Thị trường đã đưa kỳ vọng về đợt tăng lãi suất của Fed vào giá

Thị trường đã đưa kỳ vọng về đợt tăng lãi suất của Fed vào giá

Bài toán tỷ giá: Cần quay lại vấn đề cốt lõi

(ĐTCK) Thị trường ngoại hối tuần vừa qua đã dồn dập đón nhận nhiều thông tin nóng, nhưng không bất ngờ. Tuy vậy, để ổn định thực sự thị trường này, lời giải bài toán không chỉ xuất phát từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Thị trường đã dự liệu mức lãi suất 0%/năm

Tại thời điểm cuối tháng 11, tổng giám đốc một ngân hàng đã chia sẻ với ĐTCK, khi tình hình tỷ giá khá căng được một thời gian, người đứng đầu NHNN có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng và cho biết, kế hoạch để ổn định thị trường ngoại hối có thể là đưa lãi suất huy động USD của cá nhân xuống 0%/năm và DN đưa về âm.

“Thực tế, Thống đốc đã phát tín hiệu từ trước nên khi NHNN chính thức đưa ra thông báo về việc quy định mức lãi suất mới đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng không lấy làm bất ngờ”, vị tổng giám đốc trên nói.

Phân tích về tình hình thị trường, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, việc đưa lãi suất huy động của người dân về 0%/năm nhằm giảm đầu cơ ngoại tệ là một trong những hướng đi giống như câu chuyện vàng trước đây đã từng được xử lý rất thành công. Người Việt Nam cần được khuyến khích sử dụng VND trong chi tiêu trong nước và thực tế trong những năm qua, gửi tiết kiệm VND vẫn có lợi hơn so với USD.

"HSBC không quan ngại thị trường ngoại hối sẽ có những ảnh hưởng lớn sau quyết định của Fed đối với tỷ giá USD/VND vì thị trường đã đưa kỳ vọng về đợt tăng lãi suất này vào giá" - Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.

Trước quan điểm cho rằng, quyết định của NHNN sẽ khiến người dân rút tiền ồ ạt, gây mất thanh khoản hệ thống, ông Trung phân tích, trước đây huy động ngoại tệ chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng hiện nay quy mô đã nhỏ dần, cho đến bây giờ là rất nhỏ nên nếu nói khi áp dụng chính sách này sẽ tác động lớn tới thị trường, khiến người dân rút tiền ồ ạt gây tác động xấu tới thanh khoản hệ thống là không chuẩn xác. Bên cạnh đó, nếu trước đây lãi suất huy động đang từ 1% mà NHNN đưa thẳng về 0% mới là điều đáng lo lắng, còn việc giảm dần theo lộ trình như hiện nay sẽ không có ảnh hưởng lớn.

“Một chính sách đưa ra sẽ có những điểm tác động tích cực và chưa tích cực, nhưng chúng ta cần nhìn về lợi ích chung trong tổng thể”, ông Trung nói.

Nhận định chung của các lãnh đạo ngân hàng trước lần thứ 2 liên tiếp trong gần 3 tháng qua lãi suất tiết kiệm USD được điều chỉnh giảm, đó là NHNN đang có những động thái mạnh mẽ trong việc thu hẹp phạm vi sử dụng đồng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam và giảm dần tình trạng đô la hóa, tiến tới thực hiện nguyên tắc trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng VND; từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND trên thị trường quốc tế và trong các giao dịch vốn.

Đánh giá về diễn biến trên thị trường ngoại hối những ngày qua, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, người dân sẽ nhận được lợi ích nhiều hơn từ lãi suất VND trong bối cảnh lạm phát đang rất thấp, so với việc nắm giữ ngoại tệ. Điều này cũng đồng thời giúp cho Chính phủ và NHNN quản lý thị trường ngoại hối tốt hơn.

“Cuối tuần vừa qua, diễn biến thị trường khá tích cực, tỷ giá có xu hướng giảm nhẹ so với những ngày trước đó. Tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới đây và thị trường ngoại tệ có sự bình ổn tốt hơn”, ông Thọ nói. 

Tỷ giá USD/VND: trọng tâm là cán cân xuất nhập khẩu

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam cho biết, Mỹ hiện nay vẫn là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và USD là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong các hoạt động tài chính và thương mại toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0% trong khoảng gần 9 năm trở lại đây.

Chính việc duy trì lãi suất cơ bản thấp nhất trong lịch sử đã giúp tránh được sự đổ vỡ của thị trường tài chính thế giới trong giai đoạn 2007 - 2008 và giúp thị trường tài chính khôi phục trong các năm sau đó. Hiện nay, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi ở một số thị trường như Mỹ và Châu Âu.

“Tuy nhiên, hệ lụy của việc duy trì lãi suất thấp là khuyến khích vay nợ nhiều hơn, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Như vậy, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá. Đây chính là lý do tại sao toàn bộ thị trường thế giới trong năm 2015 theo dõi sát sao các động thái của Fed trong việc tăng lãi suất cơ bản”, ông Hải nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, bà Chủ tịch Fed đã nói: “Fed điều chỉnh lãi suất hay không còn xem thái độ của Trung Quốc, đặc biệt là thái độ của thị trường chứng khoán Trung Quốc”. Như vậy, việc Fed tăng lãi suất thêm 0,25% chứng tỏ cơ quan này yên tâm hơn về chính sách tiền tệ và khả năng phục hồi kinh tế Trung Quốc, quốc gia này sẽ không để tăng trưởng kinh tế giảm sâu như Nhật Bản cách đây 20 năm.

“Thông điệp của Fed là dù kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn nhưng sẽ phục hồi, đặc biệt là kinh tế châu Âu và Nhật Bản dù đang có nhiều vấn đề”, TS. Nghĩa nói.

Ông Hải cho biết thêm, hiện tại, HSBC không quan ngại thị trường ngoại hối sẽ có những ảnh hưởng lớn sau quyết định của Fed đối với tỷ giá USD/VND vì thị trường đã đưa kỳ vọng về đợt tăng lãi suất này vào giá. Trong ngắn hạn, biến động của tỷ giá sẽ phụ thuộc vào diễn biến của nhân dân tệ và cung cầu tiền tệ trên thị trường. HSBC cũng không lo lắng về dòng vốn ngoại chảy ra khỏi Việt Nam để đổ về Mỹ, mặc dù đây sẽ là xu hướng tại các thị trường mới nổi vì hiện tại dòng vốn nóng FII vào Việt Nam không nhiều.

“NHNN nên xem xét tiếp tục hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ và khuyến khích các ngân hàng phục vụ nhu cầu thanh toán cần thiết của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng; thông tin với thị trường khi có những tin tức quan trọng trên thị trường quốc tế và ảnh hưởng của những tin tức này tới Việt Nam; áp dụng các biện pháp để giảm thiểu tác động và rủi ro, giữ lãi suất VND và thanh khoản ở mức hợp lý”, ông Hải nói.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB nhận định, trong bài toán tỷ giá USD/VND, trọng tâm vẫn là cán cân thương mại ngoại thương, là cán cân xuất nhập khẩu. Vấn đề này cũng cho thấy rõ sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của chúng ta trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, còn một ẩn số khó có con số thống kê chính xác, đó là nhu cầu ngoại tệ dành cho hoạt động nhập khẩu qua biên giới tiểu ngạch và phi chính thức. Thực tế, trong năm 2014, 2015 khi kinh tế phục hồi, lạm phát thấp, nhu cầu nội địa gia tăng đã đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu, trong khi chúng ta vẫn chưa thay đổi được năng suất và trí tuệ trong quá trình sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu và đây chính là cốt lõi của vấn đề tỷ giá.

“Việt Nam buộc phải giải quyết vấn đề này để cân bằng cán cân thương mại (cả chính ngạch và tiểu ngạch) để ổn định giá trị đồng nội tệ, không thể trông chờ cơ quan quản lý cam kết hay bù đắp từ nguồn vay từ nước ngoài (cho dù là vay tạm qua dòng vốn đầu tư hay vay thật)”, ông Quang nhấn mạnh.    

Tin bài liên quan