Sacombank đã có thông báo lùi thời gian tổ chức ĐHCĐ sang ngày 26/5, thay vì ngày 28/4 như dự kiến ban đầu

Sacombank đã có thông báo lùi thời gian tổ chức ĐHCĐ sang ngày 26/5, thay vì ngày 28/4 như dự kiến ban đầu

Chờ thông tin từ số ít ngân hàng chưa đại hội

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng đang dần đi qua, với cao điểm là tháng 4 khi đa phần các nhà băng đã tiến hành đại hội để trình cổ đông thông qua kế hoạch hành động năm 2017. Thế nhưng, bên cạnh đó, vẫn có một số ngân hàng đến nay chưa có động tĩnh.

Saigonbank là một trong các nhà băng chưa tiến hành ĐHCĐ, dù đã có thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 27/3 để tiến hành đại hội thường niên năm 2017, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4. Thế nhưng, đến nay, Ngân hàng vẫn chưa tiến hành ĐHCĐ, cũng như chưa thông báo thời gian cụ thể.

Trong năm 2016, Saigonbank chưa thể thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức trên 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng như đã trình ĐHCĐ thông qua từ năm 2014 - 2015, dù đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Trong khi đó, Vietinbank đã tiến hành thoái vốn tại SaigonBank, giảm sở hữu từ 10,39% xuống 4,91%.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng nhắc nhở Saigonbank một khi đưa ra kế hoạch tăng vốn phải có giải pháp để đạt được. Tuy nhiên, đây là thách thức mà Ngân hàng chưa thể vượt qua.

Dù không nằm trong danh sách tái cấu trúc bắt buộc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, song với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn cùng sức cạnh tranh trên thị trường hạn chế, Saigonbank buộc phải từng bước đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc để có thể tồn tại và nâng cao tiềm lực tài chính.

Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ hiện nay chỉ trên 3.000 tỷ đồng và nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn, ngay cả việc tái cơ cấu cũng là vấn đề khó với Saigonbank.

Trước đây, Saigonbank được cho là sẽ sáp nhập vào Vietcomank và sớm trình ĐHCĐ thông qua. Tuy nhiên, thương vụ này không thành do cổ đông lớn của Ngân hàng là Thành ủy TP. HCM không đồng ý sáp nhập và muốn tự tiến hành tái cơ cấu.

Saigonbank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ

Kết thúc năm 2016, Saigonbank đạt lợi nhuận thuần trước thuế (trước dự phòng rủi ro) là trên 310 tỷ đồng, nhưng sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức hơn 174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 140 tỷ đồng. Trong bối cảnh này, liệu Ngân hàng có tránh được vòng xoáy M&A?

Ngoài Saigonbank, một số nhà băng khác cũng chưa tiến hành ĐHCĐ thường niên 2017 như VPcombank, Sacombank. Với Vpcombank, năm 2016, nhà băng này đến gần cuối tháng 6 mới tiến hành đại hội. Còn với Sacombank, Ngân hàng đã có thông báo lùi thời gian tổ chức ĐHCĐ sang ngày 26/5, thay vì ngày 28/4 như dự kiến ban đầu.

ĐHCĐ thường niên Sacombank lần này dự kiến số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 là 7 người. Trong đó, 1 thành viên HĐQT độc lập, tối thiểu 1/2 tổng số thành viên HĐQT phải là người không điều hành ngân hàng và thành viên HĐQT độc lập.

Số lượng thành viên Ban kiểm soát dự kiến là 4 người. Hiện HĐQT Sacombank đang có 7 thành viên, trong đó ông Kiều Hữu Dũng là Chủ tịch HĐQT. Ban kiểm soát có 3 thành viên, ông Nguyễn Vạn Lý là Trưởng ban.

Theo nghị quyết của HĐQT Sacombank vừa công bố về các ứng cử viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021, một loạt các ứng viên cho “ghế nóng” đã dần xuất hiện.

Câu chuyện tưởng chừng sẽ dễ dàng ngã ngũ nhưng bỗng chốc lại “nóng” hơn khi các ứng viên đều “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Dù vậy, ứng viên sáng giá nhất được nhiều người dự đoán sẽ ngồi ghế “nóng” Sacombank là ông Nguyễn Đức Hưởng đến từ LienVietPostBank

Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện thông tin một số nhà đầu tư "nặng ký" muốn tham gia tái cơ cấu Sacombank gồm: Tập đoàn Novaland và Quỹ đầu tư Evercore Group (công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York), Redsun Capital Limited (một công ty tư vấn chuyên về M&A) và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), người sáng lập Sacombank.

Tuy nhiên, ngày 6/4, Tập đoàn Novaland đã xin rút khỏi Đề án tái cơ cấu Sacombank vì cho rằng, các điều kiện hiện tại của Ngân hàng chưa phù hợp để Tập đoàn đầu tư trong thời điểm này.

Sau đó, "cha đẻ" Sacombank là ông Đặng Văn Thành và Quỹ đầu tư Evercore Group cũng quyết định rút lui trước thềm ĐHCĐ thường niên gây bất ngờ cho giới đầu tư.

Theo kết quả kinh doanh quý I/2017 vừa công bố, tính đến ngày 31/3/2017, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 344 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3%; thu nhập lãi thuần đạt 1.051 tỷ đồng, giảm 15%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 382 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, chi phí hoạt động đạt 1.377 tỷ đồng, giảm 6% và Ngân hàng còn được hoàn nhập chi phí dự phòng 970 triệu đồng.

Kết thúc quý I/2017, tổng lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 309 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,88%, giảm so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 6,6% còn 6,6 nghìn tỷ đồng.

Tin bài liên quan