Chặn sớm rủi ro cho ngân hàng trong đầu tư trái phiếu

Chặn sớm rủi ro cho ngân hàng trong đầu tư trái phiếu

(ĐTCK) Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở các ngân hàng thương mại đang tiềm ẩn rủi ro khi một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. 

Ngân hàng mạnh tay đầu tư trái phiếu

Từ đầu năm đến nay, xu hướng ngân hàng thương mại đổ vốn vào trái phiếu doanh nghiệp nở rộ, nhất là khi một số doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc, bất động sản huy động vốn với lãi suất cao, thậm chí cạnh tranh với lãi suất tiền gửi ở ngân hàng thương mại. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện lộ trình kiểm soát chặt tín dụng vào thị trường bất động sản, giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 116.765 tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các ngân hàng thương mại là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 34,1% và giá trị phát hành tăng 32% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các doanh nghiệp bất động sản chiếm 14%; các công ty chứng khoán chiếm 4,2%; còn lại là các doanh nghiệp xây dựng, dịch vụ, du lịch...

Một ví dụ cho tỷ lệ giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng mạnh, đặc biệt khối ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất, đó là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán trong báo cáo tài chính của Techcombank cho biết, chứng khoán nợ là trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tính đến 30/6/2019 đạt hơn 45.456,2 tỷ đồng, tăng 18,6% so với con số 38.314,9 tỷ đồng thời điểm 31/12/2018.

Ðược biết, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong nửa đầu năm nay vào khoảng 9,5 - 11%/năm, trong đó gần 90% khối lượng trái phiếu phát hành có lãi suất dưới 11%/năm. Một số đợt phát hành với lãi suất 13 - 14%/năm và chỉ một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 14,5%/năm. Như vậy, so với lãi suất vay vốn trung và dài hạn của ngân hàng phổ biến là 9 - 11%/năm, bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn 0,5%/năm.

Một điểm cũng rất đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán MB, tính riêng từ đầu tháng 6 đến nay có 11 ngân hàng phát hành trái phiếu, với tổng giá trị theo mệnh giá 28.010 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 5/8, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, với lãi suất cố định 6,7%/năm. Trước đó, cuối tháng 7/2019, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) huy động thành công 50 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm, với lãi suất cố định 8,2%/năm…

Theo các chuyên gia ngân hàng, một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng chạy đua phát hành trái phiếu là do nhu cầu tăng vốn cấp 2 để nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức 8% theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN cũng như để đáp ứng yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo quy định của NHNN.

Chẳng hạn, ngày 9/8, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm.

Lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 1,2%/năm, trong đó lãi suất tham chiếu được tính cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng có vốn Nhà nước. Mục đích phát hành trái phiếu lần này được lãnh đạo Agribank cho biết là nhằm tăng thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế nói chung theo kế hoạch kinh doanh được duyệt.

Hay Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông báo phát hành thành công 3.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, lãi suất cố định 7,35%/năm.

“Ðợt phát hành đã góp phần tăng quy mô vốn hoạt động, cải thiện cơ cấu huy động vốn của Ngân hàng theo hướng đa dạng hóa về kỳ hạn và hình thức huy động với chi phí rẻ hơn so với phương thức huy động tiền gửi thông thường, từ đó nâng cao chất lượng các hệ số bảo đảm an toàn theo quy định của NHNN, đặc biệt là tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình điều chỉnh giảm của cơ quan quản lý”, một lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank chia sẻ.

Thế nhưng, điều khiến các chuyên gia quan ngại chính là các nhà đầu tư trái phiếu ngân hàng lớn nhất lại là các ngân hàng. Ðiểm qua báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2019 của không ít nhà băng cho thấy, khoản mục chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành tăng mạnh so với cuối năm 2019.

Cụ thể, tổng lượng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành mà Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm giữ tại thời điểm cuối tháng 6/2019 lên tới gần 57.774 tỷ đồng, tăng 21.979 tỷ đồng so với cuối năm 2018.

Tương tự, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác mà VietinBank nắm giữ tăng thêm gần 2.800 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lên 26.853 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), trong số 950 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành mà ngân hàng này nắm giữ tại thời điểm 30/6/2019, có gần 900 tỷ đồng được mua trong trong 6 tháng đầu năm.

Với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nếu như tại thời điểm cuối năm 2018, ngân hàng này không có số dư chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành, thì đến cuối tháng 6/2019 là hơn 109 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng giấy tờ có giá đã phát hành của 18 ngân hàng niêm yết tại thời điểm 30/6/2019 là 340.500 tỷ đồng, tăng 71.000 tỷ đồng, tương đương tăng 21% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, tổng lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng mà những ngân hàng này nắm giữ cũng tăng thêm 56.500 tỷ đồng. SSI nhận định: “Không loại trừ giả thiết các ngân hàng thương mại đang mua chéo trái phiếu của nhau để tăng quy mô, tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn”.

Sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng vi phạm

Về việc kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở các ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn rủi ro khi một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.

Số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường này chưa hồi phục vững chắc, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.

Do đó, NHNN vừa ban hành Văn bản số 6128, yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp về quản lý rủi ro, xác định các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, chính sách tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực này.

Ðồng thời, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào những chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích khi phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng. Tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tích cực triển khai biện pháp kiểm soát nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng.

Ngoài ra, các ngân hàng cần tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác, bảo đảm tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhất là quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.

“NHNN sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Du nhấn mạnh.

Tin bài liên quan