tốn nhân lực bán hàng và rủi ro mất cắp.

Tại Công ty Bảo Tín Đức Hùng, trong thời điểm kinh tế suy thoái, giao dịch vàng trang sức cũng rất ít, do đây không phải là mặt hàng thiết yếu. Vàng trang sức chỉ đem lại khoảng 30% lợi nhuận hàng năm, bởi vậy, nếu không thể tiếp tục kinh doanh vàng miếng, Công ty có thể phải chuyển đổi ngành nghề.

 

“Chiếu trên” toan tính thị phần

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh vàng miếng CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), khi Nghị định 24 có hiệu lực, thương hiệu vàng miếng Phượng Hoàng mà PNJ đã xây dựng từ năm 2008 đến nay sẽ dần dần biến mất. Đó thực sự là điều đáng tiếc sau khi Công ty bỏ nhiều công sức, tiền bạc và thời gian để gây dựng thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, đối với PNJ, thế mạnh của Công ty nằm ở mảng vàng nữ trang, không phải vàng miếng. Hiện doanh thu của vàng miếng áp đảo so với vàng nữ trang, song vàng nữ trang đem lại tới hơn 80% lợi nhuận hàng năm cho Công ty. Do đó, việc ngừng sản xuất vàng miếng tuy có ảnh hưởng, song không quá lớn. Vấn đề là sau khi Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, các DN sẽ chia nhau thị phần mua bán vàng miếng ra sao.

Ông Trọng nhận định, với các điều kiện Nghị định 24 đưa ra, có tới 99% các DN, cơ sở đang kinh doanh vàng miếng hiện nay không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực này. Trong số DN tiếp tục tồn tại, PNJ có ưu thế nhất định do có hệ thống phân phối nữ trang lớn trên toàn quốc. Hiện PNJ có xấp xỉ 150 cửa hàng, dự kiến trong năm 2012 sẽ mở thêm 20 cửa hàng.

Ngoài ra, PNJ là một trong số ít DN vàng có kinh nghiệm kinh doanh vàng miếng từ năm 1988. “Về thương hiệu thì SJC là số 1, nhưng về số lượng khách hàng thì PNJ là số 1. Đây sẽ là ưu thế của chúng tôi trong cuộc đua thị phần sắp tới”, ông Trọng nói.

Đối với Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ), công ty này hiện đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định 24 khi Công ty có vốn điều lệ 250 tỷ đồng; thành lập từ năm 2008; ngoài mạng lưới do chính SBJ phát triển, Công ty còn tận dụng được mạng lưới của Ngân hàng Sacombank, số thuế nộp hàng năm trên 500 triệu đồng.

Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, một thương hiệu vàng nổi tiếng của miền Bắc cho rằng, đây là thời điểm nhạy cảm và từ chối bình luận cũng như công bố thông tin liệu Công ty có đủ điều kiện để tiếp tục mua bán vàng miếng sau khi Nghị định 24 có hiệu lực hay không.

Điều mà các công ty có đủ điều kiện để mua bán vàng miếng đang quan tâm và chờ đợi là Thông tư hướng dẫn Nghị định 24. Thông tư này sẽ làm rõ các vấn đề như giá vàng, hạn mức, cách thức mua bán, biên độ giá mua, giá bán, từ đó tính toán mức lợi nhuận có đủ bù đắp chi phí, rủi ro, có đem lại hiệu quả hay không? Theo PNJ, Công ty đã có một số phương án, kế hoạch, tuy nhiên phải chờ Thông tư hướng dẫn thì mới cụ thể hóa.

Ngoài ra, các công ty cho hay, minh bạch và cạnh tranh sòng phẳng là điều họ mong chờ nhất. Khi Nhà nước đã độc quyền sản xuất vàng miếng, DN nào có chiến lược kinh doanh, chất lượng dịch vụ tốt, uy tín sẽ hấp dẫn được khách hàng. Vấn đề là Nhà nước phải đảm bảo môi trường kinh doanh trong đó các DN cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng và mọi thông tin phải được công khai, minh bạch.