Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2012 đến hết tháng 6/2018, hệ thống ngân hàng đã xử lý hơn 785.900 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống còn 2,09%. Tuy nhiên, đối với một số ngân hàng, nợ xấu vẫn tăng.
Tại BIDV, cho vay khách hàng của ngân hàng này đạt 968,7 ngàn tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2018, tăng 11,75% so với đầu năm. BIDV tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại nợ với tổng dự phòng trong 9 tháng đầu năm nay là 14.365 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Song song với đó, nợ xấu của BIDV tại thời điểm 30/9 là hơn 17.041 tỷ đồng, tăng 21% so với thời điểm đầu năm. Dẫu vậy, xét về tỷ lệ phần trăm, nợ xấu tại ngân hàng này chỉ chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay, thấp hơn so với bình quân toàn hệ thống.
Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của BIDV vẫn tích cực khi lãi trước thuế đạt 7.254 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và hoàn thành 78% kế hoạch cả năm.
Trong khi đó, nợ xấu của Vietcombank (VCB) đến cuối tháng 9/2018 cũng tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên mức hơn 7.400 tỷ đồng, chiếm 1,18% dư nợ cho vay.
Tỷ lệ này chỉ tăng nhẹ so với mức 1,14% hồi đầu năm và VCB vẫn báo lãi trước thuế kỷ lục hơn 11.600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý III đạt 3.666 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ.
Tại ACB, nợ xấu đến hết tháng 9/2018 cũng tăng 461 tỷ đồng, lên 1.850 tỷ đồng, chiếm 0,84% dư nợ cho vay. Tỷ lệ này tăng nhẹ lên 0,79% so với mức 0,71% hồi đầu năm.
Nợ nhóm 5 hiện đạt hơn 1.264 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm nay. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu của ACB đang ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng các ngân hàng hiện nay.
Tính đến cuối tháng 9, nợ xấu của OCB là 1.429 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 864 tỷ đồng hồi đầu năm. Theo đó, nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,79% cuối năm 2017 lên 2,66% cuối tháng 9/2018
Trong khi đó, chi phí cho dự phòng rủi ro tại VPBank tăng 46%, lên 8.194 tỷ đồng, chiếm đến 57% lợi nhuận trước dự phòng và kéo lãi trước thuế của VPBank hợp nhất quý III/2018 xuống còn hơn 6.100 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của VPBank 9 tháng đầu năm nay cho biết, nợ xấu tuyệt đối tại nhà băng này hợp nhất đến cuối tháng 9/2018 đã lên tới 9.401 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,39% lên 4,70%.
Tại Sacombank, ngân hàng này đang từng bước đưa tỷ lệ nợ xấu cuối năm nay về dưới ngưỡng quy định 3% của NHNN và như lãnh đạo Sacombank tuyên bố hồi cuối năm 2017.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của Sacombank không thuyết minh rõ về khoản nợ xấu ngoại bảng tại VAMC. Tuy nhiên, có thể ước tính lượng nợ xấu này khoảng gần 38.900 tỷ đồng, giảm khoảng 2.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2018.
Tính chung, tổng nợ xấu (gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC) là khoảng 47.000 tỷ đồng so với con số đầu năm là 51.721 tỷ đồng. Sau 9 tháng, tỷ lệ nợ xấu thực tế của Sacombank đã giảm tới 3,5%.
Dù ngân hàng này vẫn còn lượng các khoản phải thu và lãi dự thu rất lớn (tiềm ẩn lượng lớn nợ xấu), lên đến 44.597 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9, nhưng so với đầu năm đã giảm 4.037 tỷ đồng, cho thấy một khía cạnh tích cực khác trong tiến trình xử lý nợ xấu của Sacombank trong 9 tháng qua.
Mục tiêu của Sacombank đưa ra là sẽ xử lý khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, ngang bằng so với con số nợ xấu đã xử lý năm 2017. Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh cũng đã cam kết với các cổ đông: “Nếu sau 3 - 5 năm tới, không xử lý hết được nợ xấu, tôi sẽ rời khỏi vị trí điều hành Sacombank”.
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, hệ thống ngân hàng đang ngày càng hoạt động lành mạnh hơn. Tổng nợ xấu đã giảm mạnh từ 17,2% năm 2012 về còn 6,7% vào cuối tháng 6/2018. Điều này có được một phần nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý hơn:
Trong giai đoạn 2011 - 2017, tăng trưởng tín dụng trung bình hàng năm đạt 14,3%/năm, thấp hơn so với mức tăng 34%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu BIDV thì nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, khi đến cuối tháng 6/2018, toàn ngành có tỷ lệ 6,7%.
Mặt khác, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém nếu không quyết liệt sẽ chậm tiến độ, có thể gây điểm nghẽn về thanh khoản, tăng trưởng kinh tế như đã từng xảy ra giai đoạn 2008 - 2009 và 2011 - 2013.