ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ

(ĐTCK) Sáng nay (28/3), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 với nhiều nội dung đáng chú ý.

Nội dung tường thuật

10:25 28/03

Sáng nay, 9h15, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tổ chức Đại hộc đồng cổ đông thường niên năm 2017

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 1
9h35, ông Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT SCB khai mạc ĐHĐCĐ 2017 
9h40 ông Võ Tấn Hoàng Văn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB, Báo cáo về tình hình và kết quả hoạt động năm 2017, định hướng kế hoạch 2018.
Tổng Giám đốc SCB cho biết, tính đến 31/12/2017, SCB có tổng tài sản 444.031 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017 và nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu. Huy động vốn và cho vay khách hàng của SCB tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số, với huy động vốn thị trường 1 tăng 17,1% lên 353.327 tỷ đồng và dư nợ cho vay tăng 20% đạt mức 264.151 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng được duy trì ở mức thấp, lần lượt là 0,45% và 0,63% vào cuối năm 2017. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 9,83%, cao hơn mức quy định 9% của NHNN.
ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 2
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB trình bày Báo cáo tại Đại hội
Cụ thể hơn, về hoạt động tín dụng, dư nợ của Ngân hàng tính đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay của SCB đạt 266.501 tỷ đồng, tăng 44.318 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 19,95% so với đầu năm.
Trong năm, SCB tập trung tăng trưởng tín dụng, cơ cấu lại tài sản theo hướng an toàn và hiệu quả, nâng cao tỷ trọng tài sản có sinh lời trong cơ cấu bảng cân đối kế toàn. Ngoài ra, SCB cũng từng bước mở rộng thị phần cho vay với nhiều sản phẩm chủ lực hướng tới nhóm khách hàng cá nhân và DN vừa và nhỏ như cho vay tiêu dùng, cho vay tiểu thương, cho vay bổ sung vốn lưu động…

SCB tiếp tục kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định của NHNN bằng những giải pháp như: nâng cao chất lượng thẩm định; giám sát và tuân thủ chặt chẽ quy trình cấp tín dụng; tăng cường xử lý, thu hồi nợ xấu. Đến cuối năm 2017, nợ quá hạn của SCb chiếm 0,63% tổng dư nợ; nợ xấu chiếm 0,45% tổng dư nợ.

Đối với hoạt động đầu tư và góp vốn. Danh mục đầu tư của SCB đến cuối năm 2017 đạt 77.426 tỷ đồng, tăng 12.991 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 20,16% so với đầu năm. SCB tiếp tục nắm giữ danh mục trái phiếu Chính phủ nhằm mục đích kinh doanh và dự trữ thanh khoản, gia tăng chứng khoán nợ TCTD…

Năm 2017, thu nhập ngoài lãi có mức tăng trưởng mạnh mẽ, 127% so với năm 2016, và đóng góp đến 57% tổng thu nhập từ hoạt động. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 871 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của  SCB và có mức tăng trưởng 54% so với năm 2016.

Tính đến 31/12/2017, SCB có 2 công ty con là Công ty TNHH 1 thành viên Quản lý nợ và Khai thác Tài sản SCB (AMC) và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long, với tổng giá trị góp vốn tại 2 công ty trên là 1.086 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn của SCB ổn định và an toàn với huy động TT1 chiếm 84,58%, huy động TT2 chiếm 15,41% và vay NHNN chiếm 0,01% tổng nguồn vốn huy động.

“Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của SCB năm 2017 đạt 164 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2016. Mức lợi nhuận còn khiêm tốn chủ yếu do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu) và SCB phải tập trung nguồn lực để trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC theo đúng quy định”, ông Văn cho biết.

Được biết, tổng chi phí trích lập dự phòng trong năm là 890 tỷ đồng, trong đó chi phí trích lập DPRR trái phiếu VAMC là 123 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, tổng mệnh giá trái phiếu VAMC mà SCB đang nắm giữ là 23.849 tỷ đồng và trong năm 2017, SCB cũng đã thực hiện thoái thu để hỗ trợ công tác xử lý nợ là 1.082 tỷ đồng. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh của SCB còn khiêm tốn trong năm 2017.

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 3
 Toàn cảnh ĐHĐCĐ SCB  
Tính đến 31/12/2017, số lượng CBNV của SCB là 6.428 người, tăng 874 người, tỷ lệ tăng 15,7% so với đầu năm. Trong năm 2017, SCB đã tuyển dụng gần 1.500 nhân sự mới, nâng tỷ lệ nhân sự kinh doanh lên 41% vào cuối năm 2017.

Đến cuối năm 2017, SCB có 231 Đơn vị giao dịch, gồm Hội sở chính, 50 chi nhánh và 180 phòng giao dịch phân bổ trên khắp cả nước. Ngoài ra, NHNN đã chấp nhận cho SCB thành lập thêm 2 chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình và 09 phòng giao dịch tại một số tỉnh/thành trên toàn quốc. Nếu tính đến 28/2/2018, SCB đã tiếp tục khai trương hoạt động thêm 2 chi nhánh Thanh Hóa và Thái Bình và 2 phòng giao dịch Hưng Dũng thuộc chi nhánh Nghệ An và phòng giao dịch Đak Đoa thuộc Chi nhánh Gia Lai.

Năm 2018, SCB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 224 tỷ đồng, tăng 36,8% so với năm 2017; tổng tài sản tăng 9,7% đạt 487.043 tỷ đồng; huy động tăng 18,4% đạt 418.278 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 17,8% đạt 311.204 tỷ đồng.

Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại, SCB nhắm tới mục tiêu nâng số lượng khách hàng cá nhân lên 2 triệu khách hàng trong năm 2020. Chính vì vậy, năm 2018 được xem là bước đệm để ngân hàng phát triển mạng lưới khách hàng với kế hoạch tăng trưởng 300.000 khách hàng trong năm.

Chia sẻ tại ĐHCĐ, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, SCB đã thực hiện các chính sách chi trả cổ tức theo đúng phê duyệt của NHNN trong từng thời kỳ. Giai đoạn vừa qua SCB đã thực hiện quá trình tái cơ cấu theo kế hoạch đã được NHNN phê duyệt nên toàn bộ lợi nhuận giữ lại đều được ngân hàng dùng để bổ sung vào vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, năng lực vốn cho ngân hàng. Nhờ vậy, SCB có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu hàng năm và kết quả kinh doanh đang có những chuyển biến rõ rệt qua từng năm. Đối với phần lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, đây vẫn là các khoản tích lũy cho hoạt động của ngân hàng, cho các cổ đông.

“Đến thời điểm này, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã đạt 6.375 tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC là 3.492 tỷ đồng. Các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của Ngân hàng. Khoản dự phòng nói trêncó thể xem là của để dành lớn cho SCB, là tích tụ tài chính tốt cho ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu. Do vậy, cổ đông có thể tin tưởng vào sự bứt phá của SCB sau năm 2019”, ông Văn nói.

10:41 28/03

10h10 phút, ông Tạ Chiêu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017, định hướng công tác quản trị năm 2018 của HĐQT cho biết, trong đó, ông Chung thông tin về tình hình thực hiện thù lao và ngân sách hoạt động.

Cụ thể, Nghị quyết ĐHCĐ năm 2016 phê duyệt tổng mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát (11 người bao gồm: 7 thành viên HĐQT và 4 người thuộc Ban Kiểm soát-PV) là 13.000 triệu đồng, tuy nhiên, thực chị là 12.972 triệu đồng, thấp hơn 28 triệu đồng so với hạn mức được phê duyệt.

HĐQT cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện lựa chọn, đàm phán các điều kiện hợp tác với đối tác chiến lược trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho các hoạt động, dịch vụ của SCB, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cũng như mở rộng kinh doanh với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho ngân hàng.

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 4
 Ông Tạ Chiêu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017, định hướng công tác quản trị năm 2018 của HĐQT 
10:46 28/03

Với những đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2018, mục tiêu tái cơ cấu SCB đến năm 2019 và định hường hoạt động của SCB trong thời gian tới, SCB xác định mục tiêu hoạt động là: "Chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi; đẩy mạnh tăng trưởng nền tảng khách hàng cá nhân; kiện toàn kết cấu tổ chức và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng; phát triển công nghệ ngân hàng hướng đến khách hàng và tối ưu hóa vận hành; xây dựng và nâng cap văn hóa SCB; đồng thời, tiếp tục tiếp cận phương thức quản trị rủi ro theo định hướng Basel II". 

10h20, bà Phạm Thu Phong, Trưởng Ban Kiểm soát báo cáo Đại hội tổng kết hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2017 và phương hướng hoạt động năm 2018.

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 5
 Bà Phạm Thu Phong, Trưởng Ban Kiểm soát báo cáo tại Đại hội
10:53 28/03

Qua công tác kiểm tra, giám sát, bà Phong cho biết những điểm chính yếu như: về năng lực tài chính: Ngân hàng đã đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn hoạt động và tuân thủ các quy định của NHNN theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Tiếp tục tăng cường huy động các nguồn vốn giá rẻ và tương đối ổn định từ dân cư, tổ chức kinh tế, TCTD, nước ngoài nhằm giảm chi phí huy động, cải thiện thu nhập, đồng thời, cân đối phù hợp giữa nguồn vốn và sử dụng, đảm bảo thanh khoản, hiệu quả. Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các quuy định, chương trình, thể lệ… trong việc huy động vốn trên toàn Ngân hàng theo đúng quy định.

Tiếp tục thực hiện đúng các quy định của NHNN về tỷ lệ an toàn. Trong năm 2018, cần nâng cao tỷ lệ dự trữ thanh khoản để đảm bảo hoạt động kinh doanh và an toàn thanh khoản của Ngân hàng. Triển khai kịp tiến độ Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về tỷ lệ an toàn có hiệu lực từ 01/01/2020

 

10:56 28/03
ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 6
 Ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc Tài chính Báo cáo tại Đại hội 

10h40, ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc Tài chính trình Đại hội thông qua Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2017 và trình thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2017, kế hoạch lợi nhuận và phương án phân phối lợi nhuận năm 2018.

11:04 28/03

Ông Hoàn cho biết, toàn bộ lợi nhuận không chia năm 2017 của SCB và AMC sẽ được dùng để tăng vốn tự có nhằm nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của SCB trong năm đạt khoảng 224 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng SCB đạt khoảng 180 tỷ đồng, theo đó, trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5% lợi nhuận sau thuế; trích lập dự phòng tài chính 10% lợi nhuận sau thuế; trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi: tương đương khoảng 1 tháng lương bình quân năm 2018

11:08 28/03

10h50 ông Nguyễn Văn Hùng, Kế toán trưởng trình Đại hội thông qua Tờ trình phê duyệt tổng mức thù lao của HĐQT, BKS năm 2018 và Tờ trình phê duyệt kinh phí hoạt động của BKS và Kiểm toán nội bộ năm 2018. Theo đó, HĐQT và thành viên Ban kiểm soát không có sự thay đổi về số lượng thành viên so với năm 2017 do đó HĐQT trình ĐHCĐ xem xét chấp thuận tổng mức thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát trong năm tài chính 2018 là 13 tỷ đồng.

11:13 28/03

Năm 2017, Ban Kiểm soát và Kiểm toán nội bộ đã thực hiện kiểm soát, giám sát hoạt động của SCB theo quy định và kế hoạch đề ra với kinh phí hoạt động là 841 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 88,5% kinh phí được duyệt. Năm 2018, ngoài công tác giám sát từ xa thông qua các báo cáo hoạt động hàng ngày của các đơn vị, số liệu… còn thực hiện kiểm toán 20 đơn vị trong đó có 12 đơn vị ngoài địa bàn TP. Hồ Chí Minh và thực hiện kiểm tra một số đơn vị có tăng trưởng huy động, tín dụng cao với kinh phí dự trù là 980 triệu đồng

11:23 28/03

11h00, ông Chiêm Minh Dũng, thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng Giám đốc trình Đại hội thông qua tờ trình phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại. Trình ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định một số vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp ĐHCĐ thường niên.

Cụ thể, nguồn để tăng vốn điều lệ: sử dụng Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2017 theo Nghị quyết ĐHCĐ, dự kiến số dư từ nguồn khoảng 632 tỷ đồng, phương thức phát hành: chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ. Số lượng cổ phần phát hành dự kiến 60 triệu cổ phần với tổng giá trị 600 tỷ đồng.

ĐHCĐ cổ đông ủy quyền va giao HĐQT thực hiện các thủ tục trình NHNN chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ SCB từ Nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2017 theo Nghị quyết của ĐHCĐ. Lập kế hoạch chi tiết trình ĐHCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ sau khi NHNN phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ SCB từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại

11:26 28/03

11h10 ông Vũ Đức Hưng, Phó Giám đốc Khối Vận hành trình ĐHCĐ thông qua tờ trình miễn nhiệm một thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 và Tờ trình bầu bổ sung một thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 7
 Ông Vũ Đức Hưng, Phó Giám đốc Khối Vận hành Báo cáo tại ĐHCĐ
11:29 28/03

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương Loan có Đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT SCB 2017-2022 vì lý do sức khỏe và xem xét việc bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhằm đảm bảo cơ cấu và số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2020 theo đúng Nghị quyết của ĐHCĐ.

11:32 28/03

11h20, Đại hội bước vào phần Hỏi – Đáp

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 8
Cổ đông đặt câu hỏi tại ĐHCĐ 
12:13 28/03

11h20, Đại hội bước vào phần Hỏi – Đáp

Các cổ đông đánh giá cao cán bộ nhân viên của SCB đã có những cố gắng lớn trong việc khắc phục khó khăn, kiên định với mục tiêu cống hiến và xây dựng ngân hàng SCB tuy nhiên kết quả vẫn còn khiêm tốn. Có 5 vấn đề được cổ đông đặt ra, ông Võ Tấn Hoàng Văn trả lời các ý kiến của cổ đông như sau:

Liên quan đến ý kiến của cổ đông về định vị lại phân khúc khách hàng, cụ thể ngân hàng bán lẻ ông Văn cho biết đã chạm vào mục tiêu kinh doanh năm 2018 của SCB 700.000-800.000 khách hàng. Đây là những khách hàng thực sự đóng góp cho phát triển của SCB trong những năm vừa qua. Định hướng nâng 2020, SCB nâng khách hàng lên 2 triệu nên dẫn đến đòi hỏi phải thay đổi nhiều về nhân sự, nâng cấp về hệ thống công nghệ thông tin, đầu tư con người, digital banking…

Nghĩa là chi phí hoạt động của SCB trong năm 2017 tăng lên do tuyển dụng nhân sự, đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin… Nhưng đây là đầu tư chiến lược cho ngân hàng trong tương lai đã được thực hiện từ các năm trước, được đẩy mạnh trong năm 2017 và trong năm 2018, dự kiến bắt đầu thu hoạch kết quả

“Nhiều ý kiến cho biết, nhân viên SCB già thế, mà những người già, độ năng động, sức chịu đựng, áp lực giảm đi. Nhưng, vấn đề chuyển đổi cán bộ như thế nào để họ có công việc phù hợp đồng thời Ngân hàng có lực lượng nhân sự trẻ đáp ứng yêu cầu của ngân hàng trong thời gian tới là điều thực sự rất tốn kém”, ông Văn nói.

Liên quan đến vấn đề cổ tức, ông Văn cho biết, mỗi năm ĐHCĐ Ngân hàng đều công bố kế hoạch kinh doanh và trong đó có ghi rõ về phần lợi nhuận được giữ lại, cụ thể đến 31/12/2017, tổng tiền dồn lại của các năm có khoảng hơn 600 tỷ đồng và sẽ chuyển thành cổ phiếu trong năm 2018,

Ông Văn nói: “Hiện tại Ngân hàng có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ, tất cả đều có tài sản đảm bảo và chắc chắc sẽ thu hồi về được 100%. Khi xử lý xong nợ sẽ hoàn lại toàn bộ phần trích lập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Chúng ta cố gắng chịu đựng để giá trị này sẽ phát huy trong một ngày không xa”

Đối với câu chuyện thù lao cho HĐQT, ông Văn chia sẻ: “Tính cụ thể, chi phí cho mỗi thành viên HĐQT chỉ khoảng 100 triệu/tháng còn lại là các chi phí hoạt động khác. Mức thù lao này, thực tế là không có nhiều và quan trọng hơn, một số thành viên HĐQT thực sự chỉ nhận một phần thù lao nhỏ còn lại đóng góp vào Quỹ Chung sức của nhân viên SCB nhằm hỗ trợ những cán bộ nhân viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn”.

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 9
 Ông Võ Tấn Hoàng Văn trả lời các cổ đông
12:58 28/03

12h46, Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả kiểm phiếu như sau:

Tổng số phiếu phát ra: 301 phiếu đại diện 1.383.228.976 cổ phần.

99,95% tỷ lệ phiếu thông qua ông Nguyễn Văn Thanh Hải là thành viên HĐQT

99,96% tỷ lệ phiếu thông qua Báo cáo kết quả tổng kết hoạt động năm 2017, định hướng và kế hoạch hoạt động năm 2018 của SCB

99,96% tỷ lệ phiếu thông qua Báo cáo Tổng kết hoạt động quản trị năm 2017 và định hướng công tác quản trị năm 2018 của HĐQT

99,96% tỷ lệ phiếu thông qua Báo cáo tổng kết hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2017 và phương hướng hoạt động năm 2018.

99,96% tỷ lệ phiếu thông qua Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2017

99,95% tỷ lệ phiếu thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 và kế hoạch lợi nhuận, phương án phân phối lợi nhuận năm 2018

99,95% tỷ lệ phiếu thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của SCB từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại…

13:08 28/03

Phát biểu tại Đại hội, đại diện NHNN, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát NHNN TP.HCM cho biết: “NHNN đã có định hướng rất rõ ràng đối với việc chia cổ tức chỉ được thực hiện trên những cơ sở nào. Tuy vậy, tôi cho rằng, cổ tức không phải là vấn đề đặt lên hàng đầu mà là định hướng hoạt động của ngân hàng. Tôi cũng chia sẻ thêm để các cổ đông biết, khi các ngân hàng hoạt động bình thường, ổn định, mọi việc do HĐQT điều hành trên cơ sở sự thống nhất của các cổ đông và cơ quan quản lý không can thiệp trong việc hoạt động. Năm 2017 kết quả kinh doanh của SCB không tốt bằng năm 2016 nhưng cần nhìn rõ hoạt động và tính an toàn của Ngân hàng đã vững hơn”.

ĐHCĐ thường niên SCB: Ngân hàng hiện có 6.500 tỷ đồng dự phòng cho xử lý nợ ảnh 10
Tin bài liên quan