Các dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank đang dần khẳng định giá trị, được khách hàng lựa chọn sử dụng và đánh giá cao

Các dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank đang dần khẳng định giá trị, được khách hàng lựa chọn sử dụng và đánh giá cao

Chủ động thay đổi một cách thông minh trước làn sóng Fintech

(ĐTCK) Nhạy bén, nắm bắt xu thế phát triển công nghệ với sự bùng nổ của điện thoại thông minh và thương mại điện tử, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các Fintech, Agribank đã thực hiện phương án mở rộng và nâng cao hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin của mình. 

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Minh Phương, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, con tàu lớn Agribank sẽ không bị lấn án trước làn sóng Fintech, thay vào đó mượn sức nước để tiến xa hơn. 

Trước đây, nhắc tới Fintech, chúng ta hình dung rằng đó là công ty ứng dụng công nghệ để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ trong ngành tài chính. Tuy nhiên, hiện tại, khái niệm Fintech đang biến đổi theo hướng, đưa một định chế tài chính thành một công ty công nghệ để cung ứng dịch vụ tài chính, tức là có sự thay đổi cốt lõi từ mô hình kinh doanh. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Fintech có hai thế mạnh lớn, một là công nghệ phát triển nhanh với nhiều ý tưởng liên quan đến dịch vụ tài chính. Hai là có mạng lưới tiếp cận trực tiếp với khách hàng bao gồm cả người mua và người bán. 2 thế mạnh này tạo nên một chu trình khép kín Hàng - Tiền - Hàng.

Trong đó, công cụ thanh toán trong giao dịch điện tử được ngân hàng bảo lãnh, các khách hàng trao đổi hàng hóa cùng kết nối trung chuyển qua Fintech, từ đó tạo xu hướng các dịch vụ ngân hàng dần được Fintech cung ứng. Suy cho cùng, điều khách hàng thực sự cần là hàng hóa dịch vụ và một công cụ thanh toán hữu hiệu mà thôi.

Hiện nay, công nghệ hiện đại và sự phổ cập thiết bị thông minh giúp việc trao đổi tiền và các tài sản khác trở nên dễ dàng, minh bạch, an toàn, dễ giám sát hơn…

Các công ty Fintech – đơn vị trung gian tài chính, nắm trong tay công nghệ và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng nên dịch vụ nhanh chóng được ưa chuộng. Việc các công ty Fintech cung cấp dịch vụ ngân hàng có thể trở thành xu thế tất yếu trong tương lai. Điều này có thể tác động lớn đến mô hình kinh doanh của ngân hàng thương mại. Theo tôi, một số thay đổi có thể diễn ra như sau:

Thứ nhất, chuyển mô hình kinh doanh từ thực thể ngân hàng là một tổ chức tài chính, cho vay và huy động vốn, có bảng cân đối kế toán sang một tập hợp các hoạt động ngân hàng bao gồm dịch vụ ngân hàng cá nhân, tổ chức doanh nghiệp, đầu tư, bảo hiểm, tài trợ thương mại, quản lý danh mục đầu tư… 

Thứ hai, thay đổi kiến trúc công nghệ hệ thống Corebank theo module (dạng thức) dịch vụ, đa kênh, chuyển quan hệ của các module xoay quanh tài khoản, bảng cân đối tài chính sang trọng tâm là khách hàng. Đây là một cách tiếp cận tiến bộ, ưu việt hơn hẳn so với cách thức cung cấp dịch vụ truyền thống, thường chú trọng tới người cung cấp dịch vụ hơn là người nhận dịch vụ và nhu cầu của họ.

Thứ ba, quầy giao dịch sẽ được tinh giản, chuyên nghiệp hơn. Trong đó, xác định nhiệm vụ tập trung là thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ với khách hàng, xác thực khách hàng, thu chi tiền mặt, giao dịch những món vượt hạn mức của kênh giao dịch điện tử.

Thứ tư, tạo sự khác biệt qua các dịch vụ giá trị gia tăng bằng cách cung cấp dịch vụ và sản phẩm khác biệt và tiện dụng, theo đúng thị hiếu của từng nhóm khách hàng nhằm bao quát đến càng nhiều đối tượng khách hàng càng tốt.

Thứ năm, có chiến lược thông minh và tăng cường hiệu quả liên kết với các công ty tài chính để tiếp cận khách hàng tốt hơn. Từ đó, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để đa dạng hóa dịch vụ, tăng được doanh thu trong ngắn hạn. Trong dài hạn cần phải xây dựng được tập hợp khách hàng truyền thống, từ đó phát triển bán chéo sản phẩm dịch vụ, thu phí duy trì dịch vụ tạo dòng tiền ổn định cho ngân hàng. 

Như vậy, việc ngân hàng kết hợp với Fintech sẽ tận dụng được lợi thế của các bên nhằm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng?

Ở một khía cạnh nào đó, Fintech sẽ là cánh tay nối dài của ngân hàng, trong đó, nhà băng sẽ tập trung làm tốt vai trò lõi, Fintech sẽ có nhiều sản phẩm, dịch vụ sáng tạo phục vụ nhanh chóng cả nhu cầu tài chính và phi tài chính của khách hàng. Ngân hàng thương mại nên coi Fintech là đối tác phối hợp đầu tư để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Tại Agribank, chúng tôi nhận thức được rằng, khách hàng mong muốn có nhiều lựa chọn về dịch vụ ngân hàng để đáp ứng tối đa nhu cầu của họ mọi lúc mọi nơi. Khách hàng cũng mong muốn quy trình thực hiện giao dịch nhanh chóng, đơn giản, xuyên suốt trên tất cả các kênh giao dịch phổ biến như giao dịch trên điện thoại truyền thống, trên điện thoại thông minh, máy tính bàn, máy tính bảng, tivi thông minh, máy ATM thông minh hay giao dịch tại quầy tiện ích... Tuy nhiên, các giao dịch này phải được xử lý trên môi trường bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và an toàn tài chính khách hàng.

Fintech chính là động lực thúc đẩy quá trình cải tổ, cải cách của ngành ngân hàng 

Do đó, Agribank đã và đang tập trung nghiên cứu triển khai đề án tổng thể, nhất quán, không chỉ là chiến lược đầu tư vào công nghệ thông tin, hạ tầng bảo mật mà còn bao gồm chuyển đổi mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm, đào tạo và phát triển nhân sự theo hướng chuyên nghiệp hóa dịch vụ, đơn giản hóa các quy trình, các kênh phân phối nhằm hỗ trợ khách hàng lựa chọn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng tốt nhất, phù hợp với từng yêu cầu đặc thù của khách hàng.

Trong tương lai gần, khách hàng có thể sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của Agribank mọi lúc, mọi nơi với quy trình thực hiện giao dịch nhanh chóng, đơn giản, an toàn xuyên suốt trên tất cả các kênh giao dịch hiện đại và truyền thống. Đồng thời, chúng tôi cũng đã và đang đầu tư các giải pháp quản lý rủi ro và bảo mật toàn diện nhằm chủ động quản lý các loại rủi ro mới phát sinh, bảo đảm an toàn thông tin, tài chính cho khách hàng, phù hợp với các quy định pháp lý của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng Fintech đang tạo áp lực lên ngành tài chính - ngân hàng truyền thống? Ông có cho rằng, công ty Fintech có thể lấn át nhà băng?

Ngân hàng truyền thống có đặc điểm mang tính cơ cấu hiện hữu như trụ sở, địa điểm, giao dịch viên thực hiện các nghiệp vụ giao dịch và tiếp nhận thông tin từ khách hàng trực tiếp. Như vậy khách hàng phải tới quầy giao dịch và giao dịch chỉ dừng ở khía cạnh trao đổi công cụ thanh toán chủ yếu là tiền mặt, hoặc những giấy tờ có giá được ngân hàng bảo lãnh.

Trong khi đó, Fintech cung cấp hạ tầng công nghệ và kết nối giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng, họ ứng dụng công nghệ số tạo nên thế giới phẳng, làm thay đổi yếu tố vật lý trước kia là giao dịch phải đến quầy thực hiện, sử dụng tài khoản, chứng từ giao dịch hoặc tiền mặt.

Ngày nay, khách hàng chỉ cần ở nhà là có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến. Ngân hàng với các hoạt động tài chính và yếu tố hữu hình có thể sẽ dần bị thu hẹp, khi đó Fintech là đơn vị trung gian nắm rõ nhu cầu khách hàng để cung cấp dịch vụ đa dạng, hợp thị hiếu; từ đó sẽ tạo áp lực thị phần lên các ngân hàng truyền thống.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, tác động của Fintech chính là động lực thúc đẩy quá trình cải tổ, cải cách của ngành ngân hàng. Vấn đề là các ngân hàng thương mại cần phải thực sự nhạy bén, nhận thức rõ vấn đề và chủ động có chiến lược thay đổi một cách thông minh và hiệu quả. Ngân hàng thương mại sẽ trở thành bên bảo lãnh thanh toán và cung cấp dịch vụ hoán đổi công cụ thanh toán. Ví dụ từ tiền điện tử sang tiền mặt, giấy tờ có giá…

Nhìn chung, chúng tôi không sợ áp lực từ các công ty Fintech, mà trái lại luôn sẵn sàng tìm cơ hội hợp tác với họ để cung cấp các dịch vụ ngân hàng tốt nhất cho khách hàng. Tại một số nước trên thế giới, các công ty Fintech đã và đang sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, cung cấp phương thức và kênh cung cấp dịch vụ tài chính mới. Bên cạnh đó, các công ty Fintech cũng đang cung cấp các dịch vụ tài chính bổ sung cho nhóm khách hàng có các yêu cầu đặc thù và nhóm khách hàng chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đây là những bổ trợ cho ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ đa dạng cho nhiều nhóm khách hàng khác nhau.

Tuy nhiên, tại Agribank, quản lý rủi ro, bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin và an toàn tài chính khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, việc hợp tác với các công ty Fintech được chúng tôi quan tâm xem xét một cách tổng thể và thận trọng.

Là ngân hàng có độ phủ lớn nhất trong hệ thống, Agribank gặp thuận lợi và khó khăn gì khi ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ tài chính?

Agribank là một trong số các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, có mạng lưới rộng nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại, số lượng khách hàng truyền thống rất lớn, đây là một lợi thế khó ngân hàng nào có được. Chúng tôi luôn quan tâm, khai thác một cách hiệu quả thế mạnh này. Và để làm được điều đó thì ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng luôn có vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thiếu được.

Trong quá trình áp dụng công nghệ mới, Ngân hàng nhận thấy có nhiều thuận lợi, đi kèm với đó là những thách thức cần đối mặt.

Theo đó, thuận lợi lớn nhất là thương hiệu Agribank đã được khẳng định suốt 30 năm qua. Ban lãnh đạo Ngân hàng qua các thời kỳ luôn quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, từ việc ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư, mô hình bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Mặt khác, với số lượng khách hàng lớn và lợi thế về thị phần vươn tới vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa - nơi dân số chiếm đến 69%, là một tiềm năng để Agribank mở rộng thị phần dịch vụ sử dụng mạng lưới của mình.

Bên cạnh đó, các dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank đang dần khẳng định giá trị, được hàng triệu khách hàng tin tưởng lựa chọn sử dụng và đánh giá cao. Thời gian qua, số lượng triển khai dịch vụ giao dịch điện tử liên tục tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Ngoài ra, Agribank còn một số lượng khá lớn khách hàng vẫn chỉ sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống mà chưa có nhu cầu hoặc chưa thực sự quan tâm tìm hiểu tiếp cận và sử dụng sản phẩm dịch vụ hiện đại, chưa kể một bộ phận người dân vẫn chưa mở tài khoản tại ngân hàng. Nếu có giải pháp khai thác phù hợp, đây sẽ là lực lượng người dùng tạo sự chuyển biến về áp dụng công nghệ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi đó, những khó khăn mà Agribank gặp phải có thể kể tới như:

Thứ nhất là đầu tư cho hệ thống công nghệ rất tốn kém và phải có lộ trình triển khai phù hợp. Mạng lưới hoạt động rộng thì hệ thống công nghệ cũng lớn tương xứng nên việc quản trị như thế nào để đảm bảo an toàn, ổn định, đồng thời thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ mới là một thách thức rất lớn.

Thứ hai, khi công nghệ thay đổi sẽ tác động vào phương thức quản lý, cấu trúc doanh nghiệp và con người, vì công nghệ nào thì cũng cần nhân sự vận hành và quản lý phục vụ hoạt động kinh doanh. Một con tàu lớn chất đầy hàng hóa khi điều khiển trên biển sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với với một thuyền buồm bé nhỏ dễ dàng lướt sóng. Tuy chúng tôi có lợi thế về quy mô, độ ổn định, sự chắc chắn và bề dày truyền thống 30 năm hoạt động, nhưng đồng thời cũng sẽ khó có thể thay đổi nhanh chóng về công nghệ như các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hơn.

Thứ ba, với số lượng khách hàng rất lớn như Agribank, việc triển khai các công nghệ mới để phân tích nhu cầu khách hàng, hỗ trợ ra quyết định nhanh đáp ứng như cầu ngay càng cao của khách hàng là một thách thức lớn. Sản phẩm phải đa dạng, có sự khác biệt và tiện dụng, nhắm đúng thị hiếu của từng nhóm khách hàng và bao quát đến càng nhiều đối tượng khách hàng càng tốt. Do đó, khối lượng khách hàng lớn thì việc xây dựng sản phẩm và áp dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ, hiệu quả là thách thức không nhỏ.

Theo ông, đâu là giải pháp cho những vấn đề này?

Để chủ động trong đề án hiện đại hóa ngân hàng, Hội đồng Thành viên Agribank đã phê duyệt chiến lược công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung vào triển khai các sáng kiến chiến lược và giải pháp công nghệ thông tin tổng thể nhằm cung cấp cho khách hàng các dịch vụ ngân hàng tốt nhất, phù hợp với từng yêu cầu đặc thù của khách hàng, mọi lúc, mọi nơi, chủ động quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn thông tin, an toàn tài chính cho khách hàng và phù hợp với các quy định pháp lý của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Một số giải pháp chúng tôi đã và đang triển khai trên toàn hệ thống như: Nghiên cứu xây dựng hệ thống đa kênh tích hợp, ứng dụng nền tảng cơ sở dữ liệu lớn nhắm tới phân tích đầy đủ hành vi và nhu cầu của khách hàng, liên kết các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng với trọng tâm là khách hàng.

Thông qua kênh điện tử, người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi qua lại tài sản tại các sản phẩm dịch vụ đang sử dụng, ví dụ từ dịch vụ đầu tư về dịch vụ thanh toán, từ dịch vụ thanh toán sang các dịch vụ tiền gửi trực tuyến... Phát triển những gói dịch vụ ứng dụng công nghệ số có hạn mức giao dịch tài chính và đối tượng khách hàng phù hợp.

Bên cạnh đó, nhắm tới khách hàng cá nhân mới sử dụng dịch vụ, người trẻ tuổi là sinh viên, người mới đi làm có sử dụng thiết bị đầu cuối là máy tính, điện thoại thông minh để tập trung tư vấn sử dụng dịch vụ E-Mobile, Internet Banking; xây dựng chiến lược tăng tỷ trọng giao dịch bằng cách hướng khách hàng tới các gói dịch vụ có hạn mức phù hợp; đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng những gói dịch vụ gia tăng đã xác định trước người thụ hưởng như thanh toán hóa đơn điện/nước, thuế điện tử, tài khoản người thân,v.v...

Đồng thời, cải cách thủ tục và phương thức tiếp cận khách hàng; triển khai liên kết và mở kênh kết nối tài chính tới những doanh nghiệp, cá nhân cung cấp và vận chuyển hàng hóa, từ đó xây dựng đầy đủ một chu trình khép kín về mua và bán hàng giữa ba bên (bên bán hàng, vận chuyển hàng, bên mua hàng). Các bên tham gia đều sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt với nhau qua dịch vụ điện tử của ngân hàng.

Agribank tăng cường liên kết với các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán để mở rộng tiếp cận với khách hàng; thực hiện đa dạng sản phẩm của ngân hàng thông qua việc hợp tác với các tổ chức cung cấp dịch vụ như bảo hiểm, y tế, giáo dục, năng lượng, nhu yếu phẩm... để đa dạng nguồn cung dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng. Từng bước đưa hình thái giao dịch điện tử không sử dụng tiền mặt để xã hội hóa hình thức giao dịch này, trong đó có sự chấp nhận giao dịch điện tử của những cơ quan chính phủ như cơ quan thuế, hải quan, kho bạc…

Cuối cùng, rủi ro lớn nhất trong giao dịch thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử là gian lận khi yếu tố xác thực không đảm bảo, phòng chống rửa tiền... Những rủi ro này sẽ được giảm thiểu khi sử dụng hạn mức giao dịch hợp lý, tăng tỷ trọng giao dịch với những giao dịch tường minh như đã được đề cập.

Trong thời gian qua Agribank đã quan tâm đầu tư cho công nghệ nói chung, bao gồm cả hoạt động hợp tác với Fintech. Ông có thể chia sẻ về những kết quả đến thời điểm hiện tại?

Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn nên việc đầu tư vào công nghệ phải luôn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định hiện hành của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước và nội bộ Agribank. Việc thực hiện vừa phải đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ngay từ tháng 12/2015, chúng tôi phối hợp với đơn vị tư vấn quốc tế PWC (PricewaterhouseCoopers) đã hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng và được Hội đồng thành viên phê duyệt chiến lược phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, giải pháp, kế hoạch triển khai và lộ trình thực hiện được chuẩn bị một cách khá đồng bộ và bài bản.

Bên cạnh duy trì và phát triển đầu tư công nghệ, chúng tôi chuẩn bị những kế hoạch đầu tư theo chiến lược bao gồm kế hoạch phát triển sản phẩm dịch vụ và chiến lược phát triển công nghệ ngắn, trung và dài hạn.

Vì vậy, việc đầu tư công nghệ mới được thực hiện theo định hướng rất rõ ràng và luôn được Ban lãnh đạo Agribank đặc biệt quan tâm. Chúng tôi xác định nếu không có công nghệ hiện đại hỗ trợ giúp sức thì không thể hoạt động kinh doanh tốt, nhất là khi số lượng khách hàng lớn, thị phần tiềm năng đang mở rộng thêm.

Ngoài ra, Agribank cần khai thác tốt hơn nữa thế mạnh mạng lưới rộng, cơ sở khách hàng lớn. Điều cần làm là nắm bắt được nhu cầu của khách hàng thông qua việc phân tích dữ liệu, hành vi… Những việc này, ứng dụng công nghệ với trí tuệ nhân tạo sẽ làm tốt hơn phương pháp truyền thống.

Hiện nay, Agribank đang có quan hệ hợp tác tốt với một số công ty Fintech hàng đầu Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động và đã thực hiện kết nối công nghệ để phục vụ khách hàng. Hàng năm, thị phần khách hàng đang có sự tăng trưởng khả quan, doanh số thanh toán cũng tăng rất ấn tượng.

Ngoài Fintech, Agribank đang cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng một cách đa dạng cho hàng trăm ngàn tổ chức, khách hàng doanh nghiệp là các tổng công ty, nhà cung cấp dịch vụ công như bảo hiểm, điện, nước, y tế... 

Làm được điều này một phần là nhờ đầu tư công nghệ phù hợp và có chiến lược hoạt động kinh doanh đúng hướng. Định kỳ, chúng tôi đều có đánh giá về tăng trưởng dịch vụ và lợi nhuận mang lại trong lĩnh vực này, mức độ tăng trưởng hàng năm rất tốt, góp tỷ trọng ngày càng lớn trong kết quả hoạt động kinh doanh của Agribank.

"Lắng nghe khách hàng, thu về quả ngọt"

Ông Nguyễn Minh Phương, Phó tổng giám đốc Agribank

Công nghệ càng hiện đại, người dùng càng mong muốn có nhiều lựa chọn về dịch vụ ngân hàng để đáp ứng tối đa nhu cầu của họ mọi lúc mọi nơi.

Bên cạnh đó, quy trình thực hiện cần nhanh chóng, đơn giản, xuyên suốt trên tất cả các kênh giao dịch phổ biến như giao dịch trên điện thoại truyền thống, trên điện thoại thông minh, máy tính bàn, máy tính bảng, tivi thông minh, máy ATM thông minh hay giao dịch tại quầy tiện ích...

Đồng thời, phải được xử lý trên môi trường bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và an toàn tài chính khách hàng.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, Agribank đã kịp thời, nhanh chóng có những thay đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, kết hợp với các Fintech, để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tiện ích bậc nhất.

Là ngân hàng có hệ thống mạng lưới lớn nhất Việt Nam với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, Agribank hiện cung cấp ra thị trường hơn 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại, như Mobile Banking, Agribank E-Mobile Banking, Apaybill, Vntopup, Bankplus…. Và việc ứng dụng công nghệ vào cung cấp các sản phẩm tài chính tại Agribank đã đạt được những kết quả vô cùng khả quan.

Theo đó, tổng thu dịch vụ toàn hệ thống Agribank năm 2016 tăng 19,2% so với 2015, đạt hơn 3.640 tỷ đồng; trong đó dịch vụ E-banking tăng trưởng gần 33% với nhiều tiện ích được khách hàng yêu thích như: SMS thông báo biến động số dư tài khoản, SMS nhắc nợ tiền vay… Các dịch vụ Agribank E-Mobile Banking, Apaybill, Vntopup, Bankplus… cũng tăng đều về số lượng giao dịch, giá trị giao dịch cũng như phí dịch vụ thu. E-banking tăng trưởng nhanh, ổn định và rõ ràng đang trở thành nguồn thu ngày càng lớn trong cơ cấu thu dịch vụ của Agribank. Các dịch vụ, tiện ích phát triển mới đã góp phần đa dạng sản phẩm dịch vụ Agribank, tăng tiện ích dịch vụ tài khoản thanh toán, phát triển các kênh phân phối hiện đại.

Triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2016 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, Agribank đã chủ động triển khai ký kết với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực nông thôn, bảo hiểm xã hội… để thanh toán, trợ cấp xã hội qua thẻ ghi nợ nội dịa.

Tổng thu dịch vụ thẻ của Agribank năm 2016 tăng 22% so với năm 2015, với tổng số lượng thẻ phát hành lũy kế đến hết năm 2016 đạt 19,2 triệu thẻ, chiếm 18% thị phần về phát hành thẻ toàn thị trường. Doanh số thanh toán thẻ qua EDC/POS và ATM đạt 348,1 ngàn tỷ đồng (tăng 17%). Doanh số sử dụng thẻ đạt 302,4 ngàn tỷ đồng (tăng 10%). Số lượng ATM đạt 2.500 máy; số lượng ADC/POS đạt 15.750 thiết bị (tăng 30%).

Nhạy bén nắm bắt xu thế phát triển công nghệ điện thoại thông minh và thương mại điện tử, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các Fintech, Agribank đã thực hiện phương án mở rộng và nâng cao hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin của mình.

Theo đó, Agribank đã triển khai thành công các dự án về Trung tâm dữ liệu, máy chủ, cơ sở dữ liệu, mạng truyền thông; hoàn thành nâng cấp hệ thống Internet Banking hỗ trợ các chức năng chuyển khoản, tiết kiệm điện tử, hệ thống thu ngân sách nhà nước qua Internet, hệ thống thanh toán song phương với Kho bạc nhà nước và các ngân hàng; tăng cường an toàn, bảo mật hoàn thiện và ban hành các quy trình, tổ chức đào tạo bổ sung kiến thức, thực hiện kiểm toán đồng bộ định kỳ về công nghệ thông tin.

Tin bài liên quan