BIDV vừa công bố phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng để tăng vốn hoạt động. Ảnh: Đức Thanh

BIDV vừa công bố phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng để tăng vốn hoạt động. Ảnh: Đức Thanh

Chạy đua phát hành trái phiếu: Ngân hàng đẩy áp lực cho tương lai

Khan vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, đang khiến các ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu. Huy động vốn bằng cách này giúp ngân hàng phần nào giảm được áp lực trước mắt, song lại phải đối phó với không ít rủi ro trong tương lai.

Ngân hàng càng to, nỗi lo càng lớn

Đầu tuần này, BIDV đã công bố phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng với mong muốn thu về 4.000 tỷ đồng để tăng vốn hoạt động. Không chỉ BIDV, mà một loạt ngân hàng khác, như Vietcombank, VietinBank, MB, VIB… cũng đã huy động hàng ngàn tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Chỉ tính trong quý IV/2018, các ngân hàng đã và sẽ huy động khoảng 10.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Cụ thể, Vietcombank đã huy động hơn 550 tỷ đồng trong 6 đợt huy động, VietinBank phát hành 550 tỷ đồng trái phiếu, MB cũng phát hành thành công 1.387,9 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm, HDBank sắp phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, ACB dự kiến phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu… 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, sở dĩ các ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu để huy động vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao cuối năm. Bên cạnh đó, đây cũng là một giải pháp giúp các ngân hàng tăng vốn cấp 2, qua đó đáp ứng những tiêu chuẩn mới về quản trị rủi ro. 

Nếu nhìn vào lượng tiền gửi và cho vay của các ngân hàng 9 tháng đầu năm, dễ hiểu tại sao ngân hàng lại cấp tập huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Đơn cử, tại BIDV, kết thúc quý III/2018, cho vay khách hàng đạt tới 968.752 tỷ đồng, trong khi tiền gửi là 953.513 tỷ đồng. Tương tự, tại VietinBank, huy động vốn đạt 826.000 tỷ đồng, tăng 9,7%, trong khi cho vay đạt 892.000 tỷ đồng, tăng 12,8%. Thiếu tiền gửi khiến VietinBank trở thành một trong 3 ngân hàng đứng đầu về phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn.

Tuy không rơi vào cảnh hụt vốn như VietinBank và BIDV, song Vietcombank cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,5%, nhưng huy động vốn chỉ tăng hơn 9%. 

Nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong quý IV khiến nhiều nhà băng đang trong tình trạng đau đầu cân đối thanh khoản. Bên cạnh đó, chỉ còn hơn 1 tháng nữa (từ ngày 1/1/2019), tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 45% hiện nay xuống 40%. Điều này buộc các ngân hàng phải tăng tốc tìm nguồn vốn huy động, nếu không muốn bị hãm tín dụng. Trong bối cảnh tiền gửi tăng chậm, trái phiếu là con đường khả thi nhất.

Ngoài ra, áp lực tăng vốn cấp hai đang đè nặng cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu. Hiện vốn tự có của nhiều ngân hàng rất thấp, tăng chậm, trong khi tín dụng tăng nhanh thời gian qua. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng TMCP quốc doanh đang chạm ngưỡng tối thiểu (chỉ hơn 9%), trong khi vốn tự có lại tăng trưởng âm. 

“Tăng vốn, cải thiện hệ số CAR đang là rủi ro lớn nhất của nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng TMCP quốc doanh”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, trước mắt, việc phát hành trái phiếu sẽ giúp các ngân hàng thoát hiểm khi nhiều thời hạn đã cận kề. Song về lâu dài, giải pháp này sẽ gây ra nhiều hệ lụy. 

Rủi ro chực chờ

Rủi ro lớn nhất mà làn sóng phát hành trái phiếu mang lại cho nền kinh tế là lãi suất có thể dâng cao. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng phát hành trái phiếu chỉ khiến mặt bằng lãi suất “nhích lên một chút”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lãi suất trên thị trường đã tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn, nhiều ngân hàng, chứ không phải diễn ra cục bộ.

“Trước mắt, lãi suất tăng chưa gây hậu quả cho doanh nghiệp, song đây sẽ là áp lực lớn cho năm 2019”, TS. Võ Trí Thành nhận định. 

Đối với ngân hàng, việc phát hành trái phiếu để huy động vốn cũng có thể khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng, vì lãi suất đầu vào tăng, song lãi suất đầu ra không thể tăng tương ứng. 

Chưa kể, việc một số ngân hàng dự định phát hành trái phiếu để gọi vốn ở thị trường nước ngoài sẽ khiến gánh nặng nợ công tăng lên. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu, đến thời điểm đáo hạn, áp lực trả lãi và gốc sẽ rất lớn. Khi đó, không loại trừ khả năng các ngân hàng lại phải đẩy lãi suất lên một đợt nữa để có vốn trả cho trái chủ. Vòng luẩn quẩn này khó chấm dứt nếu ngân hàng không có kế hoạch sử dụng vốn và đáo hạn đầy đủ. 

Để giải quyết cơn khát vốn của các ngân hàng hiện nay, đặc biệt là các ngân hàng TMCP quốc doanh, theo TS. Võ Trí Thành, cách cấp bách nhất là Chính phủ cần cho phép các nhà băng này giữ lại một phần lợi nhuận để tăng vốn. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ để các ngân hàng đẩy nhanh các thương vụ bán vốn, nhằm huy động được một nguồn lớn bên vững mới, điển hình như thương vụ BIDV bán 15% vốn cho KEB Hana hay Vietcombank bán 10% vốn cho đối tác nước ngoài. 

Về lâu dài, các ngân hàng phải đẩy nhanh hơn nữa cơ cấu hoạt động theo hướng giảm thu từ tín dụng, tăng thu từ dịch vụ. Giảm cho vay các lĩnh vực có trọng số rủi ro cao như bất động sản, đồng thời tập trung cho vay sản xuất. Việc chuyển hướng này không chỉ giúp ngân hàng giảm áp lực vốn trung, dài hạn, mà còn giúp giảm áp lực lên hệ số CAR của các nhà băng.

Tin bài liên quan