Chỉ còn nửa năm nữa là thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc.
Ảnh: Hoài Nam

Chỉ còn nửa năm nữa là thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc. Ảnh: Hoài Nam

Có nên đóng lại gói 30.000 tỷ đồng?

(ĐTCK) Thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng theo Thông tư 11 của NHNN sẽ kết thúc vào ngày 31/5/2016. Nên để gói 30.000 tỷ đồng “đi” tiếp hay đóng lại đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.

Thực tế, mục tiêu của gói 30.000 tỷ đồng là “phá băng” thị trường bất động sản trên cơ sở hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà ở. Gói tín dụng này đã tạo tâm lý tích cực, giúp phân khúc nhà ở xã hội và thu nhập thấp hồi phục và lan rộng ra thị trường.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, gói hỗ trợ này đã gặp nhiều vướng mắc, khiến cho việc giải ngân bị chậm trễ. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, nhưng gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 1/3. Nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, nên “đóng” gói 30.000 tỷ đồng với nhà ở thương mại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM mặc dù không có ý kiến về việc đóng lại gói 30.000 tỷ đồng đối với nhà ở thương mại, nhưng đề xuất kéo dài thời hạn đối với nhà ở xã hội đến hết ngày 31/5/2018.

“Khi thị trường đã sôi động trở lại, thì cơ hội có nhà cho người thu nhập thấp càng ít đi. Đầu tư nhà ở xã hội vốn không mấy hấp dẫn doanh nghiệp, thì nay lại càng ít dự án hơn, doanh nghiệp không hứng thú đầu tư nhà ở xã hội, trong khi nhà ở thương mại bán hàng tốt. TP. HCM chỉ mới giải ngân được gần 7% trong gói 30.000 tỷ đồng, trong số đó chỉ có 3 doanh nghiệp được giải ngân. Kéo dài thời hạn là đưa thêm sự lựa chọn cho các doanh nghiệp tham gia vào chương trình nhà ở xã hội, cũng là cơ hội để người thu nhập thấp mua nhà”, ông Châu cho biết.

"Nếu đã chắc chắn không thể giải ngân đúng tiến độ và việc giải ngân diễn ra vẫn ì ạch trong suốt 2 năm qua, thì việc dừng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng theo đúng như kế hoạch là việc nên làm. Nếu muốn, có thể mở ra gói tương tự, nhưng phải cân nhắc về phương pháp và thủ tục cho vay" - TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành nêu quan điểm, gói 30.000 tỷ đồng là "cứu cánh" cho thị trường lúc đóng băng với mục tiêu hỗ trợ người thu nhập từ trung bình trở xuống có nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, người thu nhập trung bình thấp không có khả năng mua nhà. Gói hỗ trợ này vì thế nên đóng lại và dành chương trình cho nhà ở xã hội diện thuê mua, còn nếu nhà ở xã hội mua trả tiền, thì không khác gì nhà ở thương mại.

“Đóng lại gói này để mở ra các gói mới có mức lãi suất khoảng 6 - 7%/năm vẫn có khả năng hỗ trợ phân khúc cho người thu nhập thấp với giá bán từ 14 triệu đồng/m2 trở xuống”, ông Nghĩa chia sẻ.

Con theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, thời gian qua, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vướng nhiều vấn đề, nên cơ quan quản lý đã phải tìm nhiều biện pháp sửa chính sách với mục tiêu đẩy gói này “đi” nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu đã chắc chắn không thể giải ngân đúng tiến độ và việc giải ngân diễn ra vẫn ì ạch trong suốt 2 năm qua, thì việc dừng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng theo đúng như kế hoạch là việc nên làm. Nếu muốn, có thể mở ra gói tương tự, nhưng phải cân nhắc về phương pháp và thủ tục cho vay.

Mặc dù việc “đóng lại” hay “đi tiếp” của gói 30.000 tỷ đồng vẫn chưa có quyết định cuối cùng, nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có dự án mà khách hàng mua nhà thuộc diện được vay gói 30.000 tỷ đồng cũng xác định, gói tín dụng này sẽ dừng đúng thời hạn theo Thông tư 11/NHNN.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TECCO, chủ đầu tư Dự án Tecco Green Nest (quận 12, TP. HCM) cho biết: “Nhiều khả năng Block C của Dự án sẽ được giao nhà trước tiến độ, nhưng cũng không thể trước ngày 31/5/2916, nên Công ty đã chủ động thông báo với khách hàng là không được vay gói 30.000 tỷ đồng. Dù vậy, block này vẫn được khách hàng mua nhiều và hiện chỉ còn dưới 10 căn”.

Với nhiều người có nhu cầu mua nhà, dù gói 30.000 tỷ đồng có lãi suất thấp, nhưng khó tiếp cận, do đó, các gói tín dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng thương mại được họ rất quan tâm. Thông tin BIDV sẽ có gói cho vay với lãi suất cố định 7%/năm trong vòng 15 - 20 năm đang được nhiều khách hàng và chủ đầu tư chờ đợi. Chị Mai Thanh, một công chức làm việc tại quận 3, TP. HCM cho biết: “Nếu thực sự có gói này thì cũng đỡ tiếc vì không kịp vay gói 30.000 tỷ đồng. Dù chậm nhưng nếu có mình sẽ chọn được căn hộ như ý, thay vì phải mua bằng được vì cần vay gói 30.000 tỷ đồng”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tham gia cuộc bình chọn Khu đô thị đáng sống 2015 (Báo đầu tư Bất động sản)

Tin bài liên quan