97% tỷ lệ cổ đông Sacombank đồng ý phương án sáp nhập Southern Bank

97% tỷ lệ cổ đông Sacombank đồng ý phương án sáp nhập Southern Bank

Cổ đông Sacombank chất vấn nội dung gì tại đại hội cổ đông?

(ĐTCK) Tỷ lệ 97% thông qua các tờ trình tại đại hội, con số này nói lên sự "đồng thuận cao" với kế hoạch của Sacombank năm nay. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Rất nhiều câu hỏi đã được "xin khất" trả lời vì lý do... thời gian!

Ngày 25/3, ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thông qua các chương trình nghị sự, trong đó có chủ trương sáp nhập Southern Bank; miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Sacombank đối với ông Phạm Hữu Phú và bổ nhiệm ông Kiều Hữu Dũng vào vị trí này. Tuy nhiên, cổ đông vẫn có nhiều thắc mắc và bức xúc, chưa được giải đáp thỏa đáng.

Quyền lợi cổ đông khi sáp nhập?

Tại ĐHCĐ, Sacombank đã trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập SouthernBank. Theo ông Kiều Hữu Dũng, tân Chủ tịch HĐQT Sacombank, với mong muốn tạo thêm lợi thế cạnh tranh, nâng cao hơn nữa quy mô hoạt động, khai thác tối đa tiềm năng thị trường và kiên định với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, đồng thời tạo điều kiện cho Sacombank có thêm nguồn lực đáp ứng nhu cầu tiếp tục phát triển, nên HĐQT trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập Southern Bank.

Ông Dũng cho biết, HĐQT Sacombank rất quan tâm đến việc sáp nhập Southern Bank. Vì thế, ngay từ đầu, Sacombank đã có những đánh giá, phân tích trên cơ sở đảm bảo được quyền lợi của cổ đông hai bên. Trước mắt là trình ĐHCĐ thông qua chủ trương sáp nhập, sau khi được thông qua, HĐQT Sacombank sẽ xây dựng đề án khả thi nhất đối với việc sáp nhập thêm Southern Bank.

Tuy nhiên, không ít cổ đông cho rằng, không cần thiết nhận sáp nhập Southern Bank khi nội lực Sacombank đã vững và mạng lưới hoạt động phủ khắp. Nhiều cổ đông khác quan tâm đến tỷ lệ chuyển đổi cổ phần khi sáp nhập. Cổ phần sẽ được chuyển đổi như thế nào và quyền lợi cổ đông được đảm bảo ra sao khi Sacombank là một ngân hàng lớn, trong khi Southern Bank có vị thế kém hơn nhiều?

Một cổ đông đặt câu hỏi, nếu sáp nhập, quyền lợi của cổ đông hai ngân hàng sẽ được tính toán ra sao? Theo cổ đông này, nhiều năm qua, Southern Bank không trả cổ tức cho cổ đông, còn Sacombank là ngân hàng hoạt động hiệu quả và có chính sách chi trả cổ tức thỏa đáng. Nếu quyết định tỷ lệ chuyển đổi cổ phần không phù hợp sẽ gây thiệt thòi cho cổ đông Ngân hàng.

Xét về vấn đề tái cấu trúc, Sacombank hiện có bộ máy điều hành tốt và Ngân hàng đã lớn mạnh, không cần sáp nhập thêm Southern Bank. Nếu sáp nhập thêm một ngân hàng, nhất là với ngân hàng nhỏ, yếu kém về quản trị như Southern Bank thì Sacombank chỉ vướng tay, vướng chân mà thôi. Không ít cổ đông Sacombank cùng chung ý kiến không đồng tình chuyện sáp nhập.

“Sacombank tốt như vậy, sáp nhập với một ngân hàng yếu, nợ xấu cao như Southern Bank để làm gì? Hiện có rất nhiều ngân hàng tốt, tại sao Sacombank không chọn, mà lại chọn Southern Bank”, một cổ đông nhấn mạnh.

Do một số cổ đông của Southern Bank (cụ thể là gia đình ông Trầm Bê) hiện cũng chính là cổ đông đang nắm tỷ lệ sở hữu lớn tại Sacombank, nên có cổ đông Sacombank cho rằng, việc sáp nhập xem ra đã được ấn định sẵn, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Mặc dù các ý kiến khá đa dạng, nhưng tựu trung, nhiều cổ đông Sacombank tỏ ra lo ngại đến quyền lợi của mình khi thương vụ sáp nhập này được triển khai.

Cụ thể, trong 3 năm gần đây, khi hoạt động kinh doanh đạt kết quả khả quan, Sacombank có cam kết sẽ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông, nhưng nay nhận sáp nhập Southern Bank thì việc chia cổ phiếu thưởng sẽ như thế nào? Các cổ đông yêu cầu HĐQT Sacombank cần phải làm những điều đã hứa, trả quyền lợi cho cổ đông trước khi sáp nhập thêm Southern Bank.

Cổ đông Lê Thị Kim Cúc cho biết, là cổ đông gắn bó lâu dài với Sacombank ngay từ những ngày đầu, nhưng trước thông tin sẽ nhận sáp nhập Southen Bank, bà cảm thấy không hài lòng. Bà Cúc cho rằng, mọi việc xem ra đã được định sẵn, câu chuyện sáp nhập sẽ có nhiều dấu chấm hỏi ở phía sau.

“Sáp nhập với Southern Bank là không phù hợp, không công bằng cho cổ đông. Cần phải lắng nghe ý kiến của cổ đông, điều đó mới có giá trị”, một cổ đông khác bức xúc nói.

… vẫn là dấu chấm hỏi

HĐQT Sacombank lý giải, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhất là ngành ngân hàng hội nhập quốc tế, cũng như khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách về việc phát triển, muốn cạnh tranh thì phải tăng cường quy mô.

“Mặc dù Sacombank đã lớn mạnh và có mạng lưới hoạt động rộng khắp, nhưng chúng ta sẽ đi xa hơn nữa nếu sáp nhập thêm một ngân hàng khác, mà cụ thể là Southern Bank. Trong bất cứ việc sáp nhập nào cũng có những thuận lợi, bất lợi, nhưng mọi chuyện đều có thể giải quyết”, lãnh đạo Sacombank nói và cho rằng, việc Sacombank chọn Southern Bank là chuyện đương nhiên khi cả hai ngân hàng thỏa mãn được mọi điều kiện.

“Chúng tôi cân nhắc lợi hại đối với việc sáp nhập. Việc sáp nhập tuân thủ quy định của pháp luật, sau khi Ngân hàng Nhà nước thông qua, Sacombank sẽ tiến hành ĐHCĐ bất thường, chính thức trình thông qua việc sáp nhập Southern Bank. Còn một chặng dường rất dài và việc sáp nhập có lợi cho cổ đông Sacombank thì HĐQT mới làm”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, Chủ tọa ĐHCĐ Sacombank đã không giải đáp thỏa đáng những thắc mắc nêu trên của cổ đông, nên màn chất vấn cuối cùng khép lại bằng cách ghi nhận những thắc mắc của cổ đông và Sacombank sẽ trả lời trên website của Ngân hàng.

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, tất cả các cổ đông đều có thông tin về câu chuyện sáp nhập, đã được Ngân hàng chuyển tới cổ đông trước đó. Vì thế, mọi thắc mắc sẽ được lãnh đạo Ngân hàng giải đáp, nhưng do thời gian không cho phép nên HĐQT Sacombank xin phép được trả lời sau bằng văn bản.

Tuy có những băn khoăn về thương vụ sáp nhập, nhưng kết quả cuối cùng vẫn có trên 97% tỷ lệ cổ đông Sacombank đồng ý thông qua phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank.

Kế hoạch lợi nhuận và cổ tức 2014

ĐHCĐ Sacombank cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh của năm 2014, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt khoảng 3.000 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm trước là 2.800 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức Sacombank dự kiến phân phối cho cổ đông trong năm nay từ 10 - 12%.

Liên quan đến cổ tức, năm 2011, Chủ tịch HĐQT Sacombank khi đó là ông Đặng Văn Thành có nói, sẽ thưởng 14 - 15% cổ phiếu cho cổ đông. Năm 2012, cổ đông chỉ được nhận một nửa khi cổ tức chỉ có 6%. HĐQT Sacombank lý giải, năm 2011, Ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 14% và sẽ thực hiện trong năm 2012. Nhưng năm 2012, Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện Sacombank đã ảnh hưởng đến việc trả cổ tức. Mặt khác, do lợi nhuận của Sacombank giảm trong năm 2012 nên HĐQT thống nhất chỉ trả 6% cổ tức. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, năm 2013, Sacombank đã tạm ứng cổ tức 8% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu là 10% từ cổ phiếu quỹ.               

Tin bài liên quan