Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tích cực trong năm 2017 một phần nhờ tín dụng cải thiện

Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tích cực trong năm 2017 một phần nhờ tín dụng cải thiện

Các ngân hàng cẩn trọng trong tăng trưởng lợi nhuận

(ĐTCK) Việc tín dụng tăng trưởng tín cực trong năm 2017, nợ xấu được đẩy mạnh xử lý, giúp dự phòng rủi ro giảm đã tác động tích cực lên lợi nhuận của các nhà băng năm qua. Tuy nhiên, chia sẻ về kế hoạch hoạt động kinh doanh cho năm 2018, lãnh đạo các nhà băng vẫn tỏ ra thận trọng và chưa tiết lộ nhiều cho đến kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên tới.

Lợi nhuận sớm cán đích 2017

Sacombank, HDBank, OCB, TPBank, LienVietPostBank, VIB… là những nhà băng đã sớm cán đích lợi nhuận năm 2017. Trong khi ở nhóm nhà băng lớn hơn, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank… cũng cho biết, lợi nhuận sẽ vượt kế hoạch đề ra.

Tuy có quy mô vốn và tổng tài sản thấp hơn, nhưng trong “trật tự mới” của bảng so sánh lợi nhuận ngân hàng 2017, một số cái tên đã nổi bật lên bởi mức lãi tăng mạnh, trong đó phải kể tới: HDBank, OCB, LienVietPostBank…

Mới đây, ngân hàng LienVietPostBank đã báo lãi trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2017, vượt hơn 10% so với kế hoạch đề ra cho cả năm. Theo ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank, đầu năm nay, Ngân hàng lên kế hoạch lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này đã vượt chỉ tiêu cả năm.

Tính đến thời điểm 30/11, LienVietPostBank có vốn điều lệ đạt 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản gần 154.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn hơn 141.000 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 98.000 tỷ đồng, các chỉ tiêu này đều tăng mạnh so với đầu năm. Ngân hàng dự kiến tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15% trong năm nay.

Sau 9 tháng năm 2017, lợi nhuận của HDBank đã tăng trưởng đột biến tới 279%, vượt kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.912 tỷ đồng, trong đó riêng HDBank đạt 1.713 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận hợp nhất cả năm sẽ đạt khoảng 2.400 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, kết thúc 11 tháng hoạt động trong năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 960 tỷ đồng, tăng 200% so với năm ngoái. Ngoài lợi nhuận, các chỉ tiêu khác cũng tăng trưởng đáng kể sau 11 tháng, với dư nợ cho vay tăng 22%, tổng huy động thị trường tăng 30%, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn.

Năm 2017, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận là 780 tỷ đồng trước thuế. Như vậy, sau 11 tháng, Ngân hàng đã vượt chỉ tiêu đề ra và đạt lợi nhuận gấp đôi cuối năm ngoái. Dự kiến cả năm, OCB sẽ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch 780 tỷ đồng đặt ra.

Sacombank cũng là một điển hình sớm cán đích lợi nhuận. Cụ thể, 9 tháng năm 2017, nhà băng này đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 1.025 tỷ đồng, so với kế hoạch cả năm khoảng 585 tỷ đồng, vượt gần gấp đôi so với chỉ tiêu và cao hơn gấp 5 lần cùng kỳ năm 2016. Thậm chí, Sacombank dự báo, lợi nhuận cả năm có thể cao hơn 200% so với kế hoạch.

TPBank trong khi đó đã vượt xa kế hoạch cả năm kể từ tháng 10/2017. Theo tổng giám đốc ngân hàng này, qua 10 tháng, TPBank đã đạt lợi nhuận trước thuế 950 tỷ đồng, so với kế hoạch cả năm là 780 tỷ đồng. Tương tự, với mục tiêu 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, VIB đã sớm cán đích, báo lãi trước thuế lên tới 1.050 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2017, vượt 41% kế hoạch đề ra.

Với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 18% trong năm nay, lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên.

- TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Bên cạnh những nhà băng đã về đích sớm, một số ngân hàng chắc chắn cũng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra như: ACB, MB, Vietcombank, BIDV, Techcombank... Vietcombank sau 9 tháng đã đạt gần 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016 và thực hiện được 81% kế hoạch năm 2017.

Với đà tăng trưởng mạnh trong tháng cuối năm, cộng với việc vừa thoái vốn thành công với khoản lãi không hề nhỏ từ các tổ chức tín dụng là Saigonbank, Tài chính Xi măng và OCB, lợi nhuận của Vietcombank được dự báo sẽ không dưới 10.000 tỷ đồng trong năm nay.

Sỡ dĩ lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tích cực trong năm 2017 là do tín dụng cải thiện dần, cùng với đó mục tiêu tăng trưởng dư nợ được nâng lên. Trong khi nợ xấu được đẩy nhanh tiến độ phát mãi tài sản, bán theo giá thị trường kể từ khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội…

TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, tín dụng đã tăng trưởng tích cực trong năm 2017, với mức tăng hơn 19%. Thanh khoản ổn định, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm và được duy trì ở mức thấp.

So với trước đây, các ngân hàng đã kiểm soát chặt hơn trong cho vay, nhất là với tín dụng bất động sản. Điều đó có nghĩa nợ xấu được kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu của ngành đã về dưới 3%, thậm chí dưới 1% tại một số nhà băng, giúp hoàn nhập dự phòng, tác động tích cực lên lợi nhuận.

Cẩn trọng năm 2018

Bước sang năm 2018, các ngân hàng cho rằng tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện, nhưng không có đột biến ngay từ đầu năm. Nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn năm 2017, vào khoảng 20 - 21%, giúp dư địa cho vay được nới rộng, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong năm tới.

Bên cạnh đó, một yếu tố tích cực hỗ trợ hoạt động kinh doanh là hệ thống ngân hàng vừa trải qua thời kỳ tái cấu trúc mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2012 - 2015, nhiều ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro nhằm giải quyết nợ xấu. Nhưng “sau cơn mưa trời lại sáng”, các ngân hàng đã tái cơ cấu thành công, đồng nghĩa với việc tạo được nền tảng vững chắc để sẵn sàng bứt phá.

Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGS), lợi nhuận của toàn hệ thống 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho rằng, kết quả kinh doanh của cả năm 2017 sẽ ở mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2011. Bên cạnh đó, thời hoàng kim của các ngân hàng dự báo sẽ trở lại rõ ràng hơn trong năm 2018.

Trong bối cảnh này, lãnh đạo các nhà băng cho hay, sỡ dĩ ngân hàng đạt được lợi nhuận khả quan trong năm nay là do quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, giúp hoàn nhập dự phòng và hoạt động tín dụng có sự cải thiện, tăng trưởng đáng kể. Các khoản thu hồi nợ do phát mãi tài sản đảm bảo, giúp thu hồi nợ, hoàn nhập dự phòng, từ đó tăng lợi nhuận.

Đa phần lãnh đạo các nhà băng nhận định, nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm tới, nhất là khi thị trường bất động sản đang ấm dần lên tạo cơ hội tốt cho ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, tín dụng tăng nhanh mà không kiểm soát được chất lượng cho vay sẽ là “con dao hai lưỡi”, đẩy dự phòng rủi ro tăng khi tỷ lệ nợ xấu khó kiểm soát, khiến dòng chảy tín dụng bị “tắc”. Do đó, lợi nhuận 2018 tăng hay giảm tùy thuộc vào việc kiểm soát chất lượng tín dụng của các ngân hàng, cũng như quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu.

Đánh giá về bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2017, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, hệ thống ngân hàng có lợi nhuận cao trong năm 2017 do tăng trưởng tín dụng trong năm nay rất khả quan, trong khi đây luôn là nguồn sinh lời lớn nhất của ngân hàng.

“Với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 18% trong năm nay, lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên”, TS. Hiếu nói và cho hay, các nhà băng đã có nhiều bước tiến trong quá trình tái cơ cấu thời gian vừa qua, tác động tích cực đến lợi nhuận. Đặc biệt, phần quản trị rủi ro cũng đã tốt hơn.

Chưa kể, Nghị quyết 42 đã mở ra những quy định thông thoáng hơn giúp các ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, bán nợ xấu. Một thị trường mua bán nợ cũng có thể được thành lập giúp cho việc mua bán nợ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, cho tới thời điểm này, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn còn khá chậm.

Nhận định về lợi nhuận ngân hàng năm 2018, TS. Hiếu cho rằng, đây vẫn là một câu hỏi lớn vì khi các ngân hàng tái cấu trúc sẽ phát sinh chi phí, từ đó tác động đến lợi nhuận. Dù vậy, ông kỳ vọng doanh thu từ cho vay sẽ tăng trưởng tốt hơn, giúp lợi nhuận có diễn biến tích cực.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định, hoạt động của ngành ngân hàng đang dần được cải thiện sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc ngành.

Tín dụng cải thiện cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, cũng như việc một số ngân hàng IPO, niêm yết sẽ tạo tác động tích cực lên hoạt động của các nhà băng và cổ phiếu “vua”. Từ đó, sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhà băng, không phải ngân hàng nào cũng có thể giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực.

Tin bài liên quan