Tiến trình triển khai Basel II đang chậm hơn đáng kể so với kỳ vọng

Tiến trình triển khai Basel II đang chậm hơn đáng kể so với kỳ vọng

Cổ đông ngân hàng: Không chỉ là cổ tức

(ĐTCK) Trao đổi với các cổ đông nhỏ lẻ tại đại hội đồng cổ đông các ngân hàng thương mại cổ phần vừa diễn ra, Đầu tư Chứng khoán ghi nhận rằng, mối quan tâm hàng đầu của các cổ đông hiện tại không hẳn là việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu, thay vào đó là kỳ vọng về một ngân hàng hoạt động minh bạch và có phương án xử lý những tồn tại rõ ràng.

Bao giờ cho đến Basel?

Ngày 17/3/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản 1601/NHNN-TTGSNH quy định về việc lựa chọn 10 ngân hàng thử nghiệm tiến hành tuân thủ Basel II và đặt ra 2 mốc thời gian tuân thủ dự kiến là 2015 (với phương pháp tiêu chuẩn) và 2018 (với phương pháp nâng cao).

Theo đó, 10 ngân hàng đang thử nghiệm để áp dụng các tiêu chuẩn và hướng dẫn Basel II vào năm 2018 - 2020, bên cạnh một số ngân hàng không được lựa chọn những chủ động triển khai thử nghiệm Basel II.

Điều các cổ đông quan tâm đó là, nếu được triển khai và áp dụng hợp lý, Basel II sẽ giúp các ngân hàng nội địa vận hành an toàn hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và phân bổ nguồn lực tốt hơn cho các tài sản rủi ro thích hợp, nhằm đem lại lợi ích cho các ngân hàng và nâng cao lợi nhuận cho cổ đông.

Bên cạnh đó, Basel II sẽ giúp cải thiện tính minh bạch với việc đề ra các yêu cầu về công bố thông tin như hồ sơ rủi ro và chính sách quản lý rủi ro. Điều này sẽ cho phép cổ đông, nhà đầu tư có đánh giá chính xác hơn về hoạt động của ngân hàng.

Theo thông tin từ các đại hội đồng cổ đông vừa qua, để đáp ứng những yêu cầu này, các ngân hàng thương mại đã có sự chuyển biến tích cực trong việc chủ động đánh giá chênh lệch tình hình thực tại với yêu cầu của Basel II để xây dựng lộ trình triển khai và thực tế đã tiến hành một số dự án trong lộ trình. Tuy nhiên, một cổ đông chia sẻ: “Việc triển khai Basel II của một số ngân hàng dường như đang để đánh bóng hình ảnh hơn là đi vào thực chất”.

Chia sẻ về quan điểm này, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết: “Để mọi bộ phận trong ngân hàng cùng thấu hiểu việc phải triển khai Basel II và phối hợp trong việc triển khai là điều không dễ dàng. Do vậy, có thể tiến trình chưa được như kỳ vọng”.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng Giám đốc EY Việt Nam nhận định: “Do nhiều yếu tố, khi so sánh với kế hoạch ban đầu, rõ ràng tiến trình triển khai Basel II đang chậm hơn đáng kể so với kỳ vọng. Sự chậm trễ này phần nào do triển khai Basel gặp nhiều khó khăn hơn so với suy nghĩ ban đầu và đòi hỏi những động thái tích cực hơn nữa từ cả phía ngân hàng thương mại và NHNN”.   

Nợ xấu vẫn là nỗi nhức nhối

Tại Đại hội đồng cổ đông 2017, Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết, liên quan đến các khoản nợ cho vay từ 6 công ty liên quan tới “bầu” Kiên, đến nay, nợ xấu sau trích lập dự phòng là 1.500 tỷ đồng.

Năm 2016, Ngân hàng đã thu nợ được 3.000 tỷ đồng và trích lập 1.115 tỷ đồng. Trước đó, thông tin từ ban lãnh đạo ACB, thời điểm ngày 31/12/2015, tổng nợ xấu của nhóm 6 công ty này là gần 5.800 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay gần 1.900 tỷ đồng, số dư trái phiếu 2.700 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 1.200 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo một công ty quản lý quỹ, các hoạt động của ACB sẽ có những hạn chế chừng nào nợ xấu chưa xử lý được dứt điểm.

Một trường hợp tương tự là Sacombank liên quan đến thương vụ sáp nhập với Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (PNB) trước đây. Kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của Sacombank trong năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc mua lại PNB, đặc biệt là vấn đề nợ xấu sau sáp nhập. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,4% vào cuối năm 2016, mức cao nhất trong nhóm các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán và trên cả mức trung bình của toàn hệ thống.

Hay tại Eximbank, tỷ lệ nợ xấu cũng là điều khiến cổ đông lo ngại khi tăng vọt từ mức 1,86% cuối năm 2015 lên 2,95% cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, một câu chuyện cũng được cổ đông quan tâm là lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc quá lớn vào tín dụng, kể cả nhà băng lớn như BIDV hay Vietcombank. Còn đối với các ngân hàng nhỏ, lãi từ mảng tín dụng có thể chiếm đến 80 - 90%, thậm chí là bù đắp cho các hoạt động kinh doanh khác thua lỗ.

Điều này cho thấy, nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng của các ngân hàng rất khiêm tốn, trong khi lợi nhuận đến từ tín dụng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng như thời điểm hiện nay.

Tin bài liên quan