Tiền sẽ vào cổ phiếu khi vàng bị bán tháo?

Tiền sẽ vào cổ phiếu khi vàng bị bán tháo?

Chứng khoán sẽ bước vào tuần này với một cơ hội được kỳ vọng: dòng tiền chuyển từ vàng sang cổ phiếu.

 

Nếu cách đây vài tuần, kỳ vọng trên là khó có cơ sở thuyết phục vì thậm chí dòng tiền còn mang hơi hướng thoát dần khỏi kênh cổ phiếu để chuyển sang mua vàng, thì tuần này chính là giai đoạn khởi đầu cho quá trình lao dốc của giá vàng trong nước.

 

Cho đến cuối tuần trước, giá vàng trong nước vẫn như cố tình chênh vênh đến gần 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Sự chênh vênh như thế càng làm khó hơn cho xu hướng hoàn toàn chưa rõ ràng của chỉ số chứng khoán, khiến một số nhà đầu tư lo ngại về khả năng dao động hẹp của giá vàng trong nước có thể tạo tiền đề cho một đợt tăng mới của vàng và do đó càng hút tiền ra khỏi kênh chứng khoán.

 

Song những phiên lao dốc của giá vàng thế giới cuối tuần trước - mất gần 150 USD/ounce, đã khiến trật tự về quy luật tương đương giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có nhiều khả năng được lập lại trong tuần này. Với xu thế bán vàng, thậm chí là bán tháo, số nhà đầu tư tham chiến đa mặt trận sẽ có thể mặn mà hơn với mặt bằng giá cổ phiếu vẫn còn đang rất thấp, đổ một phần tiền vào bắt đáy chứng khoán.

 

Bán vàng mua cổ phiếu cũng là xu thế trên các TTCK thế giới tuần qua. Phiên giao dịch cuối tuần qua đã làm nên một sự đảo chiều bất ngờ: cùng với đà lao dốc của giá vàng thế giới, hầu hết các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Âu đã phục hồi nhẹ. Nghịch lý giữa giá vàng và giá cổ phiếu quốc tế có thể lại một lần nữa lặp lại: xu thế giảm của giá vàng sẽ củng cố xu thế tăng ngắn hạn của chỉ số chứng khoán.

 

Tính đến nay, chỉ số chứng khoán của Ý, Tây Ban Nha, Pháp và chỉ số tổng hợp của châu Âu chịu mất mát lớn nhất. Quan sát đồ thị diễn biến của các chỉ số này, thật kinh ngạc khi chứng kiến mới chỉ trong 3-4 tháng qua, chúng đã mất gần như toàn bộ giá trị phục hồi tích lũy được trong hai năm rưỡi sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Một lần nữa, mặt bằng giá cổ phiếu lại trở về "giá trị thực", tạo nên độ hấp dẫn đặc biệt đối với giới đầu cơ ngắn hạn và nhà đầu tư dài hạn.

 

Trong bối cảnh trên, TTCK Việt Nam vẫn đang dè dặt qua từng phiên giao dịch. Vấn đề lớn nhất được tranh luận trong thời gian qua là dòng tiền từ tiết kiệm có dịch chuyển sang kênh chứng khoán hay không.

 

Vào khoảng đỉnh của con sóng tăng gần nhất (gần giữa tháng 9/2011), đã có khá nhiều đánh giá về sự dịch chuyển này. Tuy nhiên từ đó đến nay, sau một số phiên giảm khá mạnh của hai chỉ số VNI và HNX, trạng thái lạc quan về xu hướng dòng tiền đã lắng hẳn.

 

Vào cuối tuần trước, Công ty chứng khoán Thăng Long - đơn vị đầu tiên nêu ra đánh giá về xu hướng dịch chuyển tiền từ tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán - đã nhận định lại hiện tượng này với thái độ thận trọng hơn hẳn.

 

Nói đúng hơn, qua con sóng tăng gần nhất, chỉ có hiện tượng tỷ lệ tài khoản "chết" tái giao dịch được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, vẫn chưa có công ty chứng khoán nào nêu được xác nhận cụ thể về giá trị tiền mới tham gia vào chứng khoán.

 

Sự mông lung đầy cảm tính trong công tác thống kê và phân tích lại làm cho nhà đầu tư chứng khoán thêm một lần nữa thất vọng: nếu từ 7/9/2011, ngày chính thức "siết" lại quy định trần lãi suất huy động 14%, cho đến nay mà tiền tiết kiệm vẫn "không chịu" tuôn vào cổ phiếu, thì có gì bảo đảm là trong thời gian tới sẽ có một dòng tiền mới thật sự chảy vào kênh này? Hay trong vài tuần qua, tiền tiết kiệm chỉ đơn giản là được dùng để "bắt đáy" vàng và di chuyển từ ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn?

 

Rõ ràng, trong thời buổi khan hiếm tiền mặt này, việc xác định được xu hướng và mục tiêu của dòng tiền là quan trọng nhất, quyết định cho khả năng chứng khoán lên hay xuống. Tuy vậy cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa thể được xác định. Trong khi đó, xu hướng bán ròng của khối nước ngoài trong nhiều phiên giao dịch vừa qua lại càng làm cho nhà đầu tư trong nước nghi ngờ về quá trình thoái vốn vẫn và sẽ tiếp diễn của khối này.

 

Gần đây, lãnh đạo người nước ngoài của một quỹ đầu tư lớn đã nói tuột ra triển vọng năm 2012, khi kỳ vọng Nhà nước sẽ có chủ trương cho vay lại tín dụng đối với chứng khoán để nhà đầu tư trong nước sẽ mua toàn bộ cổ phiếu do các quỹ nước ngoài bán ra. Lời thừa nhận thẳng thừng này có thể làm cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cụt hứng: hóa ra chuyện thoái vốn của nước ngoài là có thật, rồi sắp tới khối nước ngoài có thể làm đủ cách để chiêu dụ nhà đầu tư trong nước ôm lại mớ cổ phiếu mất giá của họ.

 

Xu hướng về dòng tiền đã mờ mịt như thế, còn tình hình thực tế của thị trường tuần qua cũng không khả qua hơn, nếu không muốn nói là xấu hơn so với tuần trước nữa. Trong nhận định tuần trước, chúng tôi đã đặt câu hỏi về việc tại sao nhóm tạo lập thị trường lại tự nguyện đánh mất lửa vào gần giữa tháng 9/2011, khi con sóng bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh và bắt đầu thu hút dòng tiền tiết kiệm. Với những phiên giảm khá mạnh trong tuần qua, "tinh thần tự nguyện" ấy càng được củng cố, xu hướng suy giảm của thị trường càng được xác thực khi đã xuất hiện động tác đánh xuống lộ liễu bộ ba cổ phiếu vốn hóa siêu lớn MSN, BVH, VIC.

 

Vấn đề còn lại là thị trường sẽ giảm theo cách nào, liệu chỉ số HNX có bị "cho" phá đáy cũ 65 điểm hay không. Cho đến cuối tuần qua, đã xuất hiện một cơ sở, dù vẫn khá mong manh, để có thể hy vọng vào việc giữ được đáy cũ của HNX. Đó là việc tỷ lệ giảm của HNX và VNI đang trở nên khá tương đương - khoảng 6%. Nếu mối tương quan về tỷ lệ như thế được giữ đều trong những phiên tới, thì dù là giảm, thị trường vẫn còn có cơ hội để phục hồi với đáy sau cao hơn đáy trước.

 

Tuy thế, mẫu hình đồ thị sụt giảm của VNI vào lần này lại khác khá nhiều so với thời kỳ tháng 6/2011. Thực tế, VNI đang có dạng lao dốc khá giống với đường biểu diễn trong tháng 5/2010 (khi đó VNI mất 12% và HNX mất đến 18%). Nếu việc bộ ba cổ phiếu MSN, BVH, VIC và có thể cả một vài cổ phiếu lớn khác vẫn bị dụng tâm đánh xuống quyết liệt trong những phiên tới, dù không phải HNX thì chính chỉ số VNI sẽ tái hiện lịch sử cú bổ nhào như tháng 5/2010.

 

Muốn tránh khỏi cú bổ nhào giả định trên, nhà đầu tư chỉ còn hy vọng vào dòng tiền từ vàng chuyển qua kênh chứng khoán. Như đã đề cập ở trên, trong tuần này vàng trong nước có khả năng bị bán tháo và do đó sẽ có một phần tiền thực chảy vào cổ phiếu. Thế nhưng dòng tiền đó có đủ lớn để duy trì trạng thái đi ngang hoặc tăng điểm nhẹ của thị trường hay không thì lại một chuyện khác.

 

Cũng như hiệu ứng đã diễn ra đối với dòng tiền từ tiết kiệm, khả năng dòng tiền từ vàng sang chứng khoán vẫn sẽ là mối hoài nghi. Bởi trong thực tế, nếu không nhận được cả hai dòng tiền này, TTCK sẽ chấm dứt hy vọng phục hồi trong những tháng cuối năm 2011.