Việc niêm yết là con đường tất yếu, là cần thiết cho quá trình phát triển của ngân hàng (Trong ảnh: Cổ phiếu VIB chính thức giao dịch trên sàn UPCoM ngày 9/1 vừa qua)

Việc niêm yết là con đường tất yếu, là cần thiết cho quá trình phát triển của ngân hàng (Trong ảnh: Cổ phiếu VIB chính thức giao dịch trên sàn UPCoM ngày 9/1 vừa qua)

Các ngân hàng lại hứa… lên sàn

(ĐTCK) Nếu từ tính thời điểm BIDV niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) năm 2014 cho đến cuối năm 2016, vẫn chưa có thêm ngân hàng nào đưa cổ phiếu lên niêm yết tại sàn chứng khoán chính thức, cho dù trong hai tháng cuối năm 2016, thị trường chứng kiến các ngân hàng chạy đua với các thủ tục liên quan đến việc đưa  cổ phiếu lên sàn theo quy định tại Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính.

Theo Thông tư này, các công ty đại chúng (không đủ điều kiện niêm yết, bị hủy niêm yết, chưa niêm yết) phải hoàn thành thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) trước khi kết thúc năm 2016.

“Các ngân hàng cũng là công ty đại chúng, vì vậy phải thực hiện theo quy định này”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế-ngân hàng nhận định.

Được biết, Kienlongbank công bố đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và mã cổ phiếu. Tương tự, OCB và Maritime Bank cũng chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngân hàng khác có thông tin cụ thể về việc đăng ký giao dịch cổ phiếu.

Cho đến ngày 9/1/2017, mới chỉ xuất hiện thêm Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) được đăng ký giao dịch 564.442.500 cổ phiếu trên UPCoM với mã chứng khoán là VIB. Còn lại, các ngân hàng đều có lý do riêng khi chưa thể lên sàn, hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2017 diễn ra cuối tuần qua, trước câu hỏi của cổ đông về việc khi nào niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, HĐQT Ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết trên HOSE, đồng thời ủy quyền cho HĐQT triển khai các thủ tục và làm việc với cơ quan quản lý để hoàn tất việc niêm yết. Nếu cổ đông thông qua, mọi việc sẽ được thực hiện đúng như kế hoạch. Về phía cơ quản quản lý, Techcombank cũng đã trình kế hoạch niêm yết và hiện đang chờ phê duyệt.

Tương tự, tại ĐHCĐ 2017 diễn ra đầu tuần trước, liên quan đến việc VPBank chậm trễ niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank thông tin, từ cuối năm 2016, Ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông để tiến hành thủ tục niêm yết trên sàn. VPBank đã làm việc với VSD, tuy nhiên, do một số thủ tục hành chính bị kéo dài nên phải tạm dừng. Hiện VPBank đã thuê một công ty chứng khoán để tư vấn việc niêm yết.

“Đưa cổ phiếu lên sàn là ý muốn chủ quan của VPBank, nhưng việc tiến hành lại phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý. Hiện tại, Ban lãnh đạo Ngân hàng đang rất cố gắng để nhanh nhất là trong quý II/2017 sẽ đưa cổ phiếu VPBank niêm yết trên HOSE”, ông Dũng hứa hẹn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng chần chừ trong việc lên sàn cũng là điều dễ hiểu. Lý do bởi, thứ nhất, niêm yết cổ phiếu trên sàn không phải là điều dễ dàng, khi đi cùng với đó là hàng loạt điều kiện liên quan đến sức khỏe tài chính, công bố thông tin…

Một trong những yêu cầu bắt buộc khi lên sàn là phải minh bạch thông tin, điều này có thể khiến những “bí mật” như nợ xấu, các mối quan hệ đan xen… bị “lộ sáng’, làm các ngân hàng ngần ngại. Do đó, khi chưa giải quyết được vấn đề này thì các ngân hàng chưa thể lên sàn. Thứ hai, lên sàn phải lựa vào thời điểm giá cao, bởi rõ ràng, không ông chủ nào muốn giá cổ phiếu ngân hàng ở dưới mệnh giá khi niêm yết. Điều này cũng gây trở ngại cho việc lên sàn.

Tuy nhiên, TS. Hiếu nêu quan điểm, các lãnh đạo ngân hàng chắc chắn đều hiểu việc niêm yết là con đường tất yếu, là cần thiết cho quá trình phát triển của ngân hàng. Thông tin tài chính được kiểm toán rõ ràng, minh bạch là điều cần thiết, không chỉ cho các cổ đông, khách hàng, các bên liên quan như Chính phủ, đối tác đầu tư, mà còn với chính các ông chủ. Dù rằng, ngân hàng phải công bố thêm nhiều thông tin cũng đồng nghĩa phải tốn thêm nguồn lực để triển khai.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói: “Một số ngân hàng trong hệ thống đang có những khó khăn nhất định về quy mô vốn, nợ xấu, dẫn đến nhu cầu cấp bách phải tăng vốn.

Trong bối cảnh này, dễ nhận thấy khó có khả năng cải thiện nguồn vốn nhờ vào các nhà đầu tư nội địa, bởi doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn không được phép đầu tư theo luật, trong khi các doanh nghiệp tư nhân cũng đang vật lộn với không ít khó khăn. Chưa kể, câu chuyện tăng vốn hiện tại yêu cầu phải là ‘tiền tươi, thóc thật’, không thể là ảo hay vay mượn từ các tổ chức tín dụng khác”.

“Ngân hàng cũng buộc phải tính đấn việc lên sàn để huy động vốn, do vậy, cần thiết phải áp dụng quy định buộc các ngân hàng phải lên sàn. Vấn đề quan trọng là các ngân hàng đã lỗi hẹn nhiều năm, theo đó, cần có một ‘deadline’(thời hạn cuối cùng) cụ thể để bắt buộc các ngân hàng lên sàn. Đây là điều cần phải làm ngay”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan