Theo NHNN, động thái này tiềm ẩn nhiều rủi ro, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực, dễ dẫn đến nguy cơ chạy đua về lãi suất huy động giữa các TCTD, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, cũng như thị trường tiền tệ.
NHNN cho biết, sẽ theo dõi sát sao việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các TCTD và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, chỉ đạo của NHNN, trong đó có biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ðồng thời, để đảm bảm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc đã yêu cầu các TCTD cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN với các nội dung chính như: Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh; chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro....
Trước động thái trên, các ngân hàng đã dè chừng hơn trong việc khuyến mãi, tăng lãi suất huy động tiền gửi, kể cả tiền gửi dài ngày qua hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao như thời gian qua.
Ðơn cử, Viet Capital Bank từng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhất lên đến 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
So với chứng chỉ tiền gửi, lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng, nhất là với kỳ hạn dài, cũng được neo ở mức cao. Hiện tại, nếu gửi tiền ở một số ngân hàng quy mô nhỏ như BacABank, NCB, Viet Capital Bank…, người gửi tiết kiệm sẽ được hưởng mức lãi suất từ 7,5-8,5%/năm.
Có thể thấy, áp lực tái cơ cấu nguồn vốn đáp ứng lộ trình hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, lãi suất tiền đồng được giới phân tích tài chính dự báo khó có thể giảm, nhất là với kỳ hạn dài ngày, đặc biệt trong bối cảnh cầu tín dụng luôn ở mức cao vào cuối năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao: Giai đoạn 2015-2017 đạt 18-19%, năm 2018 đạt gần 14% và từ đầu năm đến 31/7/2019 đạt 7,46%, tương đương gần 7,75 triệu tỷ đồng.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,67% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 18,4% với hơn 196.000 doanh nghiệp còn dư nợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 31.000 tỷ đồng, tăng 19%; lĩnh vực xuất khẩu đạt trên 250.000 tỷ đồng, tăng 15,83%; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%...
Riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho biết, ước 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng huy động vốn tại Thành phố đạt 8,6%; tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 8,3%.
“Xét về cơ cấu vốn, vốn huy động các kỳ hạn ngắn vẫn chiếm đa số với tỷ trọng 73%, trong khi trung - dài hạn đạt 27%. Tuy tỷ trọng vốn trung - dài hạn không lớn, nhưng so với con số 21% vào đầu năm thì đã cải thiện. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống hiện đang dồi dào, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Các ngân hàng đã chủ động đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nhằm hút dòng tiền gửi vào các kỳ hạn dài, cải thiện đáng kể tình trạng mất cân đối huy động trước đây”, ông Minh thông tin.
Thực tế, các ngân hàng phải chạy đua huy động vốn dài ngày là nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối tiền gửi có kỳ hạn và đáp ứng các quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN về hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, nhất là khi thời điểm áp dụng Basel II đã ở trước mắt (bắt đầu từ năm 2020). Vì thế, áp lực tăng vốn và cạnh tranh huy động vốn trung - dài hạn được đánh giá sẽ ngày một lớn hơn.