Đã đến lúc áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, đã đến lúc cần nghĩ tới việc áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng với mức từ 35-40%.

Viện Quản trị kinh doanh - SBA (thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị cho người tiêu dùng”.

Buổi tọa đàm nhằm trao đổi các kết quả nghiên cứu độc lập do SAB thực hiện về thực trạng thị trường cho vay tiêu dùng tại VIệt Nam, từ đó đưa ra đánh giá và dự báo nhu cầu về dịch vụ cho vay tiêu dùng cũng như dánh giá về việc cung cấp dịch vụ của các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam. Từ đó, nghiên cứu hướng đến việc nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về việc sử dụng các dịch vụ cho vay tiêu dùng cũng như đưa ra khuyến nghị cho các đối tượng hữu quan khác.

Nghiên cứu được thực hiện khảo sát với hơn 2.000 người tiêu dùng trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố. Trình bày các kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Thùy Dung đến từ SBA cho biết, xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trong những năm gần đây đang tạo ra những động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.

Đã đến lúc áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng ảnh 1

Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm thị trường cho vay tiêu dùng.

Mặc dù nhiều người dân còn có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhưng một bộ phận người tiêu dùng trẻ đang có nhu cầu ngày càng tăng lên đối với dịch vụ này. Có 47,8% số người chưa từng di vay tiêu dùng khi trả lời khảo sát đã cho biết “sẵn sàng hoặc chấp nhận đi vay để tiêu nếu thấy cần thiết”.

Đối với người tiêu dùng, có 3 nhóm yếu tố chi phối đến quyết định lựa chọn tổ chức tài chính là: (1) Chính sách cho vay, (2) Yếu tố tạo cảm giác thân thiện và (3) Sự thuận tiện của dịch vụ. Đối với vấn đề chất lượng dịch vụ của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, khách hàng đã từng vay các công ty tài chính có đánh giá tương đối tốt về sản phẩm, thủ tục và quy trình cho vay. Tuy nhiên, mức độ hài lòng về chi phí vay tương đối thấp.

Nhóm nghiên cứu đánh giá, từ kết quả nghiên cứu này có thể khẳng định, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai và người tiêu dùng sẽ ngày càng có nhiều lựa chọn khi tiếp xúc với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân khác nhau.

Bình luận về kết quả nghiên cứu, đại diện từ Công ty HD Saison cho biết, theo các kết quả nghiên cứu trước đó, tỷ lệ dư nợ của toàn nền kinh tế tại các nước đang phát triển chiếm khoảng 40-45% trên tổng dư nợ kinh tế, trong khi tại Việt Nam, báo cáo mới nhất cho biết tỷ lệ này là khoảng 5%, cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này là vô cùng lớn.

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, báo cáo này đã có tác động đến quan điểm tài chính tiêu dùng hiện nay. “Bên cạnh những lo ngại về nợ công, nhiều vấn đề không hợp lý, đã đến lúc thay đổi quan điểm về tài chính tiêu dùng để tài chính tiêu dùng phát triển nhanh, mạnh hơn nữa”.

Đồng tình với mức độ hài lòng về chi phí vay tương đối thấp, luật sư Đức cho rằng, các tổ chức để lãi suất cao nhưng rủi ro không cao nên lãi suất thời gian qua đã đem lại lợi nhuận tốt cho các tổ chức tài chính. Luật sư Đức kiến nghị cần để thị trường này phát triển nhiều, bởi sự cạnh tranh sẽ đưa lãi suất về mức hợp lý nhất.

Đồng thời, ông Đức cũng cho rằng đã đến lúc cần nghĩ tới việc áp lãi trần trong cho vay tiêu dùng với mức trần từ 35-40%.

Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS-TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng SBA cho biết, ngoài các nội dung nghiên cứu đã được công bố, tiến tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thu thập, nghiên cứu, quan tâm đến tiêu chí bảo vệ người tiêu dùng vào lĩnh vực này.

Tin bài liên quan