Bất ổn tại nhiều khu vực kinh tế đang ảnh hưởng đến dòng kiều hối về nước

Bất ổn tại nhiều khu vực kinh tế đang ảnh hưởng đến dòng kiều hối về nước

Bức tranh kiều hối 6 tháng kém lạc quan

(ĐTCK) Theo tìm hiểu của ĐTCK, kiều hối chuyển về khu vực TP. HCM trong 6 tháng đầu năm 2015 khá ổn định, trong khi tại TP. Hà Nội lại có sự sụt giảm. Bức tranh dòng kiều hối 2015 được dự báo khá ảm đạm, do ảnh hưởng của sự bất ổn tại nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Dòng kiều hối về phía Bắc sụt giảm

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về địa phương trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 42% kế hoạch cả năm. Dự kiến, lượng kiều hối chuyển về cả năm đạt 5,3 - 5,5 tỷ USD. Trong đó, dòng tiền chủ yếu được chuyển về từ các nước châu Mỹ, ASEAN và Trung Quốc.

Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, cơ quan này chưa có số liệu thống kê tổng hợp, nhưng phản ánh từ các ngân hàng thương mại cho thấy, tình hình kiều hối trong nửa đầu năm nay khá ảm đạm.

Tại Agribank, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kiều hối Ngân hàng cho biết, kiều hối từ các thị trường truyền thống như Nga và châu Âu giảm khá nhiều, còn từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, mức độ giảm có nhẹ hơn, nhưng nhìn chung, “tình hình không được như giai đoạn trước”.

“Chúng tôi đã có những trao đổi với Western Union về câu chuyện trên thì được đơn vị này cho biết, đây là trạng hình chung của các ngân hàng trên địa bàn, chứ Agribank không phải là trường hợp cá biệt”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Phân tích nguyên nhân của việc dòng kiều hối về nước đang có xu hướng sụt giảm, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực kiều hối của một NHTM cho rằng, việc giá dầu thô liên tục sụt giảm từ cuối năm 2014 đến nay đã làm tổn thương các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Chẳng hạn như tại Angola, thành viên của OPEC, đất nước có sản lượng khai thác dầu mỏ lớn thứ 2 ở châu Phi, với sản lượng 1,75 triệu thùng/ngày, hoạt động xuất khẩu dầu đóng góp 50% tăng trưởng của nền kinh tế, sự sụt giảm của giá dầu về 40 USD/thùng đã thu hẹp khả năng tài chính của quốc gia này, dẫn đến những căng thẳng xã hội.

“Ngân hàng Trung ương Angola đã hạn chế rút tiền, chuyển tiền, nên ngoại hối từ thị trường Angola giảm khá mạnh, trong khi lực lượng lao động Việt Nam tại Angola khá lớn”, vị Phó tổng giám đốc trên nói.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, đặc điểm của dòng kiều hối về các tỉnh phía Nam là từ Mỹ, Tây Âu và các quốc gia phát triển, chiếm gần 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước. Do vậy, dễ hiểu khi lượng kiều hối tại TP. HCM trong 6 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục tăng trưởng. Còn khu vực phía Bắc, kiều hối chủ yếu từ các nước Đông Âu và một số thị trường xuất khẩu lao động, nhiều khu vực trong đó đang có những bất ổn về kinh tế. 

6 tháng cuối năm, kém lạc quan

Để thu hút dòng kiều hối trong 6 tháng cuối năm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kiều hối Agribank Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút dòng ngoại tệ từ nước ngoài bằng cách đa dạng hoá các kênh chi trả và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhận và người chuyển tiền. Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Nga, châu Âu, Australia…, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hợp tác tại các thị trường mới - nơi có nhiều người Việt đang sinh sống và lao động, như Đông Âu, ASEAN, châu Á…

Tuy nhiên, khi được hỏi dự đoán về tình hình 6 tháng cuối năm, ông Hùng khá dè dặt khi đưa ra nhận định về tình hình kiều hối chuyển qua Ngân hàng trong nửa cuối năm nay.

“6 tháng cuối năm, khó có khả năng kiều hối tăng trưởng mạnh, dù theo quy luật đây là thời điểm dòng kiều hối thường về nhiều nhất trong năm”, Phó tổng giám đốc một NHTM cho biết.

Nhận định tương tự cũng được đưa ra từ TS. Nguyễn Trí Hiếu. Theo đó, nguồn kiều hối không những không tăng mà còn có xu hướng giảm. Lý do là lượng kiều hối từ châu Âu đang bị ảnh hưởng do khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp đang lan ra các nước khác trong Liên minh Châu Âu. Mặc dù người Việt Nam ở Hy Lạp không nhiều, nhưng số lượng Việt kiều ở Pháp, Đức, Bỉ… lại rất lớn.

Đồng Euro xuống giá và bối cảnh kinh tế châu Âu trong tình trạng khủng hoảng, dĩ nhiên kiều bào sẽ giảm lượng tiền gửi cho người thân gia đình cũng như tạm dừng các khoản đầu tư về nước. Sự sụt giảm từ thị trường này, theo TS. Hiếu, khó có thể được bù đắp từ thị trường Mỹ.

“Điều này còn phải chờ đợi thêm, bởi kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng bởi sự lao dốc của TTCK Trung Quốc”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

TS. Hiếu cũng cho biết, tính từ giữa tháng 6, TTCK Trung Quốc đã mất hơn 30% giá trị tương đương hơn 3.000 tỷ USD, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn đà giảm của TTCK nước này.

“Trung Quốc là một nền kinh tế có quy mô lớn, đang là một trong những trụ cột của nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, những bất ổn của TTCK nước này có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, theo tôi, kiều hối cả năm nay dự báo lạc quan nhất là tương đương năm 2014”, TS. Hiếu dự báo.           

Tin bài liên quan