NHNN đã gây dựng được bộ máy, con người có kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, cũng như mối quan hệ đối tác sâu rộng với WB/ADB/IMF

NHNN đã gây dựng được bộ máy, con người có kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, cũng như mối quan hệ đối tác sâu rộng với WB/ADB/IMF

24 năm nối lại quan hệ với WB/ADB/IMF: Chuẩn bị cho xu thế mới

(ĐTCK) Cách đây 24 năm, tháng 10/1993, Việt Nam chính thức nối lại quan hệ tín dụng với 3 tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). 

Đây là 3 tổ chức quốc tế có tầm quan trọng hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi và tư vấn chính sách cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Lịch sử nối lại quan hệ

Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, chính quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam chính thức tiếp quản tư cách hội viên tại WB/ADB/IMF và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam được giao sứ mệnh là đại diện tại các tổ chức này. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, NHNN đã chủ trì thành công quá trình nối lại quan hệ với 3 tổ chức tài chính nói trên, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất.

Từ năm 1976 đến 1981, NHNN đã tích cực chủ động làm việc với IMF để vay khoảng 200 triệu Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) theo các điều kiện ưu đãi về lãi suất và thời hạn giúp Việt Nam khắc phục các khó khăn trong cán cân thanh toán. Năm 1978, WB đã cho Việt Nam vay một khoản tín dụng trị giá 60 triệu USD để thực hiện dự án Thủy lợi Dầu Tiếng giai đoạn 1978 - 1983.

Năm 1985, quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế bước vào một thời kỳ vô cùng khó khăn khi IMF và tiếp sau đó là WB/ADB đình chỉ quyền vay vốn của Việt Nam do các khoản nợ quá hạn.

Trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã phối hợp các bộ, ngành liên quan kiên trì các nỗ lực ngoại giao để duy trì quan hệ hội viên tại WB/ADB/IMF, tạo tiền đề cho việc nối lại quan hệ tín dụng sau này.

Trợ giúp của IMF được thực hiện thông qua các đoàn công tác về kinh tế vĩ mô và hỗ trợ kỹ thuật. Tháng 8/1989, với những diễn biến thuận lợi về mặt chính trị, cùng với sự kiên trì đề nghị và đàm phán thuyết phục của Chính phủ và NHNN, WB đã có những chuyển biến tích cực và cử Ðoàn kinh tế vào Việt Nam.

Ðến tháng 10/1993, với nỗ lực và quyết tâm thực hiện cải cách của Chính phủ Việt Nam, cùng với sự vận động dàn xếp tài chính thiện chí của các nhà tài trợ thuộc Câu lạc bộ Paris, quan hệ tín dụng giữa IMF và Việt Nam chính thức được nối lại. Ðây là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì của Chính phủ ta với các chính phủ và một số ngân hàng nước ngoài để huy động nguồn tài trợ cho việc trả hết các khoản nợ quá hạn.

Ngay sau đó, WB và ADB cũng như các nhà tài trợ quốc tế khác đã bình thường hóa quan hệ tín dụng với Việt Nam, thể hiện qua việc WB hỗ trợ một khoản vay trị giá 35 triệu USD để thanh toán nợ Câu lạc bộ Luân Ðôn tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam có thể huy động các nguồn vốn trên thị trường tài chính quốc tế.

Thành tựu trong quan hệ với WB/ADB/IMF

Từ đó đến nay, sự trợ giúp tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách của các tổ chức này cho Việt Nam ngày càng nhiều hơn và có ý nghĩa, góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo.

Tính đến nay, NHNN đã chủ trì đàm phán ký kết hơn 320 hiệp định vay và viện trợ với WB/ADB với tổng trị giá hơn 38 tỷ USD. Nguồn tài trợ từ các tổ chức này chiếm một phần không nhỏ trong tổng đầu tư toàn xã hội.

Khoản vay của WB/ADB có giá trị lớn, dài hạn (từ 20 - 40 năm) với lãi suất ưu đãi (từ 0 - 2%/năm) và thời gian ân hạn dài (5 - 10 năm) là nguồn vốn quý giá giúp Việt Nam đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm của đất nước.

Cả 2 tổ chức này đều tập trung vào các lĩnh vực được đặt ưu tiên cao như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, thủy lợi, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn, giao thông, y tế và giáo dục. Các dự án của WB và ADB đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế, phát triển các dịch vụ xã hội, tăng cường thể chế và phát triển nguồn nhân lực, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, WB/ADB/IMF còn cung cấp các chương trình hỗ trợ chính sách nhằm giúp Việt Nam cải cách và xây dựng chính sách tổng thể trong các lĩnh vực đầu tư công, cải cách nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tài chính ngân hàng, năng lượng, tăng cường năng lực.

Những hỗ trợ của WB/ADB/IMF trong lĩnh vực phát triển, cải cách nền kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam là không thể phủ nhận.

Thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án, công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng khâm phục. Tỷ lệ hộ nghèo trong vòng 24 năm qua giảm từ 58% năm 1993 xuống khoảng 10% năm 2017 (theo chuẩn nghèo đa chiều), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2000 - 2016.

Từ mối quan hệ đối tác chặt chẽ với WB/ADB/IMF và việc tích cực thực hiện các nghĩa vụ thành viên của tổ chức này, vai trò của Việt Nam trong các tổ chức này cũng tăng lên, qua đó góp phần nâng cao tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Thực hiện tốt các vai trò đại diện và chủ trì đàm phán

Một trong những lý do đạt được thành tựu nêu trên có thể đề cập là do NHNN đã thực hiện tốt cả vai trò đại diện và vai trò chủ trì đàm phán tại các tổ chức quốc tế này.

NHNN được giao chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định vay với WB/ADB do NHNN là đại diện chính thức của nước CHXHCN Việt Nam tại các tổ chức này trong hơn 40 năm qua.

Theo đó, với tư cách là đại diện chính thức của Việt Nam, NHNN là đầu mối xử lý các mối quan hệ, thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ của một thành viên chính thức nhằm bảo vệ quyền lợi tối đa của Việt Nam, bao gồm cả các quyền liên quan tới việc vay vốn.

Do mối tương quan tổng thể và không thể tách rời giữa chức năng đại diện cho quốc gia và bảo vệ quyền lợi liên quan đến việc vay vốn, Chính phủ các nước đều giao cơ quan đại diện đồng thời là cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định vay với WB/ADB/IMF.

Tại Việt Nam, chức năng đại diện và chức năng chủ trì đàm phán của NHNN với WB/ADB/IMF được luật hóa tại Luật Quản lý nợ công năm 2009 và Luật NHNN năm 2010, các Nghị định về quản lý ODA và Nghị định về chức năng nhiệm vụ của NHNN.

Hơn 40 năm qua, quyền lợi của Việt Nam tại WB/ADB/IMF luôn được đảm bảo tối đa, được thể hiện qua việc Việt Nam là một trong những nước nhận được hỗ trợ nhiều nhất cả về tài chính và tư vấn chính sách, qua đó góp phần giúp nước ta đạt được các thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo.

Việt Nam được ghi nhận là thành viên tích cực trong các tổ chức này, qua đó nâng cao vị thế của quốc gia đối với các nước thành viên và cộng đồng quốc tế. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao và thường xuyên đề cập đến Việt Nam như một bài học thành công trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ.

Đồng thời, Việt Nam là nước đầu tiên được WB đặc cách cho phép duy trì thêm nguồn vốn ưu đãi (thêm khoảng 6 năm) và được giãn thời gian trả nợ các khoản vay trước đó khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình và đạt đầy đủ các tiêu chí “tốt nghiệp” nguồn vốn này.

Điều này là rất quan trọng nhằm giúp Việt Nam có thêm nguồn lực tài chính và giảm áp lực trả nợ của ngân sách trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và khả năng Việt Nam tiếp cận với các nguồn vốn khác còn hạn chế.

Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ đại diện và chủ trì đàm phán, NHNN đã gây dựng được bộ máy, con người có kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, cũng như mối quan hệ đối tác sâu rộng với WB/ADB/IMF, qua đó giúp cho NHNN luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Chính phủ ghi nhận và các tổ chức này đánh giá cao.

Xu thế hợp tác sắp tới

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam tốt nghiệp vay nguồn vay ưu đãi IDA của WB vào 1/7/2017 và sẽ tốt nghiệp nguồn vốn vay ưu đãi ADF của ADB từ 1/1/2019. Như vậy, nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giảm dần và từ năm 2019, Việt Nam chỉ có thể tiếp cận được nguồn vốn với điều kiện ưu đãi thấp hơn từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc WB và nguồn Vốn thông thường (OCR) của ADB.

Như vậy, ngoài việc phát triển quan hệ đối tác và thực hiện tốt vai trò là thành viên tích cực của các tổ chức này, Việt Nam cần tiếp tục chủ động triển khai công tác nghiên cứu, sử dụng các khoản vay mới có điều kiện ưu đãi thấp hơn từ nguồn IBRD của WB và nguồn OCR của ADB.

Đồng thời, cần triển khai áp dụng các sản phẩm tài chính của WB, ADB, IMF trong việc phát triển kinh tế tư nhân, bảo lãnh, phát triển trái phiếu…

Ðể triển khai tốt hơn nữa nguồn vốn và các sản phẩm tài chính của WB/ADB/IMF, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý và thực hiện dự án, cơ chế tài chính trong nước, và các hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành hữu quan. Ðẩy mạnh hơn nữa quá trình hài hòa hóa thủ tục giữa Chính phủ và các nhà tài trợ; tăng cường tính chủ động của phía Việt Nam trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án.

Trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ hiện nay, các địa phương cần nâng cao hơn nữa tính chủ động; tăng cường đào tạo cán bộ và năng lực thực hiện dự án và đề xuất những chính sách, cơ chế ưu đãi để thu hút cán bộ có năng lực tham gia quản lý dự án và tăng cường sự phối hợp giữa trung ương và địa phương.

Đồng thời, xây dựng chiến lược và các phương án để sử dụng hiệu quả nguồn IBRD và OCR cũng như sử dụng các sản phẩm tài chính khác của các tổ chức này.

Tin bài liên quan