Cuối năm 2015, lợi nhuận chưa phân phối của VPBank tăng 629 tỷ so với năm 2014

Cuối năm 2015, lợi nhuận chưa phân phối của VPBank tăng 629 tỷ so với năm 2014

(ĐTCK) VPBank vừa cho biết kết quả kinh doanh năm 2015 và chính thức phát đi thông báo về việc sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 28/3/2016.

Tại Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, VPBank sẽ công bố những nội dung chính như báo cáo đánh giá hoạt động của Ban điều hành, hoạt động của HĐQT, hoạt động của các ủy ban trực thuộc, các báo cáo của Tổng giám đốc về tình hình hoạt động của Ngân hàng, các đề xuất về phương án phân phối lợi nhuận, phương án tăng vốn, các kế hoạch hoạt động năm 2016 của Ngân hàng. Các nội dung này sẽ được trình bày và thảo luận công khai tại ĐHĐCĐ để tiến hành biểu quyết.

Điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh của VPBank năm 2015 là hầu hết các chỉ tiêu đều gần hoàn thành hoặc vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đã giao, duy trì đà tăng trưởng vững chắc so với năm trước, các chỉ tiêu về khả năng sinh lời, hiệu quả sử dụng vốn cũng như các chỉ tiêu về an toàn hệ thống đều được nâng cao.

Cụ thể, tính đến 31/12/2015, tổng tài sản của VPBank đạt 193.876 tỷ đồng, tăng trưởng 18,8% so với cuối năm 2014. Vốn chủ sở hữu đạt 13.389 tỷ đồng, tăng 4.409 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó vốn điều lệ đạt 8.056 tỷ đồng, tăng 1.709 tỷ đồng do trả cổ tức bằng cổ phiếu và trả cổ phiếu thưởng từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Thặng dư vốn cổ phần đạt 1.289 tỷ đồng, tăng 1.287 tỷ đồng so với cuối năm 2014 do ghi nhận chênh lệch mệnh giá và giá bán cổ phiếu của Ngân hàng. Lợi nhuận chưa phân phối đạt 2.719 tỷ đồng, tăng 629 tỷ so với 2014.

Bên cạnh đó, thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ của VPBank đã tăng 46% so với năm 2014, đạt 885 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của toàn Ngân hàng. Trong đó, các dịch vụ thanh toán như thanh toán thẻ, thanh toán các dịch vụ tiện ích và các dịch vụ phi tín dụng như nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp, nộp tiền điện nước bằng thẻ tín dụng, nạp tiền điện thoại qua ebanking hoặc mobile banking… có kết quả tăng trưởng khả quan.

Đồng thời, tăng trưởng chi phí năm 2015 thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng về quy mô kinh doanh cũng như thu nhập, với tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập thuần giảm từ 59% năm 2014 xuống còn 47% năm 2015.

Ngoài ra, tổng huy động vốn (gồm tiền gửi của khách hàng, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác và phát hành giấy tờ có giá) cả năm đạt 169.895 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2014. Riêng tiền gửi của khách hàng đạt 130.271 tỷ đồng, tăng ròng gần 22.000 tỷ đồng (tương đương tăng 20%) so với 2014, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành ngân hàng và giúp VPBank tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng TMCP có tăng trưởng cao về huy động.

Đặc biệt, trong năm 2015, VPBank đã phát hành thêm hơn 7.400 tỷ các giấy tờ có giá có kỳ hạn từ 1-5 năm. Đây là nguồn vốn ổn định, dài hạn để tài trợ cho tăng trưởng tài sản trung dài hạn, đảm bảo an toàn trong cấu trúc tài sản.

Tại ĐHĐCĐ năm 2015, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, bên cạnh định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hạn chế chia cổ tức để tăng cường năng lực tài chính, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt là việc cần thiết phải làm để có nguồn vốn cho việc phát triển.

Ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch HĐQT nói: “Rất khó cho Ngân hàng, không thể tạo ra sự lớn mạnh sau 5 năm nếu năm nào cổ đông cũng đề nghị chia cổ tức bằng tiền mặt”.

Nhưng trên thực tế, ông Dũng chia sẻ, Ngân hàng vẫn chia cổ tức bằng hình thức cổ phiếu, do vậy, qua các năm, số lượng cổ phiếu của cổ đông tăng dần lên. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông Dũng cũng đã dự kiến trong năm 2015, nếu mời được cổ đông chiến lược tham gia, VPBank sẽ hiện thực hóa việc chia cổ tức phần nào bằng tiền mặt.

Tính đến thời điểm hiện nay, VPBank vẫn chưa thấy xuất hiện bóng dáng của cổ đông chiến lược, nên chắc chắn, đây tiếp tục là vấn đề “nóng” được các cổ đông quan tâm trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên sắp tới.

Tin bài liên quan