TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực

100.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu không lo gây lạm phát

Theo ông Cấn Văn Lực thì không lo ngại số tiền này sẽ gây lạm phát do việc xử lý nợ xấu sẽ phải diễn ra trong vài năm chứ không thể cấp tập trong khoảng thời gian ngắn.

Sau khi NHNN họp với nhóm G14 một thông tin đáng chú ý đã được đưa ra là NHNN sẽ thành lập công ty mua bán nợ xấu của các NHTM. Số nợ xấu dự kiến sẽ được xử lý khoảng 100 ngàn tỷ. Phóng viên đã có trao đổi ngắn với ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng về đề xuất này của NHNN.

 

Thưa ông, tại cuộc họp của NHNN với nhóm 14 NHTM lớn thì NHNN đã đưa ra đề xuất thành lập công ty mua bán nợ xấu của các ngân hàng, với con số dự kiến là 100.000 tỷ đồng. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Trước hết tôi ủng hộ phương án này của NHNN. Thực tế trên thế giới đã có 2 mô hình công ty mua bán nợ là công ty mua bán nợ tập trung cấp độ quốc gia và công ty mua bán nợ của NHTM. Tại thời điểm hiện nay cần thiết phải có công ty mua bán nợ cấp quốc gia.

Với công ty mua bán nợ quốc gia cũng có 2 dạng: loại thứ nhất là được thành lập để xử lý nhanh nợ xấu của ngân hàng, còn loại thứ 2 như Mexico thì sử dụng lâu dài để hỗ trợ tái cơ cấu các doanh nghiệp.

Con số dự tính là 100.000 tỷ đồng thì đó cũng chỉ là con số dự tính ban đầu, nhưng rõ ràng NHNN cũng đã có căn cứ dựa trên con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tổng dư nợ khoảng 130 tỷ USD, với tỷ lệ nợ xấu khoảng 5% thì tổng nợ xấu hệ thống khoảng 6-7 tỷ USD. Như vậy 100 ngàn tỷ thì cũng là con số tính khá sát thực tế. Hơn nữa cũng không cần phải xử lý toàn nợ xấu mà có thể chỉ là loại nợ nhóm 3 trở lên, có khả năng mất vốn cao

 

Nguồn nào sẽ được sử dụng cho việc giải quyết nợ xấu này?

100 ngàn tỷ là số tiền lớn nên nguồn vốn sẽ phải kết hợp từ nhiều nguồn. Trước hết sẽ là từ NHNN với chức năng, nhiệm vụ thì có thể cung cấp vốn cho việc này. Nguồn thứ 2 là từ Chính phủ, có thể thông qua phát hành Trái phiếu đặc biệt để huy động vốn. Cuối cùng thì các NHTM cũng có thể tham gia đóng góp tài chính cho công ty mua.

 

Từ trước đến nay thì việc xử lý nợ vẫn được các NHTM thông qua công ty quản lý tài sản AMC. Bây giờ NHNN quyết định thành lập công ty mua nợ quốc gia, liệu có phù hợp?

Đúng là các NHTM vẫn thường thông qua AMC để xử lý nợ nhất là nợ xấu, tuy nhiên cũng phải thấy rằng thời gian qua nhiều AMC hoạt động không hiệu quả nên các ngân hàng cũng phải thực hiện tái cơ cấu.

Chưa kể mối quan hệ giữa ngân hàng mẹ và công ty con AMC thiếu minh bạch, việc mua bán nợ với giá chiết khấu bao nhiêu, hạch toán kế toán không rõ ràng cùng môi trường pháp lý để hoạt động còn bất cập. Rồi các NHTM nhỏ, yếu lại chưa có các AMC nên không thể xử lý nợ xấu để tái cơ cấu, sáp nhập. Khi có công ty mua nợ rồi sẽ thúc đẩy quá trính tái cơ cấu ngân hàng nhanh hơn.

Do vậy việc thành lập công ty mua nợ cấp quốc gia là cần thiết, các ngân hàng có AMC vẫn tiếp tục xử lý nợ bình thường, không lo ngại sẽ chồng chéo.

 

Theo ông đâu là cơ chế phù hợp cho công ty “mua nợ quốc gia”?

Muốn công ty mua nợ hoạt động hiệu quả, hoàn thành được mục tiêu đặt ra, trước tiên phải có môi trường pháp lý phù hợp để xây dựng mô hình tổ chức hoạt đông.

Tiếp đến là trong quá trình hoạt động tác nghiệp mua nợ các ngân hàng cần độc lập, không có sự can thiệp mang tính hành chính. Muốn như vậy thì hoạt động phải minh bạch, công khai để tạo dựng niềm tin cho thị trường.

Khi xử lý nợ xấu phải phân định rõ trách nhiệm của các bên ngay từ đầu, điều kiện nào để được mua lại nợ. Điều này rất quan trọng để tránh tình trạng các NHTM lợi dụng dồn hết nợ xấu cho NHNN.

Để hạn chế thì phải định giá chính xác các khoản nợ xấu, đưa ra mức giá hợp lý đối với NHTM. Kinh nghiệm của các quốc gia khác là khi định giá nợ theo giá thị trường chứ không theo giá sổ sách.

 

Cuối cùng, theo ông liệu con số 100.000 tỷ đồng có tiềm ẩn nguy cơ lạm phát hay không?

Tôi không nghĩ như vậy. Việc xử lý nợ không phải diễn ra ngay được mà được thực hiện dần dần. Khoảng thời gian để hoàn thành xử lý nợ xấu có thể vài năm. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay thì bơm tiền ra cũng không lo ngại lạm phát.