Việc ứng dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ ngân hàng đã chứng tỏ được lợi thế và hiệu quả tiết giảm chi phí

Việc ứng dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ ngân hàng đã chứng tỏ được lợi thế và hiệu quả tiết giảm chi phí

Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động: Rút ngắn khoảng cách, tiết giảm chi phí

(ĐTCK) Trên thế giới đã có rất nhiều mô hình ngân hàng di động/ngân hàng số được áp dụng và triển khai thành công. Tại Việt Nam, các mô hình dịch vụ tài chính hiện đại này cũng đang được triển khai với kỳ vọng nâng cao cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Công nghệ tài chính tiếp cận vùng sâu, vùng xa

Tại buổi Tọa đàm về “Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động cho người nghèo và phụ nữ ở Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Nhóm Công tác tài chính vi mô Việt Nam tổ chức, ông Justin Baguley, Tham tán kinh tế và hợp tác phát triển Đại sứ quán Úc cho biết, cá nhân ông hiện đã rất ít dùng ví mà chủ yếu sử dụng điện thoại.

Câu chuyện của ông Justin Baguley cũng tương tự như những cư dân sinh sống tại các đô thị, khi sáng kiến công nghệ giúp cho mọi việc trở nên đơn giản hơn.

Thực tế ở Việt Nam, những người dân đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa cũng bắt đầu được trải nghiệm các dịch vụ tiện ích này. Một minh chứng cụ thể là Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Phổ cập dịch vụ tài chính và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” do NHCSXH phối hợp với Quỹ châu Á và MasterCard thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Úc.

Theo thông tin ban đầu từ NHCSXH, chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đo đếm được không chỉ đối với khách hàng mà còn cả ngân hàng, dù đang trong quá trình triển khai.

Về vấn đề này, ông Hà Hải An, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN) chia sẻ, trên thế giới đã có rất nhiều mô hình ngân hàng di động/ngân hàng số được áp dụng và triển khai thành công, điển hình như tại châu Phi, nơi các giải pháp về tiền di động, ngân hàng đại lý đã giúp người dân và doanh nghiệp vi mô ở nông thôn, vùng sâu vùng xa được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và thậm chí cả bảo hiểm một cách an toàn, đáng tin cậy và nhanh chóng với chi phí hợp lý. Các mô hình này góp phần đáng kể gia tăng tỷ lệ tài chính toàn diện tại châu Phi lên 43% vào năm 2017, từ mức 23% năm 2011.

Nâng cao tính minh bạch

Một lãnh đạo cao cấp NHCSXH thông tin, với dịch vụ tin nhắn SMS lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng, Ngân hàng nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, tạo niềm tin với khách hàng, giúp khách hàng yên tâm tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện.

Đồng thời, cải thiện chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí cho cả khách hàng và nhà băng…, giảm thiểu công sức đối chiếu, thời gian, việc đi lại và chi phí; dễ dàng phát hiện “vay ké”, chiếm dụng trong công tác cho vay. Bên cạnh đó, dịch vụ tin nhắn SMS đã tác động đến khách hàng về ý thức khoản nợ vay, trách nhiệm trả nợ, gửi tiết kiệm và đặc biệt là tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí in ấn...

Trong khi đó, dịch vụ tin nhắn SMS là kênh thông tin cho khách hàng đối chiếu, không mất thời gian đi tới trụ sở thôn, xã định kỳ vào cuối năm, không tốn tiền trả cước tin nhắn. Chưa kể, khách hàng được tiếp cận với dịch vụ tài chính hiện đại, làm quen với công nghệ số; giúp NHCSXH thực hiện đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ số lượng khách hàng ngày càng nhiều hơn.

“Tại sao lựa chọn mô hình Mobile Banking để ứng dụng tại Việt Nam? Tôi nhìn thấy tiềm năng ở Việt Nam với 65% dân số dưới 30 tuổi, trẻ, năng động. Trong khi đó, hệ thống tiền mặt không hiệu quả, có nguy cơ mất tiền trong quá trình trung chuyển”, Bà Winnie Wong, đại diện MasterCard cho biết

Hiệu quả kinh tế dễ đo lường

Thực tế, trước khi chưa triển khai dịch vụ tin nhắn đối chiếu nợ, NHCSXH phải tổ chức đối chiếu nợ trực tiếp với khách hàng: Thông báo triệu tập khách hàng đến Điểm giao dịch xã để thực hiện đối chiếu nợ. Nếu khách hàng bận không thể đến được, cán bộ theo địa bàn phải đến gặp tại nhà để thực hiện đối chiếu.

Theo phương pháp đối chiếu truyền thống này, ước tính mỗi khách hàng phải mất ¼ ngày công để thực hiện đối chiếu, trung bình mỗi ngày công của lao động tại địa phương là 200.000 đồng/lao động. Vậy chi phí để 856.608 khách hàng đi đối chiếu dư nợ với ngân hàng là  42.830.400.000 đồng.

Nếu sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS, khách hàng không còn phải mất nửa ngày lao động (chi phí cơ hội) đến Điểm giao dịch để đối chiếu nợ vay, tiền gửi. Sau khi nhận được tin nhắn NHCSXH gửi đến, căn cứ nội dung trong tin nhắn, khách hàng tự đối chiếu, nếu có chênh lệch hoặc vướng mắc cần phản ánh thì liên hệ với NHCSXH nơi thường trú để được giải quyết. Do đó lợi ích kinh tế mà dịch vụ tin nhắn mang lại cho 856.608 khách hàng tại 10 tỉnh là giúp khách hàng tiết kiệm được 42.830.400.000 đồng.

Còn đối với ngân hàng, trong thời gian triển khai vừa qua, tổng số tin nhắn đối chiếu đến khách hàng của NHCSXH tại 10 tỉnh là: 856.608 tin nhắn. Chi phí cho số lượng tin nhắn đối chiếu là 214.152.000 đồng.

Với phương pháp đối chiếu trực tiếp truyền thống, 1 cán bộ 1 ngày công tối đa đối chiếu được 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, mỗi tổ trung bình 50 thành viên, thù lao chi trả cho cán bộ đối chiếu tính trên ngày lương trung bình là 450.000 đồng/ngày/cán bộ. Vậy chi phí dành cho đối chiếu trực tiếp như trước đây đối với 856.608 khách hàng là 2.569.950.000 đồng. Nếu dụng dịch vụ tin nhắn SMS với 250 đồng/tin nhắn, 10 chi nhánh chỉ mất 214 triệu đồng, tiết kiệm hơn 12 lần cho chi phí hoạt động.

Nối gần khoảng cách

Với những số liệu cụ thể trên, ông Hà Hải An nhận định: “Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã chứng tỏ được lợi thế và hiệu quả trong việc tiết giảm chi phí và tăng cường tiện ích, thuận lợi cho khách hàng, đặc biệt là các khách hàng chưa có cơ hội tiếp cận hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ ngân hàng cơ bản.

Tại Việt Nam, ngân hàng di động/ngân hàng số đang trở thành xu hướng và đã được nhiều ngân hàng lựa chọn áp dụng để không chỉ đem lại trải nghiệm tốt hơn cho các khách hàng tại thành thị, mà còn mở rộng tiếp cận đến các đối tượng khách hàng yếu thế hơn trong xã hội”.

Tuy vậy, chia sẻ thông tin từ một báo cáo của Việt Nam, ông Justin Baguley cho biết, đến năm 2025, tỷ lệ tài chính toàn diện sẽ được cải thiện, nhưng nhóm người ở trong điều kiện không thuận lợi vẫn chưa được tiếp cận do khoảng cách về địa lý và chi phí.

“Hy vọng rằng sự phát triển về công nghệ, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện sẽ hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ tài chính đến vùng nông thôn, giúp nối gần các khoảng cách và giảm thiểu chi phí”, ông Justin Baguley nói.      

Tin bài liên quan