Đầu năm, nhân viên ngân hàng “ngập” trong tiền

Đầu năm, nhân viên ngân hàng “ngập” trong tiền

(ĐTCK) Như thường lệ, những ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, các nhân viên ngân hàng lại “ngập” trong tiền.

Nhân viên giao dịch tại một ngân hàng trên đường Thái Hà (Hà Nội) cho biết, bình thường huy động của ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng một ngày, nhưng hai ngày đầu năm sau Tết, lượng tiền khách hàng gửi tiết kiệm lên tới vài chục tỷ đồng một ngày.

Thông thường, 16h30 là hết giờ giao dịch huy động, nhưng những ngày này, khách vẫn còn đến ngân hàng là nhân viên giao dịch vẫn phải tiếp, nên giờ giao dịch kéo dài đến 5h30. Sau đó là các hoạt động nghiệp vụ, đến 21 - 22h mới xong việc.

“Những tuần trước kỳ nghỉ Tết, ngân hàng “đau đầu” vì khách hàng đến rút tiền, nhưng những ngày đầu Xuân mới, các ngân hàng cùng có chương trình lì xì khách hàng nên lượng tiền gửi về lớn, khiến nhân viên ngân hàng “ngập” trong tiền. Tín dụng đầu năm khá “nhẹ nhàng”, nhưng không tranh thủ “tích” vốn thì ra Giêng “chết”, nên dẫu có mệt vẫn rất vui”, một nhân viên giao dịch chia sẻ.

Tại chi nhánh một ngân hàng khác trên đường Láng Hạ, bình thường, 16h là hết giờ giao dịch và 16h30, cánh cửa ngân hàng đóng hoàn toàn, nhưng hai ngày sau kỳ nghỉ Tết, khung giờ này buộc phải thay đổi.

“Với lượng khách hàng lên đến cả nghìn người, không xuể để lì xì, nên ngân hàng chỉ lì xì cho khách hàng mới vào gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, lượng khách vẫn đông hơn nhiều ngày thường, ngân hàng phải mở cửa đến 5 giờ chiều”, một nhân viên tại đây nói.

Tại một ngân hàng trên đường Hoàng Đạo Thúy, do làm việc thông trưa nên khách hàng tranh thủ giờ nghỉ đến giao dịch rất đông, nhân viên thay phiên nhau liên tục mà vẫn không kịp.

“Đang nghỉ ngơi trong Tết quen, ngay ngày đầu tiên đi làm đã cật lực từ sáng đến tối muộn. Bụng đói, mệt, nhưng vẫn phải cười tươi, niềm nở chào đón, phục vụ khách hàng. Ngày thứ hai, lượng khách giảm dần và đến ngày thứ ba, nhịp hoạt động đã quay về bình thường”, giám đốc quan hệ khách hàng của ngân hàng trên chia sẻ.

Khảo sát của phóng viên Đầu tư Chứng khoán cho thấy, không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà các ngân hàng lớn cũng lì xì cho khách hàng gửi tiết kiệm ngày đầu năm. Tại một ngân hàng có vốn nhà nước trên đường Trần Quang Khải, một số khách hàng trong lúc đợi đến lượt giao dịch đã kể chuyện cho nhau nghe về việc năm ngoái đến gửi tiền được lì xì quà gì và hồi hợp đợi quà năm nay…

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét, đây là hoạt động theo tập quán, nhưng chính sách tiền tệ cũng ít nhiều chịu tác động bởi chu kỳ dòng tiền “cuối năm rút, đầu năm gửi tiền” của khách hàng.

Một lãnh đạo cao cấp BaoVietBank cho biết, trước Tết Dương lịch, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động duy trì ở mức khá cao. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua hoạt động bơm vốn qua kênh thị trường mở (OMO) và tín phiếu.

Tuy nhiên, lãi suất đã hạ nhiệt dần sau thời điểm Tết Dương lịch (thời hạn các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 40%) và thậm chí có thể có xu hướng giảm sau thời điểm Tết Âm lịch (khi nguồn tiền dư thừa quay trở lại các ngân hàng).

“Chúng tôi không thấy quá nhiều rủi ro đối với lãi suất trong năm 2019, nhất là trong bối cảnh lạm phát có xu hướng hạ nhiệt và sẽ không tăng quá cao trong năm nay (CPI năm 2019 được dự báo tăng quanh mức 3,5% - tương đương năm 2018)”, vị lãnh đạo BaoVietBank nói.

Đây cũng là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khi trả lời phỏng vấn của Đầu tư Chứng khoán khi cho rằng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi từ thành quả đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận định sẽ có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất trong năm 2019.

Ví dụ, Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, ngân hàng trung ương các nước có xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, rủi ro từ giá hàng hóa cơ bản và lạm phát toàn cầu tăng...

“Trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tài chính tiền tệ trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất linh hoạt, kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm điều tiết và hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Tin bài liên quan