Kỳ 1: Giải mã tiền chảy mạnh vào trái phiếu
Lãi suất huy động lên 14-15%/năm
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho hay, 6 tháng đầu năm nay, giá trị các đợt phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tập trung ở phương thức riêng lẻ (chiếm trên 95% tổng giá trị phát hành toàn thị trường).
Các đợt phát hành ra công chúng có tỷ trọng khiêm tốn, tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại lớn. Cơ cấu doanh nghiệp phát hành tập trung ở các tổ chức tài chính, ngân hàng, tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản.
Khối doanh nghiệp bất động sản đang là những “tay chơi” gây chú ý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khi không ngại chào bán trái phiếu với mức lãi suất cao. Điển hình là ngày 27/6 vừa qua, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công khai kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, PDR đã bán được toàn bộ 1.500 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu kỳ hạn 1 năm, với lãi suất 14%/năm (trả lãi 3 tháng/lần). Mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại (từ 6,8 - 8%/năm) cũng như mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ và mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp các doanh nghiệp cùng ngành đã phát hành thành công trong thời gian qua.
Đáng chú ý, toàn bộ lượng trái phiếu được PDR bán hết cho một nhà đầu tư tổ chức và hai nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư này có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Cụ thể, nhà đầu tư tổ chức Công ty Chứng khoán Hải Phòng (HAC, sàn UPCoM) cũng đồng thời là tổ chức tư vấn, đại lý quản lý tài sản đảm bảo.
HAC nắm giữ lượng trái phiếu trị giá 90 tỷ đồng, tương đương 60% tổng lượng trái phiếu PDR phát hành. Hai nhà đầu tư cá nhân gồm ông Vũ Dương Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAC đã mua 40 tỷ đồng trái phiếu; ông Đoàn Đức Luyện, Ủy viên Hội đồng quản trị HAC mua 20 tỷ đồng trái phiếu, lần lượt sở hữu 26,67% và 13,33% lượng trái phiếu phát hành.
Chưa thỏa cơn khát vốn, ngày 10/7/2019, Hội đồng quản trị PDR thông qua phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần 5 năm 2019. Theo đó, dự kiến trong quý III năm nay, Công ty phát hành 2.200 trái phiếu để thu về 220 tỷ đồng. Đây cũng là trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, lãi suất 13,5%/năm.
Tuy nhiên, sau khi bàn thảo với nhà đầu tư, ngày 23/7, PDR có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở giao dịch chứng khoán về việc điều chỉnh giảm khối lượng phát hành xuống còn 700 trái phiếu, tương đương 70 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty Chứng khoán Hải Phòng tiếp tục là tổ chức quản lý tài sản đảm bảo cho đợt phát hành này của DPR.
Thực ra, số doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất từ 12%/năm để bán được trái phiếu không hiếm. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư Văn Phú- Invest (VPI, sàn HOSE) vừa bán được toàn bộ 8.000 trái phiếu cho một nhà đầu tư tổ chức là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, thu về 800 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn từ ngày 9/5/2019 - 9/12/2021, lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 12%/năm (kỳ điều chỉnh lãi suất là 3 tháng/lần)…
Trên sàn UPCoM, CTCP Điện Gia Lai (GEG) đã huy động 119 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, kỳ hạn 2 năm. Lãi suất trái phiếu là 11,5 - 12%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Sức cầu đến từ đâu mà khả năng hấp thụ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại gia tăng đột biến, giúp cho nhiều doanh nghiệp bán trái phiếu đắt hàng đến vậy?
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại quy mô lớn cho hay, ngoài khối nhà đầu tư chủ lực là các ngân hàng thương mại thì từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu cũng thu hút mạnh dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân.
Với lượng tiền huy động được dồi dào, các ngân hàng ưa thích đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp vì cùng với thu được lợi nhuận khá tốt, còn tạo sự linh hoạt cho khoản đầu tư.
Với thanh khoản thị trường khá tốt hiện nay, khi mua trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến chạm trần tín dụng, ngân hàng có thể dễ dàng bán trái phiếu ra, sau đó mua lại bất kỳ lúc nào khi nằm trong trần tăng trưởng tín dụng. Điều này vừa mang lại cơ hội kiếm lời, vừa đảm bảo tính thanh khoản cao cho dòng vốn kinh doanh của các ngân hàng, nên họ có nhu cầu cao đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Theo vị phó tổng giám đốc ngân hàng, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ còn sôi động…
“Miếng mồi” lãi suất cao?
Theo ghi nhận của VBMA, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6/2019 tiếp tục “nóng” lên, với 31 thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công, tổng giá trị vốn doanh nghiệp huy động được là 12.822 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 12 thương vụ phát hành thành công, huy động được 6.349 tỷ đồng trong tháng trước đó.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã chạm ngưỡng 90.000 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm trước, qua đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018.
Sự sôi động của thị trường trái phiếu ở chừng mực nào đó là tín hiệu tích cực khi giải quyết được bài toán vốn cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu vốn lớn lại đang bị hạn chế dòng vốn tín dụng, đồng thời giảm gánh nặng tài trợ vốn cho hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất của các tổ chức phát hành đang khiến cơ quan hữu trách cũng như chuyên gia trong ngành quan ngại.
Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý về hiện tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất rất cao. Phó Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Các ngân hàng có tham gia, hay chỉ có nhà đầu tư cá nhân? Liệu mặt bằng lãi suất có bị ảnh hưởng? Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sớm có báo cáo về việc này.
Từ góc nhìn của thành viên thị trường, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký của VBMA cho rằng, khó khẳng định mức lãi suất 14%/năm là cao hay thấp, bởi đây là vấn đề định giá theo mức độ rủi ro của thị trường. Mỗi doanh nghiệp hay dự án đầu tư có tiềm năng, cơ hội và mức độ rủi ro khác nhau, nên sẽ có lãi suất huy động rất khác nhau. Các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu thành công phải cân nhắc một loạt yếu tố, các điều kiện theo quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP, cũng như cung - cầu, khẩu vị của nhà đầu tư trên thị trường.
“Tuy nhiên, tình trạng huy động trái phiếu với lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành, quản lý thị trường đã được Chính phủ đặt mục tiêu từ trước. Do vậy, các cơ quan quản lý cần theo dõi, đánh giá tình trạng này để nếu có dấu hiệu bất thường thì có giải pháp xử lý, tránh để ảnh hưởng tới các mục tiêu này…”, ông Quỳnh chia sẻ.
Để trả lời câu hỏi của lãnh đạo Chính phủ về việc có hay không tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường, phóng viên tìm câu trả lời từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan đảm trách việc giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra đại chúng; Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, qua nắm bắt thông tin thị trường, Bộ Tài chính cho hay, đến nay chưa phát hiện những dấu hiệu bất thường, kể cả về mặt bằng lãi suất huy động, nhưng Bộ đang tăng cường các hoạt động theo dõi, giám sát để báo cáo Chính phủ…
Còn với diễn biến phát hành ra đại chúng, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, từ đầu năm đến nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp huy động qua phương thức phát hành này chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng số thương vụ phát hành, cũng như lượng vốn doanh nghiệp huy động thành công. Qua theo dõi hoạt động phát hành của các doanh nghiệp cho thấy, mặt bằng lãi suất hiện chưa có bất thường. Tuy nhiên, để thị trường phát triển lành mạnh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang gia tăng nắm bắt thông tin để có giải pháp chính sách phù hợp.
Kỳ 2: Coi chừng… “bỏng tay”