Đáng chú ý là một số công ty tài chính đã phát hành CCTG lãi suất cao ngất ngưởng để thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư. Điều này một phần do biên lợi nhuận (NIM) trong cho vay tiêu dùng của công ty tài chính khá cao.
Chẳng hạn, VietCredit vừa phát hành CCTG đợt 3 với tổng mệnh giá phát hành là 1.000 tỷ đồng; kỳ hạn 12 tháng với số tiền đầu tư chỉ từ 100 triệu đồng, lãi suất 10%/năm. VietCredit cung cấp giải pháp tài chính thông qua sản phẩm thẻ vay. Chỉ sau một năm bước chân vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng, báo cáo tại ĐCHĐ thường niên vừa qua, VietCredit cho biết, tổng dư nợ đạt hơn 500 tỷ đồng.
Đó cũng là yếu tố để VietCredit thu hút các nhà đầu tư, tổ chức lớn trên thị trường trong các đợt huy động vốn cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Các đợt phát hành CCTG của VietCredit ghi nhận sự tham gia đầu tư của 5 ngân hàng lớn, 2 công ty chứng khoán, 1 quỹ lớn và nhiều doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư hết quý I/2019 đạt hơn 900 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit, phát hành CCTG là nghiệp vụ căn bản của các công ty tài chính, giống như ngân hàng huy động vốn từ dân cư. Đợt phát hành CCTG lần này của VietCredit, Công ty sẽ có thêm kênh đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi lãi suất cao.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều ngân hàng tiếp tục phát hành CCTG để huy động nguồn vốn trung dài hạn, có nơi công bố lãi suất vượt mốc 9%/năm. Cụ thể, VietABank vừa thông báo phát hành CCTG ghi danh với mức lãi suất cao kỷ lục. Khách hàng cá nhân mua CCTG tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng sẽ được hưởng lãi suất hàng tháng 8,38%/năm, trong khi lĩnh lãi cuối kỳ lên tới 9,1%/năm.
Trước đó, một số NHTM đã phát hành CCTG với lãi suất xấp xỉ 9%/năm. Sacombank đang phát hành CCTG trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Theo đó, khách hàng mua CCTG dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) sẽ được nhận mức lãi suất 8,6%/năm. BIDV, SHB, MSB… phát hành CCTG dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để huy động vốn trung dài hạn từ thị trường, lãi suất cao nhất có thể lên tới 8,9%/năm.
Sở dĩ các nhà băng đua phát hành CCTG lãi suất cao là do khi có nhu cầu vốn tài trợ các dự án, cho vay trung, dài hạn lãi suất cao thì phải có nguồn cung để đáp ứng cầu, khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang dần được siết lại.
Thực tế, hiện vốn vay trung, dài hạn ngân hàng cung ứng cho doanh nghiệp lãi suất 10 - 12% năm, thậm chí trên mức 12%/năm, nên ngân hàng sẵn sàng huy động vốn qua kênh CCTG từ thị trường với mức lãi suất lên tới 9 - 9,5%/năm.
Dù lãi suất rất hấp dẫn, nhưng có một vấn đề là CCTG không thể thanh toán trước hạn. Đây là một công cụ đầu tư thuộc nhóm tài sản đầu tư có thu nhập cố định và thích hợp cho nhà đầu tư trung, dài hạn. Lãi suất CCTG được các ngân hàng áp dụng ở mức khá hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm, nhưng không được rút trước hạn.
Nếu có nhu cầu về vốn mà giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán, người mua CCTG có thể “cầm cố” giấy tờ có giá này để vay vốn, song lãi suất cho vay lại sẽ cao hơn lãi suất mà ngân hàng trả cho người mua CCTG.
Như vậy, lợi tức cao của giấy tờ có giá này sẽ giảm đi rất nhiều nếu khách hàng thực hiện việc cầm cố CCTG để vay. Trường hợp khách hàng cầm cố CCTG, tỷ lệ cho vay/mệnh giá CCTG sẽ được tính theo quy định của ngân hàng về cho vay cầm cố. Bởi vậy, theo một chuyên gia tài chính, người mua CCTG cần tính toán kỹ, chỉ nên mua khi đã kế hoạch hóa được việc sử dụng vốn của mình.
Đồng thời, người mua nên nắm rõ mức lãi suất cho vay nếu ngân hàng quy định chỉ có thể rút vốn bằng cách cầm cố giấy tờ có giá để vay lại tiền hoặc mức lãi suất thanh toán trước hạn nếu được phép thanh toán trước.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, không quốc gia nào như Việt Nam khi nguồn vốn của doanh nghiệp và vốn trung dài hạn vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngân hàng. Trong khi đó, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn và thực trạng này tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Để giảm phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng và giảm sức ép lên hệ thống ngân hàng thì cần phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Làm được điều này, mặt bằng lãi suất mới có thể giữ ổn định và không chịu áp lực.