Để kinh tế phát triển bền vững phải dựa vào nội lực

Để kinh tế phát triển bền vững phải dựa vào nội lực

(ĐTCK) Đó là quan điểm của ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khi trao đổi với ĐTCK xung quanh vấn đề lựa chọn mô hình kinh tế nào để Việt Nam phát triển bền vững, vì mọi người.

Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có nhiều biến động. Theo ông, Việt Nam có nên hướng tới một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn và vì mọi người hơn?

Nói về mô hình tăng trưởng kinh tế, trước tiên phải nhắc lại rằng, các mô hình trước đây có nhiều yếu tố bất cập và Chính phủ đã nhận thấy những mô hình tăng trưởng này chưa thực sự đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và nhiều nguồn lực được sử dụng chưa hợp lý. Bởi vậy, hiện tại, Chính phủ hướng tới mô hình kinh tế có năng suất và năng lực cạnh tranh cao hơn. Đây có thể nói là một hướng đi đúng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Chính phủ không quan tâm đến mô hình phát triển kinh tế vì mọi người hơn nữa, bởi vì một mô hình kinh tế dựa vào năng suất và cạnh tranh cao chưa chắc đã là mô hình phát triển bền vững, vì mọi người.

Có một mối quan hệ qua lại giữa tăng trưởng bền vững và tăng trưởng vì mọi người. Như các bạn biết, tăng trưởng kinh tế sẽ không thể bền vững nếu như các nguồn lợi từ tăng trưởng không được chia sẻ một cách công bằng cho những người dân, người lao động đã đóng góp cho nền kinh tế.

Đâu là khó khăn, thách thức và thuận lợi trong quá trình phát triển này?

Xin lấy ví dụ, mô hình kinh tế mới tập trung vào năng suất và hiệu quả cao chắc chắn hỗ trợ Chính phủ sử dụng mọi nguồn lực hiệu quả hơn. Đồng thời, mô hình này cũng có thể bảo đảm hướng tới các mục tiêu xã hội như giáo dục, y tế, an ninh xã hội. Bởi vậy, mô hình kinh tế mới có thể là một chính sách phát triển vì mọi người.

Một lợi thế nữa là về xu thế cạnh tranh. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đặc biệt quan trọng, nhưng các chính sách của Chính phủ cần hỗ trợ việc hình thành chuỗi giá trị với mối liên kết giữa FDI và các đơn vị tư nhân trong nước. Có như thế, FDI mới tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy đầu tư trong nước. Từ đó, tăng trưởng của khu vực FDI và xuất khẩu mới mang lại nguồn lợi lớn cho người dân cũng như các DN trong nước. Tuy nhiên, có thể có những vấn đề mới sẽ phát sinh khi nguồn vốn FDI vượt quá các nhu cầu định hướng phát triển.

Theo ông, cộng đồng DN có vai trò như thế nào trong quá trình tăng trưởng vì mọi người của Việt Nam?

Khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có các DN nhỏ và vừa có một vai trò tất yếu trong quá trình tăng trưởng kinh tế vì mọi người. Đặc biệt ở Việt Nam, các DN nhỏ và vừa là khu vực tạo ra việc làm lớn nhất cho xã hội. Mà trong khái niệm về tăng trưởng vì mọi người, điều kiện cần thiết nhất là phải đảm bảo việc làm cho hầu hết người dân, đặc biệt là những người nghèo. Chính vì vậy, các DN nhỏ và vừa cần nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ để phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình.

Trong suốt hai thập kỷ qua, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực FDI. Tuy nhiên, chúng ta thấy có rất ít sự liên kết giữa các DN FDI và các DN nhỏ và vừa của Việt Nam. Sự lớn mạnh của các DN FDI chưa chắc đã đi cùng với sự phát triển của kinh tế địa phương, trong đó có DN nhỏ và vừa của Việt Nam.

Thêm vào đó, một trong những trở ngại đối với các DN nhỏ và vừa là tiếp cận vốn. Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, ưu đãi thuế, nhưng sức cầu yếu của nền kinh tế vẫn đang hạn chế sự đóng góp của những DN nhỏ và vừa vào tăng trưởng vì mọi người của Việt Nam, mặc dù khu vực này có tiềm năng rất lớn.

Chiến lược hỗ trợ tăng trưởng vì mọi người của ADB đối với Việt Nam sẽ được tiến hành như thế nào?

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong cuộc chiến chống đói nghèo và đạt được một số mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức. Trước hết, số người có thu nhập dưới ngưỡng nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế đã giảm đáng kể, nhưng số người có nguy cơ quay lại ngưỡng nghèo tăng lên. Để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng vì mọi người, Chính phủ và các DN cần phải có các giải pháp hỗ trợ về nhiều mặt. Về nhiệm vụ của ADB, chúng tôi đang triển khai hoạt động tài trợ phát triển với vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển Châu Á của ADB, trong đó tập trung hỗ trợ các cộng đồng dân cư, đặc biệt các nhóm dân tộc ít người ở những khu vực còn nhiều khó khăn như vùng núi phía Bắc, miền Trung Việt Nam... và tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cơ hội việc làm, phát triển các dự án trong nông nghiệp.

Hai thập kỷ qua, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đến từ khu vực FDI

Trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững, vì mọi người, chính sách tiền tệ nên tập trung vào đâu, theo ông?

Đối với các DN vừa và nhỏ, vấn đề tài chính lớn nhất là tiếp cận nguồn vốn. Các DN vừa và nhỏ thường gặp nhiều khó khăn khi vay vốn ngân hàng. Để cải thiện việc tiếp cận vốn vay của các DN vừa và nhỏ, Chính phủ cần tăng cường khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện để phát triển thị trường vốn một cách sâu rộng hơn, thông thoáng hơn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến người nông dân. Tăng thu nhập cho người nông dân là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững, vì mọi người. Mặc dù ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng dương, nhưng người nông dân chưa thực sự được hưởng lợi từ tăng trưởng của khu vực này. Bởi vậy, Chính phủ và NHNN có trách nhiệm tìm ra các chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với vốn vay, nhằm tạo đà tăng năng suất.

ADB từng nhận định, tiến trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam còn chậm chạp. Những nhận định này đến nay liệu đã có gì thay đổi?

Một tin vui là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được thành lập và mua lại một số lượng nợ đáng kể. Thực chất, đây có thể được coi như một trường hợp đổi chác. Vấn đề đáng quan tâm là VAMC sẽ làm gì với nguồn ngân sách hiện có? Những dấu hiệu điển hình của quá trình hồi phục kinh tế là tính thanh khoản, gia tăng giao dịch bất động sản và giải quyết nợ thông qua các nhà đầu tư. Một số khoản thâm hụt cần được giải quyết bằng thúc đẩy tài khoá qua chi tiêu xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn hiện tại của VAMC còn chưa tương xứng, do vậy, quá trình bình phục kinh tế vẫn cần huy động thêm từ hoạt động xuất khẩu.

Cộng đồng Kinh tế châu Á dự kiến sẽ được hình thành vào năm 2015. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để có thể hòa nhập vào cộng đồng này?

Gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Á đương nhiên cũng không tránh được một số vấn đề nhất định. Trước hết, việc gia nhập kinh tế đòi hỏi tuân thủ quy chuẩn về các chính sách cũng như các quy tắc, điều lệ. Để việc gia nhập cộng đồng kinh tế này mang lại lợi ích cho Việt Nam, Chính phủ cần có những điều chỉnh về chính sách và quy chế trong nước để phù hợp với yêu cầu quốc tế và khu vực.

Việc gia nhập cộng đồng kinh tế sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, đặc biệt là thúc đẩy các DN Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh. Có thể nói, gia tăng sức cạnh tranh cho các DN Việt Nam vừa là động lực, vừa là mục tiêu quan trọng khi gia nhập các cộng đồng kinh tế.

Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, tạo tiền đề để Việt Nam góp mặt trong hệ thống các quốc gia có nền sản xuất phát triển. Tuy nhiên, gia nhập kinh tế đòi hỏi nỗ lực chung từ các quốc gia trong khu vực nhằm cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, lao động nhập cư…

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan