Cần tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ

Cần tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ

(ĐTCK-online) Trao đổi với ĐTCK, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, để tránh được áp lực dồn lên cung ngoại tệ vào dịp cuối năm, cũng như ổn định tỷ giá, thì cần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ. Từ đó, hạn chế được dư nợ USD.

Trong những ngày qua, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng có dấu hiệu nhích nhẹ và thị trường lo ngại về áp lực tỷ giá sẽ xuất hiện ở các tháng còn lại của năm 2011. Đánh giá của ông như thế nào về vấn đề này và liệu điều đó có xảy ra hay không?

Điều đáng quan tâm trong những tháng còn lại của năm chính là nhập siêu, vì nó sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái. Thứ hai là lãi suất tiền đồng hiện còn ở mức khá cao, trong khi vay ngoại tệ DN chỉ phải trả bằng 1/3, thậm chí là 1/4 so với vay tiền đồng. Điều này dẫn đến dư nợ tín dụng ngoại tệ (chủ yếu ngắn hạn) tiếp tục tăng và như thế sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, so với trước, hiện dự trữ ngoại tệ cũng đã tăng đáng kể. NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ từ các NHTM và tập đoàn kinh tế để tăng dự trữ. Bên cạnh đó, các biện pháp ổn định thị trường ngoại tệ dự do, chống tình trạng đôla hóa đã kéo tỷ giá trên thị trường tự do về sát với tỷ giá niêm yết trong các NHTM. Vì thế, áp lực lên tỷ giá dịp cuối năm là khó tránh khỏi, nhưng những thuận lợi có được sẽ phần nào góp phần ổn định thị trường ngoại tệ.

 

Nhưng dự báo vừa được đưa ra từ Tập đoàn tài chính HSBC là tỷ giá sẽ đạt mức 21.500 đồng/USD vào cuối năm nay và duy trì đến hết quý II/2012?

Nếu xét cán cân thanh toán của Việt Nam thì hiện vẫn tốt. Đồng thời, với mặt bằng lãi suất huy động đối với tiền gửi ngoại tệ 2%/năm hiện nay, tuy không còn hấp dẫn đối với người dân trong nước nắm giữ ngoại tệ so với lãi suất tiền đồng ở mức cao, nhưng vẫn thu hút được nguồn tiền từ kiều bào ở nước ngoài gửi về nhờ người thân gửi tiết kiệm. Bởi lãi suất USD tại nước ngoài hiện rất thấp.

Mới đây, Thống đốc NHNN đưa ra thông điệp đó là trong trường hợp NHNN thấy cần phải xem xét điều chỉnh tỷ giá thì cũng sẽ điều chỉnh không quá 1% từ nay đến cuối năm 2011. Thậm chí, NHNN sẽ để cho VND lên giá một chút nữa. Thống đốc còn cho rằng, có đủ cơ sở để giảm lãi suất cho vay tiền đồng xuống 17 - 19%/năm trong tháng 9 tới. Theo tôi, nếu điều đó xảy sẽ tác động tích cực lên thị trường ngoại tệ. Việt Nam đang cố gắng hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, cũng khó loại trừ được một số biến động tác động lên tỷ giá.

 

Đó là những biến động nào và liệu có thể khắc phục để giảm áp lực cho tỷ giá?

Chẳng hạn như biến động của giá vàng trong thời gian qua buộc NHNN phải cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu 5 tấn vàng, hao tốn ngoại tệ. Giá vàng trong nước luôn phụ thuộc vào giá vàng thế giới và các dự báo đưa ra là vàng còn tiềm năng tăng giá trong thời gian tới. Như vậy, nếu không có biện pháp quản lý chặt hơn thị trường vàng thì sẽ khó tránh được tình trạng đầu cơ, làm giá, khan hàng và phải cấp thêm hạn ngạch nhập vàng trong trường hợp giá vàng trong nước lại cao hơn giá vàng thế giới. Thứ hai, đối với tín dụng ngoại tệ, hiện dư nợ còn quá lớn (chủ yếu ngắn hạn) nên khó tránh được việc cầu ngoại tệ tăng dịp cuối năm khi DN phải trả nợ vay USD cho ngân hàng. Do đó, nếu không có biện pháp siết chặt hơn đối với tín dụng ngoại tệ thì dư nợ USD sẽ còn tăng. Ngoài ra, nhập siêu bao giờ cũng gia tăng vào cuối năm và không loại trừ hoạt động gom ngoại tệ để nhập lậu hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Qua thực tế các năm cũng như các yếu tố nêu trên thì áp lực lên tỷ giá luôn dồn về cuối năm.

Để hạn chế tín dụng ngoại tệ, cần nâng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi USD lên mức 10% hoặc 15% so với mức 7% như hiện nay. Đồng thời, các biện pháp chống tình trạng đôla hóa cần được thực hiện ráo riết hơn. Hiện mức lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ 2%/năm không còn hấp dẫn đối với người nắm giữ ngoại tệ nên các nhà băng đã "xé rào" lãi suất huy động để tìm kiếm thêm nguồn cho vay, dẫn đến tín dụng USD khó giảm. Vì thế, cần biện pháp mạnh hơn trong việc thanh kiểm tra để xử lý những ngân hàng vượt trần lãi suất.

 

Sử dụng vốn vay bằng USD lúc này liệu có rủi ro đối với DN, thưa ông?

Hiện so với lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng thì vay vốn bằng ngoại tệ các DN phải trả khoảng 7 - 8%/năm, chỉ bằng 1/3 lãi suất VND. Các hợp đồng tín dụng ngoại tệ chủ yếu là ngắn hạn, trong khi các nhà xuất nhập khẩu cho rằng, NHNN sẽ bằng mọi biện pháp để ổn định thị trường ngoại tệ. Do đó, nếu cộng cả biến động tỷ giá có thể xảy ra thì DN sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ cũng không quá lo ngại, họ vẫn muốn vay USD, tránh áp lực lãi suất tiền đồng. Vì thế, nếu không có biện pháp mạnh sẽ khó hạn chế tín dụng ngoại tệ và dư nợ còn tăng, tạo áp lực lên tỷ giá dịp cuối năm.