Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nói gì trước ĐHCĐ của Ngân hàng

Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nói gì trước ĐHCĐ của Ngân hàng

(ĐTCK) Chính thức tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí quản lý ở LienVietPostBank nhưng ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết: “Dù tôi có bàn giao chức Chủ tịch HĐQT nhưng tôi vẫn là cổ đông lớn và tiếp tục làm cố vấn cao cấp cho HĐQT LienVietPostBank… Trong tương lai, nếu giá cổ phiếu LienVietPostBank xuống, ai bán-tôi mua”.

Điều mà thị trường quan tâm trong thời gian qua là sức khỏe của người đứng đầu LienVietPostBank như thế nào, ông có thể chia sẻ được không?

6 tháng liên tục nằm bệnh viện Việt Nam và quốc tế để chữa bệnh là kết quả của những chuyến công tác di chuyển liên tục; của những ngày làm việc và xử lý công việc thâu đêm suốt sáng rồi tiếp khách... trong nhiều năm khiến gan, phổi và cả cột sống của tôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay, sức khoẻ của tôi tuy có ổn hơn nhưng vẫn cần thời gian theo dõi, điều trị.

Khi trẻ, khi say mê với công việc thì dù có biết sức khỏe là vốn quý, nhưng chưa rơi vào tình trạng “nằm bẹp trên giường bệnh” thì khó thẩm thấu, ngộ ra được triết lý “sức khỏe là vàng - có sức khỏe là có tất cả”.

Dù sao tôi cũng may mắn là “sáng mắt” khi nhận ra rằng “giường bệnh là cái giường đắt giá nhất trên đời” nên qua nửa đời phiêu bạt, tôi ngộ ra rằng, ở đời, trong mọi lĩnh vực nên cố gắng nhưng phải biết đủ-biết dừng bởi không có ai tên là... “cố” vì “cố quá” là... “quá cố-chết”.

Từ đầu năm nay, ông cũng đã thông điệp dần về việc sẽ rời vị trí quản trị LienVietPostBank trong ĐHCĐ tới, nhưng đây cũng là thời điểm tròn 10 năm hoạt động của LienVietPostBank. Điều này có khiến ông luyến tiếc?

Có ngậm ngùi, có lưu luyến nhưng... không tiếc. Bởi đối với riêng cá nhân tôi, tôi tự hào về những thành quả LienVietPostBank đã đạt được trong 10 năm qua và cũng tự hào về những dấu ấn tôi đã nỗ lực và tâm huyết vì “đứa con tinh thần” này.

LienVietPostBank như “đứa con” từng bước trưởng thành của các cổ đông sáng lập chúng tôi! 10 năm đầy những kỷ niệm dâng trào cùng những bước đi cao thấp đầy sóng gió, những sự kiện trọng đại mà LienVietPostBank trải qua, trong đó không ít sự kiện xuất phát từ những ý tưởng đột phá của tôi được HĐQT và tất cả tập thể mỗi người một tay cùng gánh vác đi đến thành công.

10 năm quấn quýt với LienVietPostBank in đậm nhiều thời khắc thiêng liêng khó tìm lại được và lại sắp chạm đến một thời khắc nữa mà cả tôi và toàn thể LienVietPostBank không muốn có. Nhưng cuộc sống là vậy. Hợp rồi sẽ tan, quan trọng là sống mãi trong ta những thời khắc lắng đọng tình người.

Nói ngắn gọn về hành trình đã qua cũng như triển vọng trong tương lai, ông sẽ nói gì?

LienVietPostBank 10 + 17 + 50. Đó là lời chúc của tôi đối với LienVietPostBank: ngây thơ, trong sáng, chân thật như một chú bé 10 tuổi; có sức mạnh “bẻ gãy sừng trâu” của một anh thanh niên 17 tuổi; có kinh nghiệm “quá nửa đời phiêu bạt” của một người tuổi 50.

Ra đời năm 2008, thời điểm hầu hết các ngân hàng gặp khó khăn do thanh khoản, lạm phát, chứng khoán, bất động sản... và ảnh hưởng của cơn bão tài chính toàn cầu, nhưng với quyết tâm của HĐQT, ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên, LienVietBank đã rất tự tin trước sức mạnh của một ngân hàng trẻ.

Áp dụng “chiến lược quản lý khủng hoảng”, tận dụng cơ hội “kinh doanh trong khủng hoảng” và phát huy lợi thế của người sinh sau và sinh ra trong thời buổi khó khăn, thay vì “sốt ruột” thì chúng tôi bước đi thận trọng.

“Cái khó ló cái khôn”, đứng trước nhiều nguy cơ, nhưng tôi luôn tâm niệm một điều là trong “nguy” có “cơ” và tìm con đường đi cho riêng mình. LienVietBank đã thể hiện tốt kỹ năng và bản lĩnh ngay từ những ngày đầu thành lập.

Và cuộc “se duyên” giữa LienVietBank với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) vào năm 2011 đã cho ra đời Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đầu tiên tại Việt Nam để 2 thương hiệu, triệu giá trị và cùng “cộng sinh, cộng lực, cộng hưởng” mang lại lợi ích cho nhiều bên và xã hội.

Với tầm nhìn trở thành Ngân hàng của mọi người, chúng tôi đã “lùi một bước” để “tiến ba bước”, đầu tư chi phí cho phát triển mạng lưới. Tuy chưa đủ, nhưng “10 tuổi” đã phủ sóng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch trên 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, kết hợp với quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện, LienVietPostBank trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng TMCP Việt Nam.

Thương hiệu LienVietPostBank đi vào lòng người, trở thành “cái hiệu được thương” không chỉ bởi dấu ấn trong kinh doanh, mà những hoạt động an sinh xã hội, từ thiện... tích cực trong suốt 10 năm qua, cũng thực sự đã “gắn xã hội trong kinh doanh”, nâng cao trách nhiệm xã hội của LienVietPostBank và cán bộ nhân viên LienVietPostBank.

Thương hiệu “Hưởng Liên Việt” được mọi người ưu ái đặt cho tôi cũng là dấu ấn kỷ niệm 10 năm. Có Minh Him Lam (nay là Minh Sacombank) mới có Hưởng Liên Việt, cặp bài trùng “Minh Him Lam - Hưởng Liên Việt” đã tạo tiền đề để LienVietPostBank trong 10 năm qua bước đi những bước đường ấn tượng, 10 năm bằng các ngân hàng khác 20 năm, 30 năm... Thật tự hào LienVietPostBank.

Rời khỏi LienVietPostBank, ông có nghĩ để lại một khoảng trống nào đó?

Tròn 10 năm công tác ở LienVietPostBank và tạm thời chia tay LienVietPostBank đúng thời điểm Ngân hàng tròn 10 tuổi, nhưng là tuổi của một người trưởng thành 3 trong 1 (10 + 17 + 50).

Nghĩa là tôi chuyển giao chức Chủ tịch HĐQT vào đúng thời điểm hưng thịnh nhất của LienVietPostBank nên “khoảng trống” nếu có thì không nhiều, chỉ có những khoảng lặng lưu luyến, bùi ngùi, lắng đọng tình người. Nhưng chỉ tạm xa, nên rất gần.

Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nói gì trước ĐHCĐ của Ngân hàng ảnh 1

 Ông Nguyễn Đức Hưởng trả lời báo chí trong ngày LienvietPostBank lên sàn UPCoM.

Và cũng có nhiều phóng viên báo đài hỏi tôi về những kế hoạch, ý tưởng, mục tiêu của tôi tại LienVietPostBank có dở dang? Tôi nghĩ rằng, ước mơ luôn tròn trĩnh, chúng ta luôn cố gắng đạt được từng điều ước mỹ mãn, nhưng sự tròn chĩnh thì luôn trong mơ, luôn có sự dang dở... để mỗi chúng ta biết mơ tiếp mới hay mới đẹp. Và đến lúc nào đó chúng ta phải nghĩ đến phương châm “biết đủ-biết dừng”.

Chính vì vậy, khi nghĩ về điều “dang dở” ở LienVietPostBank, tôi nghĩ rằng “dang”... thì có, mà “dở”... thì không. Tất cả những ước mơ của tôi, các bạn LienVietPostBank sau này sẽ tiếp tục làm nên hiện thực ngày một tốt hơn.

Sở hữu gần 5% cổ phần - là cổ đông lớn, ông có thể cho biết về khả năng thay đổi tỷ lệ này trong tương lai gần không?

Tôi và những người liên quan có sở hữu lượng cổ phiếu không nhỏ ở LienVietPostBank. Và như tôi đã tâm sự ở trên, dù tôi có bàn giao chức Chủ tịch HĐQT, nhưng vẫn là cổ đông lớn và tiếp tục làm cố vấn cao cấp cho HĐQT LienVietPostBank.

Đó chính là tuy xa nhưng vẫn gần. Và tôi cũng là nhà đầu tư nên tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu có thể trồi, sụt tạm thời, nhưng lâu dài tôi sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại LienVietPostBank, không đơn thuần bởi sự gắn bó với “đứa con tinh thần”, mà vì sự trưởng thành và khả năng sinh lời của cổ phiếu LienVietPostBank rất tiềm năng. Trong tương lai, nếu giá cổ phiếu LienVietPostBank xuống, ai bán-tôi mua.

LienVietPostBank và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung đang bước vào giai đoạn hồi phục và khởi sắc sau khó khăn. Ông nhìn về tương lai của hệ thống như thế nào?

Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, nhưng đúng là thời điểm này đang phục hồi và khởi sắc thực sự.

Điều cốt lõi là năm 2017, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo vận hành chính sách tiền tệ uyển chuyển thành công, đặc biệt là đã gỡ được những “nút thắt hóc búa” bằng những “bài học kinh điển” tạo dấu ấn đặc biệt cho hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trong đó, phải kể ra giải pháp luật hóa những vấn đề tưởng rằng không bao giờ giải quyết được những tảng băng chìm về “cục máu đông” nợ xấu, hay tháo gỡ những cơ chế “bòng bong” vướng mắc nhiều thời kỳ trước đây đã biến ngân hàng trở thành “người hành khất” đứng cho vay-quỳ thu nợ...

Đúng là tương lai hệ thống ngân hàng đang khởi sắc, nhưng chúng ta không được mải mê trong chiến thắng, vì hoạt động ngân hàng thương mại nói chung rất nhạy cảm và vận hành theo quy luật thị trường, nên khi kinh tế càng khởi sắc thì nguy cơ rủi ro đến với hệ thống ngân hàng càng cao.

Quy luật đào thải luôn luôn hiện diện và đã là bong bóng thì trước sau cũng xẹp. Vì vậy, chúng ta phải biết nhìn xa trông rộng với các hiện tượng bong bóng đã và đang hình thành để có đối sách và quản trị rủi ro phù hợp. Hoạt động kinh doanh ngân hàng “lo xa không bao giờ... thừa”.

Tin bài liên quan