Nếu khống chế cứng trần lãi suất như hiện nay sẽ tác động không lành mạnh đến thị trường tiền tệ.

Nếu khống chế cứng trần lãi suất như hiện nay sẽ tác động không lành mạnh đến thị trường tiền tệ.

Cần thay đổi định nghĩa về lãi suất cơ bản

(ĐTCK-online) Xuất phát từ một số điểm bất hợp lý của công cụ lãi suất cơ bản (LSCB) đang bộc lộ trên thị trường tiền tệ, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đề xuất, cần thay đổi định nghĩa về LSCB, để công cụ này phát huy hiệu quả cao hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Ông bình luận gì về tình hình lãi suất hiện nay?

Lãi suất huy động cũng như cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) đang có sự căng thẳng, bởi quy định lãi suất trần cho vay là 12%/năm, nhưng lãi suất huy động lên tới 10,5%/năm. Mức lãi suất này khiến các NHTM không có lãi, thậm chí lỗ, bởi vậy họ phải bù đắp bằng cách thu các loại phí.

 

Thưa ông, hệ luỵ của tình trạng này là gì, nhất là đối với doanh nghiệp?

Cách làm trên của các NHTM tạo ra rủi ro pháp lý cho chính họ, cũng như doanh nghiệp đi vay. Nếu NHNN cho qua thì không sao, nhưng nếu thanh tra, xử lý, thì rủi ro cho cả hai phía. Tuy nhiên, câu chuyện đáng nói ở đây là các doanh nghiệp đi vay vốn.

Ông Vũ Thành Tự Anh

Ông Vũ Thành Tự Anh

Họ đang phải trả lãi suất quá cao, vượt khá xa trần lãi suất cho vay mà NHNN quy định. Hiện nhiều NHTM đang cho doanh nghiệp vay với lãi suất 17 - 18%/năm, thậm chí cao hơn. Điều này khiến doanh nghiệp chịu thiệt thòi lớn. Vì trong khi kinh tế thế giới đang bắt đầu hồi phục, tức là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng lên thông qua thị trường xuất khẩu được cải thiện, các đơn hàng mới sẽ tăng…, lẽ ra họ cần được tiếp cận các nguồn tín dụng thuận lợi hơn, với chi phí thấp để nâng cao khả năng tận dụng cơ hội do thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế mang lại, nhưng thực tế đang ngược lại. Dường như đang có tình trạng điều hành chính sách tiền tệ đi ngược lại xu hướng thế giới. Bởi khi kinh tế thế giới đang ấm trở lại, thì hình như chúng ta đang bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Đây là động thái đáng tiếc, bởi ở một khía cạnh cụ thể, nó đang làm hạn chế các doanh nghiệp tận dụng được nhiều hơn cơ hội từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Sự bất hợp của công cụ LSCB đang bộc lộ khá rõ. Vậy theo ông, cần khắc phục tình trạng này như thế nào?

Bất cứ một quy định pháp lý nào cũng vậy, chứ không riêng gì quy định về LSCB, khi có quá nhiều người vượt rào, thì phải xem xét quy định đó có hợp lý trên thực tiễn không, để có hướng điều chỉnh. Hiện LSCB và lãi suất trần không có mối tương quan và không có tính thị trường, bởi vậy gây nên những hệ luỵ nêu trên. Do đó, điều quan trọng nhất là cần thay đổi định nghĩa về LSCB. Theo đó, LSCB nên được hiểu là lãi suất trung bình cho vay tốt nhất của các NHTM lớn tại Việt Nam. Với cách làm này sẽ tạo ra khoảng không hợp lý giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, để tạo thuận lợi cho các NHTM hoạt động. Nếu khống chế cứng trần lãi suất như hiện nay sẽ tác động không lành mạnh đến thị trường tiền tệ.

 

Ông có khuyến nghị nào khác đối với điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2010, cũng như về dài hạn?

Cần rất chú ý rằng, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, nên việc ban hành chính sách hiện tại phải tiên lượng được sẽ tác động đến vấn đề cần giải quyết trong 4 - 5 tháng tới, chứ không phải khi thị trường tiền tệ xảy ra chuyện rồi mới vội vàng phản ứng chính sách, bởi cách điều hành này khó tránh khỏi giật cục. Việc ban hành chính sách tiền tệ, tài khoá cũng giống như người tham gia giao thông, nếu ở ngã tư đèn đỏ có gắn kèm đồng hồ báo giờ, thì người tham gia giao thông cảm thấy dễ chịu hơn nhiều, vì biết còn bao lâu nữa được đi. Chính sách tiền tệ cần có tính dự báo, để giúp doanh nghiệp nắm được định hướng chính sách, cũng như lường được mức độ tác động của các chính sách đó đến thị trường tiền tệ, nhằm giúp họ chủ động thích nghi với những thay đổi đó. Nếu chính sách được ban hành theo kiểu bất ngờ, thì sẽ khiến doanh nghiệp lúng túng, nhất là gặp khó khăn trong hoạch định kế hoạch thực hiện các khoản đầu tư trung và dài hạn.