Ảnh minh họa (Internet)

Ảnh minh họa (Internet)

6 tháng, dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt trên 2 triệu tỷ đồng

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tiếp tục mở rộng triển khai các chương trình, gói tín dụng có lãi suất ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận dễ dàng nguồn vốn từ ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.

Dự kiến đến 31/7/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 7,28% so với 31/12/2018. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 7,81%, tiền gửi thanh toán tăng 7,49%, tiền gửi bằng VND tăng 8,75% và tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 0,89% so với 31/12/2018.

Trong tháng 7, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động, tăng cường nắm bắt và tiếp cận các khách hàng có nguồn vốn nhàn rỗi; khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để cải thiện cơ cấu nguồn vốn huy động, nên nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng so với cuối năm 2018. 

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng, các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Tính đến 31/7/2019, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến chiếm 2% trong tổng dư nợ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo thanh khoản và khả năng chi trả ngay, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. 

Trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, theo dõi và nắm bắt tình hình hoạt động, đặc biệt là tình hình huy động vốn, tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng, những khó khăn vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất kiến nghị. Thực hiện nghiêm quy định về lãi suất, tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Tính đến hết tháng 7/2019, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2018. Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đến 31/7/2019 đạt 534.650 tỷ đồng. Lãi suất cho vay phổ biến 6%-7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8%-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt vay vốn các ngân hàng thương mại lớn được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn.

Tin bài liên quan