Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tích cực, chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị, điều hành

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tích cực, chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị, điều hành

(ĐTCK) Qua gần 20 năm thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tích cực, chủ động soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quản trị, điều hành nhằm triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Để các văn bản Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và có hiệu lực thực thi, việc ban hành kịp thời, áp dụng đồng bộ, thống nhất các văn bản hướng dẫn triển khai luật là vô cùng cần thiết. Ngoài các văn bản hướng dẫn triển khai của Chính phủ, các Bộ, ngành thì văn bản quản trị, điều hành nội bộ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Văn bản quản trị, điều hành của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là phương tiện cần thiết để triển khai các mặt hoạt động; công bố chủ trương, chính sách, giải quyết các công việc cụ thể hàng ngày, là một trong những phương tiện quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác. Việc ban hành văn bản quản trị, điều hành để phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật luôn được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quan tâm hàng đầu.

Căn cứ Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và các văn bản hướng dẫn có liên quan, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động xây dựng, ban hành, áp dụng hệ thống văn bản quản trị điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn huy động nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản quản trị điều hành. Các văn bản quản trị, điều hành tập trung chính vào việc cụ thể hóa những chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Theo đó, ngay sau khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và Thông tư số 01/2018/TT-NHNN ngày 26/01/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (Thông tư 01) có hiệu lực, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình hành động, trong đó ưu tiên kế hoạch xây dựng văn bản quản trị, điều hành để triển khai các văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các văn bản để triển khai những nhiệm vụ mới sau:

Quy chế cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tập trung vào các quy định về nguyên tắc, nguồn vốn, thẩm quyền cho vay đặc biệt; hồ sơ, trình tự, thủ tục cho vay, gia hạn cho vay đặc biệt, giải ngân khoản vay đặc biệt; thu hồi nợ, giám sát việc sử dụng vốn vay; trách nhiệm của các đơn vị...

Dự thảo Quy chế trên đã được xin ý kiến của các đơn vị và Ban lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Hiện Dự thảo Quy chế đang chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Quy chế mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ tập trung vào các quy định về nguyên tắc, nguồn vốn, lãi suất, khối lượng, phương thức, thẩm quyền quyết định mua trái phiếu dài hạn; điều kiện lựa chọn đơn vị bán; bảo quản, lưu trữ, thanh toán gốc, lãi trái phiếu dài hạn; thu hồi vốn hỗ trợ, các biện pháp xử lý rủi ro...

Dự thảo Quy chế mua trái phiếu đã được xin ý kiến của các đơn vị và Ban lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Hiện Dự thảo Quy chế đang chờ Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Trong thực tế, việc xây dựng văn bản quản trị, điều hành bước đầu còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang dần từng bước tháo gỡ nhằm đưa nhiệm vụ mới vào thực tiễn, đem lại hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế của mình.

Để các văn bản triển khai Luật phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tiếp tục quan tâm, định hướng chỉ đạo sát sao các đơn vị tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nghiêm túc thực hiện đúng theo yêu cầu, thời gian, tiến độ theo kế hoạch triển khai Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, Thông tư 01 và kế hoạch ban hành văn bản quản trị điều hành.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đề xuất, có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn,tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ mới theo quy định của pháp luật.

Các văn bản quản trị, điều hành cần được ban hành kịp thời để nhanh chóng triển khai những quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những văn bản liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Nhìn chung, để chính sách pháp luật về bảo hiểm tiền gửi đi vào thực tiễn rất cần sự quan tâm, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò, nhiệm vụ mới, góp phần thực thi Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các quy định của văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh thuộc trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để có kế hoạch triển khai kịp thời.

Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cần chủ động nghiên cứu, nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện văn bản quản trị, điều hành phù hợp.

Tin bài liên quan