Bancassurance đã là “kép chính” của mảng dịch vụ ngân hàng

Bancassurance đã là “kép chính” của mảng dịch vụ ngân hàng

(ĐTCK) Nếu như trong các quý trước đóng góp của mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm (bancassurance) còn hạn chế, thì đến quý II/2019, mảng này đã trở thành nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng.

MBBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với lợi nhuận trước thuế 6 đầu năm 2019 đạt 4.875 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, MBBank đã hoàn thành gần 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tín dụng tiếp tục là mảng kinh doanh cốt lõi khi đem về cho ngân hàng này 8.529 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 25,5% so với cùng kỳ.

Ngoài tín dụng, mảng dịch vụ của MBBank ghi nhận lãi thuần 1.813 tỷ đồng, tăng tới 86% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng trưởng mạnh ở mảng kinh doanh - dịch vụ bảo hiểm khi mảng này chiếm khoảng 60% tổng tiền lãi từ hoạt động dịch vụ. Thu từ dịch vụ của ngân hàng này tăng mạnh năm vừa qua cũng là nhờ đà tăng trưởng của dịch vụ bảo hiểm. Lãi gộp từ dịch vụ này tại MBBank đã tăng từ 38 tỷ đồng (quý I/2018) lên 462 tỷ đồng (quý I/2019), tương đương gấp 12 lần.

Tại TPBank, trong khi cùng kỳ năm trước thu từ mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm chỉ chiếm 17% tổng thu dịch vụ, thì đến quý I/2019 tỷ trọng đã tăng lên 31%. Bảo hiểm trở thành mảng dịch vụ tăng trưởng mạnh nhất của TPBank trong quý I/2019 khi tăng gấp 5 lần cùng kỳ (từ 17 tỷ đồng lên 86 tỷ đồng) và đà tăng trưởng cao tiếp tục được duy trì trong quý II/2019.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, thu nhập từ dịch vụ kinh doanh và bảo hiểm đạt hơn 249,4 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ 2018, chiếm tỷ trọng 41% trong cơ cấu thu nhập dịch vụ. Mức lợi nhuận TPBank thu về trong nửa đầu năm 2019  đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 596 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 50,6% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Qua tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều khách hàng cho biết, gần đây liên tục nhận được lời mời mua bảo hiểm nhân thọ khi thực hiện các giao dịch ngân hàng. Nhân viên tại nhiều ngân hàng cũng chia sẻ, hoạt động bán bảo hiểm đang được đẩy mạnh và giao chỉ tiêu tới từng nhân viên như chỉ tiêu về huy động, cho vay, phát hành thẻ...

Tại VIB, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 1.820 tỷ đồng và 1.456 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 58% so với cùng kỳ 2018, trong đó dẫn đầu về nguồn thu là bancassurance và phát hành thẻ. Sự tăng trưởng ở mảng dịch vụ trong nửa đầu năm nay tại VIB còn đến từ khoản thu phí hoa hồng bảo hiểm. Nhờ đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đột biến 142% lên 764 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng 11%, đạt 93,5 tỷ đồng

Bên cạnh lĩnh vực cho vay, VIB tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển các dòng thẻ, nên doanh số phát hành thẻ và chi tiêu trên thẻ gấp đôi trung bình ngành. Ngoài ra, VIB cũng là một trong những ngân hàng nằm trong Top đầu về doanh số phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đến khách hàng. VIB đang là đối tác lớn, phân phối trên 75% doanh số bancasurrance của Prudential tại Việt Nam.

Với ACB, ngân hàng này ước tính thu từ bancassurance trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ 2018, với doanh số đạt khoảng 350 tỷ đồng, đứng thứ tư về doanh số và thứ hai về khả năng sinh lời đối với dịch vụ bancassurance toàn thị trường. Năm 2019, doanh thu dự kiến của mảng bancassurance tại ACB vào khoảng 600 tỷ đồng. Đồng thời, ACB còn đặt kế hoạch thu nhập mảng này gấp 3 lần năm trước và đang cân nhắc hợp tác thêm với các đối tác cho năm 2020.

Thực tế trên cho thấy, thu hoạt động dịch vụ, đặc biệt là từ bancassurance, đang có xu hướng tăng lên và được xem là “gà đẻ trứng vàng” của nhiều ngân hàng trong thời gian tới. Theo dự báo của SSI Research, phí bảo hiểm thông qua kênh bancassurance sẽ tăng trưởng khoảng 30-40% và trở thành kênh bán hàng được ưa chuộng với tỷ trọng tăng lên 14% trong năm 2019.

Về việc tăng lợi nhuận từ phí dịch vụ nói chung và bancassurance nói riêng, giới phân tích tài chính cho rằng, đó là chiến lược đúng đắn của các ngân hàng trong bối cảnh hoạt động tín dụng được kiểm soát ngày một chặt chẽ, nhưng cần có thời gian để người tiêu dùng quen dần với bảo hiểm, thay vì dồn dập chào mới như hiện nay, dễ gây "hiệu ứng ngược".

Tin bài liên quan