Ông Nguyễn Hữu Thủy

Ông Nguyễn Hữu Thủy

“Điều kiện mua bán nợ của VAMC không hề khắt khe”

(ĐTCK) Ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC khẳng định, nói điều kiện mua bán nợ của VAMC quá khắt khe là không có cơ sở.

>> Bán nợ cho VAMC, ngân hàng phải qua nhiều ải 

 

Hôm nay (26/7), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức khai trương hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các (tổ chức tín dụng) TCTD Việt Nam (VAMC). ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC về cơ chế hoạt động cũng như khả năng tác động của định chế này đến bức tranh nợ xấu hiện nay.

 

Một số ý kiến cho rằng, Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC quy định điều kiện mua bán nợ của Công ty quá khắt khe, không phù hợp với tình hình thực tế tại nhiều TCTD. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Theo quy định tại Nghị định 53, VAMC mua nợ của các TCTD khi các khoản nợ đáp ứng được một số điều kiện. Thứ nhất, đó là khoản nợ xấu của TCTD, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu DN, ủy thác mua trái phiếu DN, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của NHNN. Thứ hai, khoản nợ xấu đó phải có tài sản bảo đảm. Thứ ba, khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ. Thứ tư là khách hàng vay vẫn còn tồn tại. Những điều kiện mua bán nợ theo Nghị định 53 là những điều kiện rất cơ bản, phù hợp với quy chế cho vay của NHNN cũng như thực tế thị trường. Chính vì thế, nói điều kiện mua bán nợ của VAMC quá khắt khe là không có cơ sở.

 

Ông có thể nói rõ hơn về phương án chuyển nợ thành vốn góp của VAMC?

Nghị định 53 cho phép VAMC có thể xem xét chuyển khoản nợ thành vốn góp vào DN có nợ được mua. Khi một khoản nợ vay trở thành vốn góp thì DN sẽ giảm bớt áp lực nợ nần. Tất nhiên, nếu thực hiện theo phương án này, VAMC phải có những hiểu biết về DN, cán bộ phải có trình độ trong lĩnh vực đầu tư tài chính, góp vốn. Bên cạnh việc góp vốn, VAMC sẽ hỗ trợ DN về quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính, dòng tiền, thậm chí có thể giúp DN cả về mặt nhân sự tùy theo tình hình cụ thể của từng DN.

 

VAMC sẽ làm thế nào để thực hiện cả nhiệm vụ mua nợ và đầu tư khi nguồn vốn còn hạn hẹp, thưa ông?

Thật ra, vốn điều lệ của VAMC nhỏ, nhưng cũng như công ty mua bán nợ của các nước, chúng tôi có nhiều nguồn để Công ty huy động vốn như phát hành trái phiếu đặc biệt. Malaysia là một điển hình khi phát hành thành công trái phiếu này. Ngoài ra, VAMC có thể vay trong nước hoặc các tổ chức quốc tế. Có khá nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến VAMC, một số tổ chức đã gặp gỡ, còn một số đang lên lịch làm việc.

 

Việt Nam hiện chưa có một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp và hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động này, vậy việc định giá các khoản nợ sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ở Việt Nam, việc mua bán nợ giữa các TCTD đã được thực hiện từ lâu. Trên thực tế, việc định giá cũng đã có các công ty định giá chuyên nghiệp như CTCP Định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS), CTCP Thẩm định giá Việt Nam (IVC), CTCP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Sài Gòn... Đồng thời, VAMC cũng đang xây dựng một đội ngũ định giá để có thể chuyên nghiệp hóa hoạt động này, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán nợ của Công ty.

 

Theo quy định, TCTD có trên 3% nợ xấu sẽ phải bán lại cho VAMC. Vậy theo ông, có bao nhiêu TCTD trong danh sách này?

Mục tiêu xử lý nợ xấu là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Một số TCTD có nợ xấu dưới 3% cũng hoàn toàn có thể bán nợ cho VAMC. Trên thực tế, để biết con số nợ xấu chính xác trong từng TCTD là khó, bởi các tiêu chí đánh giá nợ xấu của từng TCTD là khác nhau, nhưng rõ ràng nợ xấu không thể che giấu mãi được.

Việc định lượng nợ xấu là một chuyện, nhưng quan trọng là các TCTD phải nhận thức được rằng, giải quyết nợ xấu là việc làm cần thiết vì lợi ích của chính họ. Có thể thấy rõ 3 lợi ích của TCTD khi bán nợ xấu cho VAMC: thứ nhất, chuyển được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài chính; thứ hai, có thời gian để trích lập dự phòng, vì nếu là nợ xấu tại TCTD thì phải trích lập hết, nhưng khi chuyển nợ về VAMC theo Nghị định 53 thì các TCTD có thể trích lập dần trong 5 năm; thứ ba là khi TCTD sở hữu trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để mua nợ thì họ có thể mang trái phiếu đến NHNN tái chiết khấu để bù đắp thanh khoản.

 

Theo quy định, sau 5 năm, nếu VAMC không xử lý được nợ, các TCTD sẽ phải nhận lại. Điều kiện này có làm hạn chế động lực của VAMC trong việc xử lý nợ, thưa ông?

VAMC được thành lập với mục tiêu là xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vì vậy, để đáp ứng mục tiêu trên thì sau 5 năm, VAMC không xử lý được hết nợ xấu thì các TCTD cũng đã đủ thời gian để khắc phục cơ bản về tài chính, củng cố tiềm lực để phát triển.

 

Xin hỏi ông một câu hỏi cá nhân, là Tổng giám đốc VAMC trong bối cảnh nợ xấu rất phức tạp và kỳ vọng của thị trường vào VAMC là khá lớn, bản thân ông có chịu nhiều áp lực?

Thống đốc, Ban lãnh đạo NHNN và các thành phần trong xã hội rất quan tâm đến VAMC, nên đối với tôi, ví trí này đặt ra áp lực rất lớn. Nhưng do đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm của hệ thống ngân hàng và đã trực tiếp xử lý nợ xấu, nên ít nhiều tôi cũng đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, mọi việc đều không thể chủ quan, bởi trước kia là xử lý vấn đề đơn lẻ của một TCTD, còn hiện vấn đề này mang tính toàn hệ thống, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chính vì thế, đòi hỏi phải có một tư duy mới, phải có sự quyết tâm của cả một tập thể, sự đồng thuận của xã hội từ cơ quan quản lý, điều hành các cấp… Nhưng tôi tin VAMC sẽ cố gắng hoàn thành được sứ mệnh, bởi đã được NHNN xây dựng  đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp có chuyên môn tốt, và quan trọng hơn là xã hội nhìn nhận được sự cần thiết phải ra đời VAMC. Việc giải quyết nợ xấu chính là gỡ một nút thắt lớn, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh nói riêng và nền tảng phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung.