Cẩn trọng với rủi ro vay tiêu dùng trong dịp Tết

Cẩn trọng với rủi ro vay tiêu dùng trong dịp Tết

Các nhà cung ứng vốn đồng loạt đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi dịp cận Tết năm 2018. Tuy nhiên, khách hàng cần thận trọng với các khoản vay này.

Ngân hàng, công ty tài chính tăng cho vay tiêu dùng

Từ nay đến ngày 30/6/2018, người vay vốn mua nhà, mua ô tô tại tại Ngân hàng Indovina (IVB) được hưởng lãi suất 7,99%/năm, cố định trong 6 tháng hoặc 8,49% trong 12 tháng.

Maritime Bank cho vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 8%/năm và hạn mức vay lên tới 96% tài sản đảm bảo.

Trong khi đó, ACB triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất với tổng số vốn lên đến 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu về vốn trong dịp Tết và cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp đang giao dịch với ACB có nhu cầu mua nhà.

Còn VPBank có thể cho khách hàng vay đến 10 tỷ đồng trong thời hạn 25 năm để mua nhà… 

Bên cạnh mua nhà, các nhà băng đang từng bước đẩy mạnh cho vay tiêu dùng (cả tín chấp và thế chấp). Trong đó, với loại hình tín dụng cầm cố (tài sản, sổ tiết kiệm…), có nhà băng còn cho vay trên 100% tài sản đảm bảo, với lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên sổ tiết kiệm cộng biên độ 2 - 2,5%.

Không chỉ ngân hàng, mà các công ty tài chính cũng dồn sức cho vay tiêu dùng dịp cuối năm, bởi hiện là cơ hội tốt để giải ngân khi nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là với hàng điện máy, điện thoại…

Lãi tiêu dùng khó giảm

Hiện có 2 phân khúc rõ rệt trong cho vay tiêu dùng: khách hàng của ngân hàng (được xem là chuẩn) và khách hàng của công ty tài chính (dưới chuẩn, không có tài sản thế chấp, nên lãi suất cho vay cao hơn).    

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, tín dụng rót vào bất động sản chỉ chiếm 5,9% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, giảm mạnh so với mức hơn 8% năm 2016.

Tuy nhiên, theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng năm 2017 lại tăng rất mạnh, cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước.
Chính mức lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp cao gấp nhiều lần khoản vay thế chấp thông thường, nhất là ở các công ty tài chính, đã đưa tín dụng tiêu dùng trở thành kênh kinh doanh lãi lớn. VPBank vừa thông báo 8.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017.
Đáng chú ý, Công ty tài chính FE CREDIT (công ty con của VPBank) đóng góp tới 51% vào mức lợi nhuận này.

Lãi vay tiêu dùng cao, có thể lên đến 70%/năm. Theo lý giải của các công ty tài chính, lãi suất cho vay tiêu dùng cao do chi phí vốn cao, chi phí phục vụ, rủi ro… cũng cao hơn bình thường.

Tuy nhiên, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cho rằng, việc các công ty tài chính áp dụng lãi suất cao để bù đắp rủi ro tiềm ẩn lớn chưa hẳn sẽ mang lại hiệu quả trong kinh doanh. Thậm chí, nếu không thận trọng, công ty có thể phải chịu rủi ro lớn hơn, khi khách hàng mất khả năng trả nợ.

Theo các chuyên gia tài chính, các tổ chức cung ứng vốn, nhất là công ty tài chính, cần phải cho người vay thấy được sự cẩn trọng trong cho vay tiêu dùng lãi suất cao, luôn đặt trách nhiệm trả nợ, lãi suất lên hàng đầu…

Liên quan vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, người dân cần tính toán kỹ và nếu không có nhu cầu thực sự, thì không nên sử dụng vốn vay tiêu dùng tín chấp, vì lãi suất vay tiêu dùng tín chấp thường ở mức cao hơn nhiều so với các loại hình tín dụng thông thường. Vả lại, theo ông Nghĩa, nếu ồ ạt đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, mà không kiểm soát rủi ro thì khó tránh nợ xấu.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, song chỉ giảm với các lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, lãi suất với các lĩnh vực ngoài ưu tiên, nhất là với tín dụng tiêu dùng, khó kỳ vọng giảm.

Tin bài liên quan