Số điểm chấp nhận thẻ của MasterCard tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng với mức cao nhất khu vực

Số điểm chấp nhận thẻ của MasterCard tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng với mức cao nhất khu vực

Dịch vụ thẻ, cơ hội trên thị trường 90% giao dịch tiền mặt

(ĐTCK) Thị trường tài chính Việt Nam vẫn được xem là khá màu mỡ để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Trong đó, mảng thẻ là công cụ hữu hiệu nhất để tiếp cận gần hơn với khách hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính. 

Đó cũng là mục đích để các ngân hàng trong và ngoài nước nhắm đến. Vì hiện ở Việt Nam, việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch, thanh toán của người dân còn lớn, chiếm đến 90%.

Nhu cầu sử dụng thẻ gia tăng

Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển thị trường thẻ. Thứ nhất, NHNN đang nỗ lực giảm bớt các giao dịch tiền mặt và đặt mục tiêu đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có 250.000 điểm chấp nhận thẻ và số lượng giao dịch thực hiện qua thẻ đạt con số 200 triệu lượt. Còn theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, đến 31/8/2014, lượng thẻ do 52 tổ chức phát hành đạt trên 74 triệu thẻ với khoảng 490 thương hiệu, hầu hết là thẻ ghi nợ (chiếm gần 92%), còn lại là thẻ tín dụng (chiếm gần 4%) và thẻ trả trước (trên 4%).

Tổ chức này cũng cho biết, hiện đã có trên 16.000 máy giao dịch tự động (ATM) và khoảng 153.200 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt trên toàn quốc. Nếu phân theo phạm vi hoạt động, thẻ nội địa đạt gần 66,5 triệu (chiếm gần 90%), thẻ quốc tế đạt trên 7,5 triệu thẻ (chiếm trên 10%).

Thứ hai, Việt Nam là nước có có tỷ lệ người dùng Internet, điện thoại di động thuộc loại cao trên thế giới và ngày càng có nhiều người lựa chọn kênh mua bán trực tuyến. Theo số liệu khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cuối tháng 3/2014, hơn 91% người Việt Nam trả lời có ý định mua sắm trực tuyến.

Điều đó cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở thành xu hướng tất yếu. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng dịch vụ, sản phẩm thẻ của người tiêu dùng ngày một gia tăng và khác nhau, nên việc phát triển dịch vụ thẻ của ngân hàng cũng khá đa dạng.

Do đó, MasterCard không chỉ liên kết với các ngân hàng tại thị trường Việt Nam phát hành thẻ tín dụng như suy nghĩ của một số người, mà còn liên kết ngân hàng để phát hành cả thẻ nội địa và thẻ thanh toán. Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm thiểu được rủi ro cho khách hàng, người bán hàng…

Số điểm chấp nhận thẻ của MasterCard tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng với mức cao nhất khu vực. Việc gia tăng số lượng máy chấp nhận thẻ là quan trọng, nhưng xác định đúng đối tượng để mở rộng cũng quan trọng không kém. MasterCard xác định có 3 đối tượng chính cần mở rộng là các cá nhân có nhu cầu đi lại, DN vừa và nhỏ và các đại lý bảo hiểm.

Tất cả mọi người đều có nhu cầu di chuyển và hiện tại, một số hãng taxi đã có hệ thống chấp nhận dịch vụ thẻ, nhưng vẫn còn rất nhiều hãng khác với hàng nghìn xe đang dùng hình thức thanh toán duy nhất là tiền mặt. Ngoài ra, số DN vừa và nhỏ hiện chiếm rất lớn trong số các đơn vị kinh doanh tại Việt Nam và họ có rất nhiều giao dịch diễn ra mỗi ngày.

Bên cạnh đó, các hãng bảo hiểm lớn có đội ngũ thu phí hàng ngàn người và vẫn đang thu phí bằng tiền mặt, điều này có một số rủi ro nhất định khi di chuyển trên đường. Những dư địa trên chính là cơ hội cho ngành thẻ.

Một lĩnh vực bán lẻ xăng dầu và thanh toán hóa đơn điện, Internet, nước… cũng là những lĩnh vực tiềm năng. Cuối năm 2013, MasterCard đã phối hợp với VietinBank và CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) lắp đặt hệ thống chấp nhận thẻ tại các đại lý xăng dầu tại TP. HCM. Mặc dù bước đầu mới chỉ triển khai ở 17 cây xăng, nhưng xăng dầu là nhiên liệu thiết yếu, nên Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này.

Các kênh mua sắm truyền thống như chợ, cửa hàng nhỏ lẻ cũng có cơ hội để ngành thẻ khai thác. Tuy nhiên, để phát triển được dịch vụ thẻ và đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, có 2 điểm quan trọng là làm thế nào thay đổi được hành vi của người tiêu dùng và phát triển được hệ thống chấp nhận thanh toán thẻ.

Hiện nay, số điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ chưa nhiều và từ nay đến năm 2018, chủ trương đưa ra của NHNN là giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt nên sẽ phát triển để tăng lên 250.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ vào cuối năm 2015.

Ông Arn Vogels, Giám đốc Khu vực Đông Dương, MasterCard 

Cần phát triển mạng lưới chấp nhận thẻ

Mặc dù đánh giá thị trường còn rất nhiều cơ hội, nhưng việc khai thác cũng không dễ dàng. Dù là quốc gia có dân số trẻ, nhưng tỷ lệ người dùng thẻ ở Việt Nam chưa cao. Trung bình cứ mỗi 1.000 dân Việt Nam chỉ có 1,06 máy chấp nhận thẻ, trong khi ở Thái Lan là 5 máy và Malaysia là 8 máy. Số lượng thẻ phát hành tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn số điểm chấp nhận thanh toán.

Mục tiêu 250.000 máy POS vào cuối năm 2015 mà NHNN đưa ra là khả thi, nhưng tỷ lệ số máy POS trên đầu người vẫn ở mức thấp, trong khi dân số Việt Nam sẽ tăng thêm. Một điểm hạn chế nữa là các điểm chấp nhận thẻ tại Việt Nam tập trung phần lớn ở TP. HCM và Hà Nội, cùng tình trạng nhiều ngân hàng cùng đặt máy chấp nhận thẻ tại một địa điểm cho thấy, chủ thẻ chưa thực sự thuận tiện khi sử dụng thẻ.

Một trở ngại lớn đó là người dân Việt Nam vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt khi có đến 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần chỉ là rút tiền tại máy ATM và chỉ có 10% còn lại là dùng để thanh toán qua POS.

Để thúc đẩy các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan nhà nước cần làm gương, đồng thời có những chính sách khuyến khích cũng như chế tài xử phạt.

Thực tế hiện nay, các chương trình an sinh xã hội, những khoản chi tiêu của Chính phủ vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt. Vì vậy, để chính sách và chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt đi vào cuộc sống, Chính phủ phải là người đi đầu. Chính phủ cũng cần tuyên truyền và có các chính sách hỗ trợ để các chủ cửa hàng, đơn vị kinh doanh thấy lợi ích của việc chấp nhận thẻ, thay vì tiền mặt như hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt mà Việt Nam đề ra, đòi hỏi trước hết là phát triển được dịch vụ thẻ.

Thực tế, nhu cầu sử dụng thẻ của người tiêu dùng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và NHNN đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện việc chấp nhận thanh toán thẻ tại các cửa hàng ở thành phố lớn đang dần trở nên phổ biến, nhưng ở các tỉnh, thành phố khác còn hạn chế, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao.

Mặt khác, để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phát triển thêm mạng lưới chấp nhận thẻ cũng như phát triển được nhiều dòng sản phẩm thẻ để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, có chế tài xử lý cần thiết đối với việc thu phí không nằm trong quy định của NHNN.

Chẳng hạn, với chế tài của NHNN vừa được đưa ra mức xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng đối với các điểm chấp nhận thẻ thanh toán khi vi phạm phân biệt giá trong thanh toán thẻ, thu phụ phí từ các chủ thẻ được xem là một trong những giải pháp thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt nói trên.

Theo Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng (ban hành kèm theo Quyết định 20/2007/QĐ-NHNN, nay là Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-NHNN ngày 24/4/2014), ngân hàng thanh toán có nghĩa vụ yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ không được phân biệt giá trong thanh toán thẻ (Điều 24). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều DN, cửa hàng vẫn tính phí 1 - 1,5% với những khách hàng thanh toán bằng dịch vụ cà thẻ.

Ở một số siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chủ các DN tuy không tính phụ phí với khách hàng cà thẻ, nhưng lại tự động cắt giảm các chương trình khuyến mại nếu người dân chọn hình thức này. Để chấn chỉnh tình trạng trên, NHNN đã có văn bản yêu cầu ngân hàng phải dừng ký kết hợp đồng thanh toán thẻ với đơn vị cố tính thu phí của khách hàng trong một năm.

Nếu tái phạm, thời hạn không được phép ký kết hợp đồng có thể từ 3 đến 5 năm. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng với hành vi phân biệt giá trong thanh toán qua thẻ. NHNN đề xuất bổ sung quy định xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng khi vi phạm phân biệt giá trong thanh toán thẻ, thu phụ phí từ chủ thẻ. Số tiền này sẽ buộc đơn vị vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước.

Việc NHNN vừa đưa ra chế tài đối với việc thu phụ phí thẻ là cần thiết cho quá trình phát triển sản phẩm, dịch vụ thẻ nhằm hướng đến mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt. Vì việc thu phụ phí thẻ cũng là một trong những cản trở đối với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, để thực hiện được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ và NHNN đưa ra, đòi hỏi trước hết phát triển được dịch vụ thẻ.

Để góp phần đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường thẻ thanh toán, ngoài việc yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm quy định không thu phụ phí tại quy chế phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ, Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, NHNN đã chủ động thực hiện một số biện pháp như: chỉ đạo Hội Thẻ ngân hàng phối hợp với công ty chuyển mạch thẻ, các tổ chức hội viên xây dựng quy định thống nhất mức phí liên mạng hợp lý giữa các tổ chức phát hành, tổ chức thanh toán thẻ, các công ty chuyển mạch thẻ đối với dịch vụ thanh toán thẻ nội địa để khuyến khích sử dụng thẻ nội địa thanh toán qua POS.

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức thẻ thanh toán quốc tế, trong đó có MasterCard để xử lý hiện tượng thu phụ phí của một số đơn vị chấp nhận thẻ khi khách hàng cà thẻ. Các tổ chức thẻ quốc tế cũng đã xây dựng các chương trình khảo sát tình trạng thu phụ phí, tăng cường giám sát và có chế tài xử lý đối với đơn vị chấp nhận thẻ vi phạm khi thu phụ phí.

Tin bài liên quan