Thay đổi trong cơ chế điều hành lãi suất của Trung Quốc
Ngày 17/8/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã ban hành Văn bản số 15 về việc thay đổi cơ chế xác định lãi suất cho vay cơ bản (Loan Prime Rate, LPR). Ðây là loại lãi suất được PBOC giới thiệu kể từ tháng 10/2013 với vai trò là lãi suất tham chiếu - định giá cho các khoản vay và được xác định bằng bình quân lãi suất của ngân hàng thương mại cho vay những khách hàng tốt nhất.
Lãi suất cho vay trên thị trường 1 (Loan Prime Rate) trong tương quan
với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, kể từ khi chính thức ban hành đến nay, lãi suất này lại chưa phản ánh đúng những biến động trên thị trường và gần như không đổi kể từ năm 2015 do các ngân hàng một cách “mặc định” đều sử dụng lãi suất cho vay điều hành 1 năm (Benchmark Lending Rate - BLR) để tham chiếu. Do đó, để nâng cao tính thị trường cũng như vai trò của lãi suất cho vay cơ bản trong việc định hướng lãi suất cho vay, PBOC đã thiết lập một cơ chế xác định lãi suất cho vay cơ bản mới với những thay đổi chính so với cơ chế cũ như sau:
Về phương pháp tính toán, theo cơ chế cũ, lãi suất cho vay cơ bản được tính dựa trên bình quân gia quyền lãi suất cho vay những khách hàng tốt nhất của các ngân hàng thương mại (thường tham chiếu theo lãi suất cho vay điều hành BLR với mức sàn thỏa thuận ngầm giữa các NHTM là 90% BLR).
Quy mô giao dịch các nghiệp vụ thị trường mở và nhóm công cụ hỗ trợ thanh khoản, đặc biệt là MLF có xu hướng gia tăng mạnh từ năm 2014 đến nay
Trong khi đó, theo cơ chế mới, LPR được tính bằng bình quân số học lãi suất đóng góp của các ngân hàng thương mại (loại bỏ giá trị cao nhất và thấp nhất) và lãi suất đóng góp này sẽ được xác định dựa trên lãi suất cho vay của PBOC trên thị trường mở hay lãi suất MLF (Medium Lending Facility) (*1). Cụ thể, LPR đóng góp của từng ngân hàng = Lãi suất MLF + điểm điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện từng ngân hàng (chi phí vốn, cung cầu, rủi ro…).
Về phạm vi tính toán, PBOC đã gia tăng số NHTM tham gia đóng góp lãi suất LPR từ 10 ngân hàng lên 18 ngân hàng, bao gồm các ngân hàng thương mại, ngân hàng nông thôn, ngân hàng nước ngoài và ngân hàng tư nhân.
Về kỳ hạn của lãi suất, cơ chế mới đã bổ sung thêm kỳ hạn 5 năm so với cơ chế cũ (chỉ niêm yết kỳ hạn 1 năm). Theo đó, lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm sẽ được dùng để tham chiếu cho các khoản cho vay dài hạn của ngân hàng như cho vay mua nhà.
Về tần suất tính toán và công bố, lãi suất LPR theo cơ chế mới sẽ được PBOC công bố hàng tháng (9h30 sáng ngày 20 hàng tháng) thay vì định kỳ hàng ngày như trước kia.
Ngoài ra, PBOC cũng bổ sung thêm giải pháp khuyến khích thực hiện đối với các ngân hàng khi việc tuân thủ cơ chế lãi suất mới sẽ là một chỉ tiêu trong chương trình đánh giá an toàn vĩ mô (Macro Prudential Assessment, MPA) của PBOC đối với các ngân hàng thương mại bắt đầu từ quý III năm nay.
Bước đi tất yếu của PBOC
Những dịch chuyển mới trong chính sách tiền tệ của PBOC phần nào nằm trong kỳ vọng của thị trường và có thể xem là bước đi tất yếu trong lộ trình cải cách chính sách tiền tệ nói chung và công cụ lãi suất nói riêng. Ðiều này có thể được nhìn nhận rõ hơn trên cơ sở phân tích những mục tiêu chính sách mà PBOC đã nhắc đến trong Văn bản số 15.
Thứ nhất là mục tiêu thúc đẩy quá trình tự do hóa lãi suất và nâng cao hiệu quả của cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ
Lãi suất MLF (ban hành từ 2015) duy trì ở mức thấp hơn nhiều
so với các loại lãi suất cho vay trên thị trường 1.
Tự do hóa lãi suất hay cải cách lãi suất theo hướng loại bỏ áp đặt mang tính chất hành chính và điều tiết lãi suất theo cơ chế thị trường đã được Trung Quốc bắt đầu triển khai từ những năm 1990. Ðến tháng 10/2015, PBOC gần như đã dỡ bỏ hoàn toàn các mức trần - sàn lãi suất cho vay, huy động giữa ngân hàng thương mại với khách hàng và chỉ còn giữ lại duy nhất lãi suất điều hành - lãi suất cho vay 1 năm (Benchmark Lending Rate). Song song với đó, PBOC cũng bắt đầu xây dựng hành lang lãi suất để nâng cao hiệu quả truyền dẫn cũng như tính dẫn dắt thị trường của chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, quá trình cải cách lãi suất vẫn còn đó những chông gai khi Trung Quốc hiện vẫn tồn tại hai thị trường tiền tệ vận hành riêng biệt và tham chiếu hai loại lãi suất khác nhau. Trong khi lãi suất tham chiếu trên thị trường 1 hầu như không cho thấy rõ hiệu lực và ít biến động kể từ 2015 đến nay thì các loại lãi suất tham chiếu trên thị trường 2 (như lãi suất OMO, MLF…) lại được sử dụng với tần suất thường xuyên hơn cùng với sự gia tăng quy mô giao dịch của các công cụ trên thị trường mở.
Tỷ trọng các khoản vay có lãi suất cao hơn 30% so với lãi suất tham chiếm
vẫn chiếm tỷ trọng khá cao khoảng 30 - 40% trên tổng dư nợ.
Chính vì thế, trong báo cáo chính sách tiền tệ quý I/2019, công bố hồi tháng 5/2019, PBOC đã nhấn mạnh bước đi quan trọng tiếp theo trong lộ trình tự do hóa lãi suất. Ðó là dịch chuyển từ cơ chế hai loại lãi suất tham chiếu sang cơ chế một loại lãi suất tham chiếu. Kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, để quá trình đồng bộ này diễn ra hiệu quả thì trước tiên cần phải cải thiện cơ chế định giá khoản vay theo định hướng thị trường - mà trong trường hợp cụ thể của Trung Quốc đó là cải thiện công cụ lãi suất tín dụng cơ bản LPR.
Xây dựng lãi suất LPR dựa trên lãi suất cho vay trên thị trường mở MLF gắn với điều kiện của từng ngân hàng chính là bước đi cần thiết để nâng cao vai trò và hiệu quả của loại lãi suất vốn được xem là tham chiếu cho các khoản vay đối với khách hàng này. Song song với đó, tính truyền dẫn của chính sách tiền tệ từ thị trường 2 sang thị trường 1 cũng được gia tăng do MLF được đánh giá là một công cụ có quy mô và ảnh hưởng lớn trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng.
Thứ hai là mục tiêu mở rộng phạm vi tác động với thị trường. Theo phát biểu của đại diện PBOC về cơ chế mới này, việc gia tăng số lượng các ngân hàng tham gia đóng góp cho chỉ số LPR từ 10 lên 18 thành viên sẽ góp phần nâng cao tính đại diện của chỉ số này do 8 ngân hàng được bổ sung vào danh sách đều là những ngân hàng nhỏ và vừa có ảnh hưởng lớn đối với thị trường tín dụng, đặc biệt trong lĩnh vực cho vay các doanh nghiệp SME.
Thứ ba là mục tiêu góp phần hỗ trợ giảm chi phí vay cho các doanh nghiệp
Cũng trong bài phát biểu của mình, đại diện PBOC đã khẳng định, việc cải thiện cơ chế xác định LPR sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay thực qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các số liệu gần đây đều cho thấy kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro do ảnh hưởng của căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như những vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia trên thế giới, PBOC vẫn chưa cắt giảm lãi suất điều hành kể từ năm 2015 đến nay, mà chủ yếu sử dụng công cụ về lượng đó là cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (5 lần kể từ đầu 2018); đồng thời, tăng cường cung tiền trên thị trường mở qua các công cụ hỗ trợ thanh khoản như MLF hay SLF.
Nguyên nhân chính có lẽ là do lãi suất điều hành hiện tại hay lãi suất cho vay trên thị trường 1 của Trung Quốc đã không còn phản ánh đúng cung cầu trên thị trường tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh quy mô hoạt động trên thị trường mở của Trung Quốc ngày càng gia tăng, đòi hỏi một loại lãi suất tham chiếu có hiệu lực và tác động đến thị trường mạnh mẽ hơn.
LPR có thể được xem là một ứng viên tiềm năng cho vị trí đó, nhưng trước mắt lãi suất này cần được cải thiện theo hướng sát với thị trường hơn thông qua những thay đổi trong chính sách vừa qua. Bước đi này vừa phù hợp với định hướng chuyển dần từ các công cụ về lượng sang các công cụ về giá của PBOC, lại có thể phần nào hỗ trợ giảm chi phí vay cho doanh nghiệp do lãi suất LPR theo cơ chế mới sẽ tham chiếu theo loại lãi suất thấp hơn đó là lãi suất MLF.
Cơ chế lãi suất mới tác động ra sao tới kinh tế Trung Quốc?
Như đã phân tích ở trên, tác động quan trọng nhất của việc điều chỉnh cơ chế này chính là góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của PBOC, đặc biệt tính truyền dẫn của chính sách đến các thị trường.
Tác động quan trọng nhất của việc điều chỉnh cơ chế này là góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của PBOC, đặc biệt tính truyền dẫn của chính sách đến các thị trường.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, lãi suất tham chiếu mới của LPR hay lãi suất MLF chưa thực sự phản ánh tốt nhất điều kiện thị trường do nghiệp vụ MLF không được tiến hành thường xuyên và thực tế lãi suất MLF đã không đổi kể từ tháng 4/2018 đến nay.
Bên cạnh đó, vẫn còn những lo ngại về việc liệu lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trên thị trường có tham chiếu đúng theo diễn biến của LPR, hay những chính sách khuyến khích việc tuân thủ của PBOC như MPA có thực sự phát huy tác dụng. Câu trả lời hiện vẫn còn để ngỏ nhưng ít nhất, chúng ta đã thấy những tín hiệu dịch chuyển tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường của nền kinh tế vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về minh bạch tài chính này.
Liên quan đến tác động hỗ trợ giảm chi phí vốn vay cho nền kinh tế, với mức lãi suất LPR công bố ngày 20/8/2019 là 4,25%/năm, chỉ thấp hơn 0,06% so với lãi suất LPR cũ và thấp hơn 0,1% so với lãi suất cho vay điều hành thì dự kiến trong ngắn hạn, tác động của cơ chế mới này đối với việc giảm chi phí vay cho doanh nghiệp vẫn khá hạn chế.
Theo đó, thị trường kỳ vọng PBOC có thể sẽ xem xét điều chỉnh giảm dần lãi suất MLF trong thời gian tới khi có khối lượng lớn MLF đáo hạn (gần nhất là tháng 9 khoảng 440 tỷ Nhân dân tệ), để từ đó gián tiếp giảm lãi suất LPR.
Cùng với đó, PBOC có thể tiếp tục kết hợp sử dụng công cụ về lượng thông qua hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường cũng như đưa tỷ lệ dự trữ này về mức hợp lý hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.
Ðối với Việt Nam, trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 8/2018, Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập tới những giải pháp hoàn thiện khung khổ điều hành chính sách tiền tệ thông qua chuyển dịch từ điều hành theo khối lượng tiền sang điều hành về giá, tiến tới dỡ bỏ dần các biện pháp hành chính. Và để thực hiện các giải pháp này, chúng ta hãy cùng chờ đợi những bước điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới đây.
(*1) Medium Lending Facility (MLF) là công cụ hỗ trợ thanh khoản kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm của PBOC đối với các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại đáp ứng đầy đủ các điều kiện của chương trình MPA, chính thức ban hành từ tháng 9/2014