Chị Nguyễn Minh Thu (TP.HCM) cho biết, đang vay vốn tại một ngân hàng có vốn nhà nước để trả góp cho căn hộ đang sinh sống tại dự án của Trường Thành Lộc (P. Linh Trung, Q. Thủ Ðức, TP.HCM).
Khoản vốn vay tính đến thời điểm hiện tại còn khoảng 200 triệu đồng.
Thế nhưng, mới đây, chị nhận được thông báo từ nhà băng cho biết, lãi suất vay sẽ được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 9/2019 bằng việc cộng thêm biên độ 3,5%/năm với lý do đã hết thời hạn ưu đãi vay 1 năm đầu.
Tính ra, lãi suất vay chị phải trả tăng lên 12,5%/năm, so với mức ban đầu là 9%/năm.
Thực tế, lãi suất tiền đồng được nhận định khó giảm trên diện rộng trước chính sách giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. Ðáng chú ý, ở lĩnh vực phi sản xuất, kinh doanh như tiêu dùng, vay mua nhà…, lãi suất được các nhà băng áp dụng có xu hướng tăng.
Hiện tại, lãi vay mua nhà phổ biến tại các ngân hàng ở mức 12-13%/năm. Mức ưu đãi 9-10%/năm chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian từ 3-12 tháng, sau đó cộng thêm biên độ khoảng 3,5-4%/năm.
Sở dĩ lãi vay ở các lĩnh vực này tăng do chi phí đầu vào được các nhà băng điều chỉnh tăng.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng theo xu hướng dự báo cầu vốn sẽ tăng mạnh trong hai quý cuối năm 2019.
Ðây cũng là thời điểm kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp, nên ngân hàng không ngại tăng lãi suất để huy động tiền gửi, nhất là với chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên đến 10,2%/năm với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-9,5%/năm ở kỳ hạn trung và dài.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng chỉ ưu đãi lãi vay cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường… vốn đang được Chính phủ khuyến khích phát triển.
Ðơn cử, Sacombank triển khai gói ưu đãi 5.500 tỷ đồng với lãi suất từ 6,25%/năm dành cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên. Ngoài ra, gói ưu đãi này cũng dành cho các khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Tại Nam A Bank, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, Ngân hàng cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cấp vốn ưu đãi lãi vay từ 6,5%/năm đối với các khoản vay dài hạn (từ 36-120 tháng), từ 7,5%/năm đối với các khoản vay trung hạn (từ 24 tháng đến dưới 36 tháng). Lĩnh vực tín dụng xanh cũng được ưu đãi lãi vay 7,5%/năm.
“Với mức giải ngân tối đa 85% chi phí hợp lệ, gói tín dụng ưu đãi này giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chủ động được nguồn vốn trong đầu tư phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, nhà xưởng..., từ đó nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Khối Kinh doanh Nam A Bank nói.
Tại các ngân hàng có vốn nhà nước, chủ trương giảm lãi suất được triển khai từ ngày 1/8 - 31/12/2019, với mức giảm từ 0,5-1%/năm về 5,5%/năm, song cũng chỉ tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp...
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES), Trường Ðại học Kinh tế, Ðại học Quốc gia Hà Nội đưa ra nhận định, mặc dù tỷ giá ổn định trong nửa cuối năm nay, song lãi suất cho vay sẽ khó giảm, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang phải cạnh tranh huy động vốn, đặc biệt ở kỳ hạn dài, để “gối đầu” khi vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị hạn chế theo lộ trình.
Tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo 2 phương án.
Cụ thể, với phương án 1, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn đến hết 30/6/2020 là 40%; từ 1/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%. Với phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung - dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm về 37% từ 1/7/2020 đến 30/6/2021; từ 1/7/2021 đến 30/6/2022 hạ xuống 34% và từ 1/7/2020 giảm xuống 30%.