Đồng won Hàn Quốc, đồng yên Nhật Bản và đồng đô la Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, và là các đồng tiền hoạt động tốt nhất của châu Á trong năm nay. Những điều này diễn ra với kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán về việc hạ thuế quan toàn diện của Mỹ sẽ đề cập đến cách các quốc gia quản lý tỷ giá hối đoái.
Nathan Venkat Swami, người đứng đầu bộ phận giao dịch ngoại hối châu Á - Thái Bình Dương tại Citigroup cho biết: "Rất có thể thị trường tin rằng Mỹ sẽ tìm cách đưa ra một số ngôn ngữ xung quanh tỷ giá hối đoái, như một phần của các thỏa thuận thương mại rộng hơn với một số đối tác thương mại…Tỷ giá hối đoái sẽ là một phần của các cuộc đàm phán…Thị trường sẽ phản ánh trước khi các cuộc đàm phán diễn ra".
Việc dự trữ đồng đô la của các nền kinh tế xuất khẩu giàu có ở châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản đã thúc đẩy sự đầu cơ, đặt cược vào việc tăng giá của các tiền tệ Châu Á.
Timothy Moe, đồng giám đốc nghiên cứu vĩ mô châu Á tại Goldman Sachs cho biết: "Có một chút lò xo xoắn trong các tiền tệ châu Á…Các điều kiện đã sẵn sàng để tiền tệ tăng giá".
Nhiều nhà phân tích tin rằng "Hiệp định Mar-a-Lago" - thỏa thuận tiền tệ đa phương lớn theo phong cách của Hiệp định Plaza năm 1985, khi Mỹ đàm phán về việc phá giá đồng đô la với Nhật Bản, Anh, Pháp và Tây Đức - là không thể.
Thay vào đó, các nhà phân tích tin rằng thị trường đang chuyển động theo kỳ vọng rằng một loạt thỏa thuận tiền tệ song phương nhỏ hơn có thể dễ dàng đạt được hơn.
Meera Chandan, đồng giám đốc chiến lược FX của JPMorgan cho biết: "Có lẽ sẽ dễ dàng hơn để đạt được các thỏa thuận song phương hơn là một thỏa thuận đa phương duy nhất".
Tuần trước, đồng won đã tăng tới 2,2% so với đồng đô la sau các thông tin về việc Hàn Quốc đã thảo luận về tỷ giá hối đoái với Mỹ vào đầu tháng 5.
Động thái của đồng won diễn ra sau đợt tăng giá lịch sử của đồng đô la Đài Loan vào đầu tháng này, một phần do suy đoán rằng các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ sẽ thúc đẩy đồng tiền này tăng giá. Việc cơ quan tiền tệ Đài Loan (Trung Quốc) bất ngờ không can thiệp được thị trường cho là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chính sách theo hướng cho phép đồng tiền này tăng giá.
Một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, đợt tăng giá gần đây của đồng đô la Đài Loan là tín hiệu từ ngân hàng trung ương gửi đến thị trường "rằng một sự thay đổi chế độ sắp xảy ra".
Vào thời điểm đó, cơ quan tiền tệ Đài Loan cho biết, Bộ Tài chính Mỹ không yêu cầu tăng giá đồng tiền như một phần của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể đưa ra điều kiện can thiệp tiền tệ hạn chế cho các thỏa thuận thương mại.
Chris Turner, Giám đốc nghiên cứu thị trường toàn cầu của ING cho biết: "Ở giai đoạn này, tôi kỳ vọng bất kỳ thỏa thuận ngoại hối nào cũng sẽ theo hướng cam kết tỷ giá hối đoái thả nổi tự do và hạn chế can thiệp ngoại hối, đặc biệt là can thiệp để bán đồng nội tệ".
Mặt khác, các nhà giao dịch ngoại hối ở châu Á đang điều chỉnh vị thế dựa trên kỳ vọng rằng việc tăng giá tiền tệ của khu vực là một xu hướng dài hạn.
“Tôi cho rằng sự tăng giá sẽ không theo đường thẳng đứng như những gì đã xảy ra vào đầu tháng 5…Nhưng chúng tôi đồng ý rằng động thái tăng giá là một xu hướng”, nhà phân tích tại một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn của Đài Loan cho biết.
![]() |
% tăng giảm/giá của các tiền tệ châu Á đối với đồng đô la từ đầu năm tới nay |
Một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Hồng Kông cho biết, các nhà giao dịch trong khu vực xem hình thức của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà Nhật Bản đạt được với Mỹ là chìa khóa để xác định điều gì sẽ xảy ra với các tiền tệ khác trong khu vực. “Điều này sẽ có hiệu ứng lan tỏa đến các loại tiền tệ khác của châu Á”.
Theo các nhà phân tích, đồng yên và đồng nhân dân tệ đang góp phần neo giữ tỷ giá hối đoái của khu vực.
Các cuộc đàm phán thương mại của Nhật Bản với Mỹ đã bị trì hoãn vì chính quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba muốn được miễn thuế hoàn toàn trong nỗ lực giành được sự ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử vào tháng 7.
Như hầu hết các nhà phân tích dự đoán, cuộc họp giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato bên lề cuộc họp tài chính G7 tại Canada vào tuần này đã không đưa ra được thỏa thuận chính thức nào về các động thái về tiền tệ.
Tuy nhiên, có một sự khẳng định rõ ràng bất thường trong tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ rằng tỷ giá hối đoái nên được xác định bởi thị trường và tỷ giá đô la - yên hiện tại phản ánh các yếu tố cơ bản.
Mặc dù là quốc gia đầu tiên mở các cuộc đàm phán thuế quan chính thức với Tổng thống Trump, nhưng nỗ lực nhằm giảm mức thuế 25% đối với ô tô của Nhật Bản vẫn chưa mang lại kết quả. Nhưng Bộ trưởng Goto cho biết Mỹ hiện có thể đồng ý giảm xuống còn 10% với sự hiểu ngầm rằng Nhật Bản sẽ không cản trở đồng yên tăng từ 3 đến 5% so với đồng đô la.
Đối với đồng nhân dân tệ, Goldman Sachs dự báo đồng tiền này sẽ tăng giá lên 7 nhân dân tệ mỗi đô la trong 12 tháng tới, từ mức 7,2 nhân dân tệ hiện tại.
“Tình hình đang thuận lợi cho thị trường để đồng nhân dân tệ dần tăng giá…Điều đó có thể mở ra cánh cửa cho các loại tiền tệ khác như đồng yên, đồng won và đồng đô la Đài Loan tăng giá hơn nữa”, ông Timothy Moe cho biết.