Tính đến cuối tháng 12/2014, nợ xấu của các NHTM trên địa bàn TP. HCM vẫn ở mức 5,31%

Tính đến cuối tháng 12/2014, nợ xấu của các NHTM trên địa bàn TP. HCM vẫn ở mức 5,31%

Các ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh nợ xấu

(ĐTCK) Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% của ngành đưa ra năm 2015, theo nhận định của nhiều lãnh đạo trong ngành ngân hàng, bên cạnh giảm lãi suất cho vay, cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngân hàng phải quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ xấu.

Nợ xấu vẫn là mối lo

Phát biểu tại buổi tổng kết hoạt động 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP. HCM, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, TP. HCM là địa bàn hoạt động ngân hàng sôi động nhất cả nước và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hệ thống, nhưng trong 3 năm qua đã cơ bản duy trì được sự ổn định và có xu hướng phát triển tốt. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã có nhiều cách làm sáng tạo trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Điển hình với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong năm qua đã giải ngân được hơn 40.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mục tiêu đề ra, mở rộng tín dụng với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Thống đốc Tiến, tín dụng của các NHTM trên địa bàn TP. HCM năm 2014 tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành và mục tiêu đề ra, song tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao so với mặt bằng chung của ngành. Một phần, do thủ tục phát mãi, đấu giá tài sản, thi hành án còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ, dẫn đến tín dụng khó tăng.

Số liệu đưa ra từ NHNN TP. HCM cho thấy, tăng trưởng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 12/2014 là 12,1%. Trong đó, tín dụng VND chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng, đạt 903.318 tỷ đồng, chiếm 84,6% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tăng 12,7% so với cuối năm 2013. Dư nợ tín dụng ngoại tệ đạt 164.519 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng dư nợ, tăng 8,9% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, nợ xấu của các NHTM trên địa bàn vẫn ở mức 5,31%.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TP. HCM thừa nhận, mặc dù nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát và đảm bảo khả năng xử lý, đặc biệt là nợ xấu đã được trích lập dự phòng rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động, nhưng nợ xấu phát sinh và tồn tại đã tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và nền kinh tế trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các TCTD, doanh nghiệp và đến quá trình tuần hoàn, luân chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế. Phần lớn nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tăng do các ngân hàng phải áp dụng Thông tư 02, Thông tư 06, minh bạch nợ xấu, trong khi việc xử lý tài sản còn khó khăn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc Vietinbank, để giải quyết nợ xấu trên địa bàn Thành phố, cần có sự chỉ đạo của UBND TP. HCM đối với các cơ quan liên quan trong vấn đề thực hiện hỗ trợ ngân hàng giải quyết nợ xấu.

“Giải quyết cục máu đông nợ xấu, trách nhiệm trước hết là thuộc về ngành ngân hàng, nhưng có những trường hợp, doanh nghiệp do nền kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh nên cần có sự chung sức từ nhiều phía”, ông Thắng nói.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, năm 2014, tín dụng của ACB tăng xấp xỉ 10%, nợ xấu ở mức 2,1%. Định hướng của Ngân hàng trong 2015 là xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ đạo của NHNN, nhưng quyết liệt trong công tác thu hồi nợ để xử lý nợ xấu, từng bước áp dụng Basel 2. 

Thách thức mục tiêu 2015

Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, dù các ngân hàng đã quyết liệt trong xử lý nợ xấu, nhưng việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tiếp tục là khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đối với việc xử lý tài sản là nhà cửa, đất đai.

Ông Đỗ Minh Toàn cho rằng, để giải quyết được nợ xấu, UBND Thành phố phải chủ trì tổ chức cuộc họp về công tác xử lý nợ có sự tham gia của các ngân hàng, cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc thi hành án. Đồng thời, về công tác quy hoạch các dự án bất động trên địa bàn Thành phố, hiện nhiều dự án cũ, lạc hậu, nên trong quá trình thẩm định, giá điều chỉnh giảm so với trước đây, ảnh hướng công tác phát triển tín dụng, do đó cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là cần thiết cho việc khơi thông vốn vào nền kinh tế, nhưng cần tập trung giải quyết nợ xấu, nên chất lượng quản trị và chất lượng nhân lực của ngân hàng phải được quan tâm. Vì đây là những điều kiện ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài.

Theo bà Hồng, 2 năm gần đây, lãi suất có xu hướng giảm và ngày càng sâu. Tuy nhiên, lãi suất vẫn là điểm quan trọng để doanh nghiệp cân nhắc, xem xét kế hoạch mở rộng, đầu tư. Vì thế, bà Hồng kiến nghị, lãi suất trung và dài hạn cần giảm thêm. Bởi vốn trung, dài hạn để doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng hiện lãi vay này vẫn cao hơn nhiều so với vốn ngắn hạn, buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc khi vay vốn trung, dài hạn để triển khai đầu tư.

“Mục tiêu tín dụng năm nay từ 13 - 15%, cần có những giải pháp tích cực như giảm lãi suất để tăng trưởng tín dụng bền vững, hiệu quả”, bà Hồng nói.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN TP. HCM đặt ra cho năm 2015 ở mức 13%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát 3% được xem là nhiệm vụ không dễ thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi nhưng chưa khả quan do thiếu các động lực phát triển kinh tế từ các nước đang phát triển. Nợ xấu vẫn là rào cản trong tăng trưởng tín dụng. Do đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đã có chỉ đạo NHNN TP. HCM phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của từng ngân hàng.

“Các ngân hàng xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2015 phù hợp với chủ trương này để đạt mục tiêu ngành đưa ra cuối năm nay đưa nợ xấu về dưới 3%. NHNN TP. HCM phải cùng các sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn cho các NHTM trong quá trình xử lý nợ xấu, phát mãi tài sản, tích cực bán nợ xấu cho VAMC”, ông Tiến nói.

Tin bài liên quan