Bất động sản "ấm" 
chưa đủ để xử lý hết nợ xấu

Bất động sản "ấm" chưa đủ để xử lý hết nợ xấu

Bất động sản “ấm” chưa đủ để xử lý hết nợ xấu

(ĐTCK) Bất động sản đã "ấm" nhưng chưa đủ để các ngân hàng giải tỏa món nợ xấu trong kho.

Muốn xử lý nợ xấu trước hết phải gỡ rào cản phát mãi bất động sản, vốn là tài sản đảm bảo của khách hàng vay nợ. Vấn đề này đã được lãnh đạo các nhà băng và chuyên gia ngân hàng đưa ra “mổ xẻ” nhiều lần, tuy nhiên chưa có thay đổi. Hiện tại, nhiều nhà băng kỳ vọng, thị trường bất động sản ấm lên sẽ phần nào giúp tháo gỡ khó khăn này.

Nợ xấu của ngành ngân hàng hiện đang được kiểm soát dưới ngưỡng 3%, trong đó, không ít nhà băng đã kéo tỷ lệ này về mức 1 – 2% tính tới cuối năm 2016. Thực tế, thời gian qua, cách tốt nhất để giảm nợ xấu được các ngân hàng sử dụng là trích dự phòng rủi ro từ lợi nhuận, tuy nhiên, nếu tiếp tục trích lập dự phòng mạnh tay sẽ gây ảnh hưởng lớn tới kết quả hoạt động kinh doanh.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, trong năm 2016, Ngân hàng đã xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu trong tổng khối lượng nợ xấu trên 10.000 tỷ đồng đã bán cho VAMC. Năm nay, Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tiếp tục xử lý thêm 3.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng để hoàn thành còn phải trông chờ vào sự sôi động hơn nữa của thị trường bất động sản.

Theo đó, thị trường bất động sản diễn biến tích cực sẽ giúp đàm phán chuyển nhượng các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ được dễ dàng hơn. Đây là cơ hội tốt để giải quyết bài toán nợ xấu, thu hồi nợ gốc và lãi.

Bên cạnh đó, các nhà băng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của xử lý nợ xấu hiện vẫn là vấn đề pháp lý. Thủ tục xử lý tài sản đảm bảo quá phức tạp khiến khó có thể thu hồi nhanh nợ.

Đáng lo ngại hơn, Bộ luật Dân sự năm 2015 vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 lại gạt nội dung về tài sản đảm bảo ra ngoài, khiến các tổ chức tín dụng “ngồi trên đống lửa”, bởi xử lý tài sản đảm bảo, vốn đã khó trong việc thu hồi nợ, nay càng khó thêm. Cũng bởi vậy, thị trường bất động sản ấm lên lại càng được kỳ vọng sẽ tạo tác động tích cực.

Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng năm 2017. Theo đó, các yếu tố hỗ trợ bao gồm: thu nhập của người dân được cải thiện giúp thúc đẩy nhu cầu với bất động sản, dòng vốn FDI tích cực, các chương trình hỗ trợ mua nhà được duy trì và mở rộng, giúp thu hút dòng vốn ngoại, nhất là sau quy định cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng sẽ được duy trì nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, mở rộng quá trình đô thị hóa và giảm mật độ dân số nội đô; các kế hoạch xây dựng hệ thống đường cao tốc, đường sắt đô thị và các khu đô thị mới quy mô lớn được đẩy mạnh triển khai… Những yếu tố kể trên sẽ tác động lên thị trường bất động sản trong năm nay, tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc phát mãi tài sản đảm bảo, thu hồi nợ.

Hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đang đổ vốn vào phân khúc nhà ở thương mại, với một trong các mục tiêu là hoàn thiện dự án bất động sản đầu tư dang dở trước đây, thúc đẩy bán hàng để thu hồi vốn. Điều này dấy lên lo ngại về gia tăng nợ xấu, bởi thực tế, khối nợ lớn của các nhà băng được hình thành vào giai đoạn bóng bóng bất động sản năm 2007.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, nếu tín dụng chảy vào những công trình nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp, vốn có sức mua tốt thì không lo bong bóng tín dụng bất động sản. Ngược lại, điều này sẽ tác động tích cực lên thị trường nhà đất. Từ đó, giúp các ngân hàng có điều kiện để giải quyết bài toán xử lý tài sản đảm bảo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan