Cẩn trọng an ninh tài chính doanh nghiệp

Cẩn trọng an ninh tài chính doanh nghiệp

(ĐTCK) Thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và sôi động, song cũng đặt ra những thách thức lớn trong việc đảm bảo an ninh tài chính doanh nghiệp và quốc gia.

Tại Diễn đàn An ninh tài chính và cạnh tranh doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (IBCS) phối hợp với Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an) tổ chức mới đây, các thông tin được Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư công bố cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng và đầu tư đang ngày càng diễn biến phức tạp, nảy sinh nhiều vi phạm.

Đáng chú ý, những vi phạm này không đơn thuần chỉ là vi phạm cạnh tranh về sở hữu trí tuệ, đấu thầu, trốn thuế, chuyển giá, gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái hay gian lận báo cáo tài chính, mà rất tinh vi. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, sẵn sàng tung tin đồn để triệt phá, bôi nhọ, hạ uy tín của nhau.

Dẫn chứng nhiều vụ việc thực tế, bà Dương Thu Ngọc, đại diện Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư cho biết, trên lĩnh vực tài chính, chứng khoán, thuế, hải quan, thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ giao dịch nội gián, nhiều doanh nghiệp trốn thuế, nợ thuế, doanh nghiệp niêm yết nhưng cố tình che giấu thông tin, tạo doanh thu ảo, đánh bóng cổ phiếu, lừa đảo…

Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhiều cán bộ cấp cao bị bắt giam, điều tra các sai phạm liên quan đến việc điều hành hoạt động cho vay, gây ảnh hưởng đến uy tín tổ chức tín dụng và an ninh an toàn hệ thống.

“Dưới tác động của tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, những vụ việc vi phạm cạnh tranh ngày càng khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Trong khi đó, hành lang pháp lý của ta chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, hệ thống giám sát tài chính yếu, năng lực cảnh báo kiểm soát kém đang là những thách thức lớn đặt ra trong công tác quản lý rủi ro an ninh tài chính đối với doanh nghiệp”, bà Ngọc cho biết.

Nhìn ở góc độ quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp, TS. Phạm Tuấn Anh (Đại học Thương mại) cũng chỉ ra hàng loạt rủi ro tiềm ẩn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt hiện nay như rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái và rủi ro tín dụng, rủi ro phá sản.

Ông Tuấn Anh lấy ví dụ, CTCP Gemadept cuối năm 2014 có khoản nợ bằng ngoại tệ khoảng 46,7 triệu USD, dẫn tới lợi nhuận ròng của GMD giảm khoảng 15 tỷ đồng khi tỷ giá USD/VND tăng 2%. Theo ông Tuấn Anh, rủi ro luôn hiện hữu như vậy, song có một thực tế là các hình thức nhận diện rủi ro tài chính ở Việt Nam còn khá đơn giản và mang tính hình thức.

“Nhiều doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, nhưng cách thức, kỹ thuật nhận dạng rủi ro tài chính lại không có nhiều khác biệt.

Trong khi đó, rủi ro tại thị trường tài chính Việt Nam đang đặt ra những vấn đề rất cấp bách, ví dụ như có một số ngân hàng thương mại quản trị kém, phải sáp nhập hoặc bị buộc phải bán với giá 0 đồng. Vì vậy, rất cần có các giải pháp để bảo đảm an toàn và an ninh tài chính quốc gia, doanh nghiệp trong các trường hợp này”, TS. Tuấn Anh khuyến nghị.

Ở cấp độ quốc gia, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cảnh báo một xu hướng đáng lo ngại hiện nay là các tập đoàn lớn của Việt Nam đang lớn rất nhanh, song chủ yếu dựa vào vốn vay của ngân hàng và gắn theo đó những khoản nợ khổng lồ từ khu vực ngân hàng, dẫn tới rủi ro tài chính quy mô lớn.

Điều này dẫn tới tình trạng các ngân hàng thương mại ngày càng bị phụ thuộc vào sự tồn tại của các tập đoàn lớn. Thậm chí, an ninh tài chính quốc gia cũng chịu ảnh hưởng từ hệ lụy này khi chỉ một vài ngân hàng thương mại lớn gặp rủi ro nếu các tập đoàn này không còn khả năng trả nợ. 

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực:

Để quản lý được các rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính doanh nghiệp, cần thực hiện báo cáo đánh giá rủi ro tài khóa hàng năm; thành lập các bộ phận đầu mối quản lý rủi ro tài khóa thuộc Bộ Tài chính hoặc do các liên vụ, cục phụ trách.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế đối với các định chế tài chính và doanh nghiệp nhà nước; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát…

Tin bài liên quan