Bị S&P hạ bậc: Ngân hàng Việt Nam nhìn lại mình

Bị S&P hạ bậc: Ngân hàng Việt Nam nhìn lại mình

(ĐTCK-online) Ngày 9/11, Standard & Poor's (S&P) đã nâng mức đánh giá Mức độ rủi ro hệ thống ngân hàng (BICRA) của Việt Nam từ "Nhóm 9" lên "Nhóm 10" - Nhóm có rủi ro cao nhất. Việc tổ chức này xếp Việt Nam vào nhóm này đã nhận được các ý kiến trái chiều của chuyên gia trong ngành

Theo các chuyên gia, S&P đã đúng khi chỉ ra các vấn đề đáng quan ngại của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay như đang trong giai đoạn bão hòa, hay bị điều chỉnh của “mệnh lệnh hành chính”, tăng trưởng tín dụng ồ ạt trong một vài năm trở lại đây.

Bị S&P hạ bậc: Ngân hàng Việt Nam nhìn lại mình ảnh 1

Theo bà Lưu Hải Yến, chuyên gia phân tích của CTCK Thăng Long, tình hình nợ xấu đang tăng nhanh và các vấn đề về thanh khoản của các ngân hàng nhỏ (liên quan nhiều đến đổ vỡ bất động sản, thị trường chứng khoán và khả năng thu hút tiền gửi từ dân chúng) đang là những lo ngại đáng chú ý nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân để S&P xếp ngân hàng Việt Nam vào nhóm có rủi ro cao nhất.

Thang điểm BICRA thể hiện đánh giá của S&P về mức độ rủi ro mà một ngân hàng hoạt động tại một quốc gia nói riêng và toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung phải đối mặt, so với các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng khác. S&P xếp hạng từ nhóm 1 (nhóm có rủi ro thấp nhất) đến nhóm 10, (nhóm có rủi ro cao nhất).

 

Thang điểm BICRA dựa vào 2 tiêu chí đánh giá là rủi ro nền kinh tế và rủi ro ngành, S&P đánh giá rủi ro nền kinh tế của Việt Nam ở nhóm 10, và rủi ro ngành ở nhóm 8, tổng lại trong thang điểm BICRA Việt Nam nằm trong nhóm 10.

 

Các nước khác bị xếp hạng trong nhóm 10 với Việt Nam còn có Hy Lạp và Belarus.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, S&P chỉ đánh giá đến các yếu tố tiêu cực, chưa tính đến các yếu tố tích cực như thành quả mà Chính phủ Việt Nam đã đạt trong việc kìm hãm tăng trưởng tín dụng ồ ạt và kiểm soát được tỷ giá.

“Đương nhiên, chúng ta vẫn đang chờ xem tỷ giá VND/USD sẽ thay đổi thế nào vào cuối năm nay và liệu Ngân hàng Nhà nước có thể giữ cho tỷ giá không vượt quá giới hạn 1% hay không, tuy nhiên sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước để ổn định tỷ giá trong thời gian gần đây là khá tích cực”, ông Hiếu nói.

Đồng tình với ông Hiếu, T.S Alan Phạm, Kinh tế trưởng của CTCK VinaSecurities cho rằng, S&P không đánh giá được các điểm mạnh của riêng ngành ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, các ngân hàng Việt Nam không có các sản phẩm tài chính phức hợp (sản phẩm phái sinh) có thể gây đổ vỡ hệ thống như cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Hơn nữa, hoạt động cho vay bất động sản còn khá đơn giản so với các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp BĐS và có thể tái cấu trúc được.

“Ngân hàng ở Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là 5 ngân hàng quốc doanh nên họ hoàn toàn có thể trông chờ vào sự cứu cánh của Nhà nước khi cần thiết,” ông Alan Phạm nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus cũng bày tỏ nghi ngờ về độ chính xác về cơ sở dữ liệu của S&P. 
“Vấn đề là liệu S&P đã trực tiếp đến khảo sát tình hình ngành ngân hàng Việt Nam chưa hay các đánh giá của họ chỉ dựa vào các dữ liệu đơn thuần”, ông Thuân nói và cho biết thêm, giống như Fitch’s trước đây, các tổ chức xếp hạng luôn cho rằng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải hơn 10%. Tuy nhiên, vấn đề là tính chính xác của cơ sở dữ liệu mà các tổ chức xếp hạng sử dụng. “Nếu họ chỉ ngồi tính toán và đánh giá dựa vào các nguồn thông tin từ ngoài nước thì sẽ chắc chắn các tiêu chí S&P đánh giá Việt Nam còn nhiều điểm đáng hoài nghi”, ông Thuân nhấn mạnh.

Mặc dù có các ý kiến trái chiều, nhưng việc một tổ chức xếp hạng uy tín như S&P đánh giá ngành ngân hàng Việt Nam ở nhóm có mức độ nguy hiểm cao nhất, ngang với Hy Lạp và Belarus sẽ ảnh hưởng đến nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường tài chính Việt Nam và cũng là một cảnh báo để Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các ngân hàng.